Nhiều hệ lụy khi Đắk Lắk chậm giải ngân vốn đầu tư công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hiện, công tác giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Đắk Lắk trong năm 2021 đang đạt tỉ lệ thấp. Nếu tình hình không được cải thiện, trong thời gian tới, một số dự án xây dựng cơ bản ở địa phương này có nguy cơ bị rút vốn và gây ra nhiều hệ lụy. 
 
Một công trình giao thông trọng điểm ở địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đang trong quá trình triển khai xây dựng sau nhiều năm chậm tiến độ. Ảnh: Bảo Trung
Một công trình giao thông trọng điểm ở địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đang trong quá trình triển khai xây dựng sau nhiều năm chậm tiến độ. Ảnh: Bảo Trung
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, tổng nguồn vốn xây dựng cơ bản thuộc ngân sách nhà nước năm 2021 tỉnh được giao thực hiện dự án là khoảng 3.700 tỷ đồng. Đến ngày 13.9, địa phương đã giải ngân được hơn 1.100 tỉnh đồng, đạt gần 30% kế hoạch.
Ngoài ra, số vốn thuộc kế hoạch năm 2020 chuyển nguồn sang năm 2021 để thực hiện là 705,613 tỷ đồng. Đến giữa tháng 9, tỉnh cũng chỉ mới giải ngân được 269 tỷ đồng, đạt 38,01%.
Hiện, các chủ đầu tư chủ yếu triển khai các thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu. Một số khác chưa tích cực giải ngân, chậm tổ chức nghiệm thu khối lượng. Nhiều đơn vị tư vấn năng lực còn yếu, vướng công tác giải phóng mặt bằng...
Ông Phạm Văn Hạ - Giám đốc Ban quản lý dự án công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk - cho hay, đơn vị đang có một dự án chậm giải ngân vốn đó là công trình đê bao ngăn lũ phía nam (huyện Lắk). Bởi, sở Kế hoạch Đầu tư bố trí vốn chưa đúng theo tiến độ, dồn hết tiền trong một năm nên khó triển khai kịp. Ngoài ra, vùng dự án thời gian qua có mưa, lũ nên nhà thầu khó thi công.
Công trình này có tổng mức đầu tư khoảng 200 tỉ đồng, dự kiến đến năm 2023 thì hoàn thiện. Nhưng đến nay đơn vị chỉ mới giải ngân được  10% trong tổng số 113 tỉ đồng (kế hoạch năm 2021 - PV). Theo quy định, tới ngày 30.9, Ban phải giải ngân được 60% trong tổng kế hoạch vốn được giao nhưng đến nay mới chỉ hoàn thiện được 52%, ông Hạ thông tin.
Đắk Lắk nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tỉnh này có nhiều dự án xây dựng cơ bản trọng điểm đang triển khai góp phần giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho đồng bào tại chỗ. Khi tỉnh chậm giải ngân vốn đầu tư công trong một thời gian dài, các dự án này có nguy cơ bị trung ương rút vốn, dừng triển khai, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của bà con...
Ông Trần Phú Hùng - Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Lắk - thừa nhận: "Ngày 28.9, tại Hội nghị về giải ngân vốn đầu tư công do Chính phủ tổ chức thì tỉnh Đắk Lắk là một trong những địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp, chưa đạt yêu cầu. Bộ Kế hoạch Đầu tư nắm rất chắc tiến độ giải ngân của các địa phương, thống kê ở kho bạc rõ ràng nên khó có xảy ra việc báo cáo khống số liệu. 
Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư lẫn tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến 30.9, các tỉnh nào giải ngân thấp dưới 60% có nguy cơ bị trung ương xem xét rút vốn điều qua dự án khác có tiến độ tốt hơn". 
Đắk Lắk và nhiều địa phương khác cũng đã kiến nghị Chính phủ cho phép tách rời khâu giải phóng mặt bằng ra thành một dự án khác. Theo đó, công tác giải phóng mặt bằng được triển khai trước, khi đã có mặt bằng sạch thì sau đó việc thi công dự án sẽ thuận lợi và công tác giải ngân vốn cũng nhanh hơn, ông Hùng cho hay.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đã trình UBND tỉnh Đắk Lắk xin ý kiến Thường trực HĐND tỉnh điều chỉnh kế hoạch vốn ngân sách tỉnh năm 2020 kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2021 và kế hoạch năm 2021 (đợt 1), với tổng số vốn điều chỉnh hơn 83 tỷ đồng đối với 36 dự án.
BẢO TRUNG (LĐO)

https://laodong.vn/ban-doc/nhieu-he-luy-khi-dak-lak-cham-giai-ngan-von-dau-tu-cong-958570.ldo

Có thể bạn quan tâm

Nghề rèn của người Mạ

Nghề rèn của người Mạ

Đời sống của người Mạ luôn gắn với núi rừng, nương rẫy. Để đáp ứng nhu cầu đời sống, sản xuất, các nghề thủ công truyền thống ra đời, trong đó có nghề rèn.