Ngôi làng duy nhất ở tỉnh Gia Lai có tới 9 già làng, có 2 nhà rông, 1 nhà rông vợ, 1 nhà rông chồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Làng Đê Tul, xã Đắk Sơ Mei, huyện Đắk Đoa (tỉnh Gia Lai) là ngôi làng của đồng bào dân tộc Ba Na duy nhất ở Tây Nguyên có đến 9 già làng. Ở ngôi làng này không chỉ có các đôi lứa yêu nhau mà điều đặc biệt nhà rông cũng có đôi “nhà rông vợ, nhà rông chồng”.
Nhà rông cũng có đôi
Làng Đê Tul có khoảng 160 hộ, phần lớn là người dân tộc Ba Na. Trước đây, làng có tên là Tul Đoa về sau tách thành 2 làng là Đê Tul và Đê Đoa.
Clip: Khám phá nhà rông vợ, nhà rông chồng ở Làng Đê Tul, xã Đắk Sơ Mei, huyện Đắk Đoa (tỉnh Gia Lai). Đây là ngôi làng của dân tộc Ba Na duy nhất có tới 9 già làng và có tới 2 nhà rông gồm nhà rông vợ, nhà rông chồng ở tỉnh Gia Lai.
Lý giải về nhà rông vợ và nhà rông chồng ở Đê Tul, ông Đinh Nhớp -già làng Đê Tul cho hay: "Ngày trước, người làng luôn có quan niệm "trọng nam, khinh nữ", cũng vì thế người phụ nữ không được bước phép bước lên nhà rông. 
Tuy nhiên, theo già làng Đinh Nhớp, khi cuộc sống phát triển, hiện đại hơn, họ nhận thấy đó là quan niệm lạc hậu, cổ hủ. Để người phụ nữ thấy được sự công bằng, các già làng cùng người dân đã thống nhất xây dựng thêm 1 nhà rông khác mang tên nhà rông vợ. 
"Cũng từ đó, già làng xóa bỏ quy tắc cấm người phụ nữ bước lên nhà rông. Tất cả mọi người phụ nữ hay đàn ông đều được bước lên 2 ngôi nhà", già làng Đinh Nhớp chia sẻ.
Nhà rông chồng được dựng từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước. Đây là nhà rông được làm bằng trụ gỗ và mái tranh, là nhà rông lớn và đẹp nhất xã Đak Sơ Mei. 
Thế nhưng, sau một lần nô đùa của những đứa trẻ ở làng đã làm nhà rông bốc cháy ngùn ngụt. Hiện nhà rông "chồng" đã được làm lại bằng trụ gỗ, mái lợp tôn.

Trước đây nhà rông chồng cũng được lợp bằng mái tranh truyền thống nhưng sau khi bị cháy nhà rông chồng được thay bằng mái tôn
Trước đây nhà rông chồng cũng được lợp bằng mái tranh truyền thống nhưng sau khi bị cháy nhà rông chồng được thay bằng mái tôn
Hai nhà rông vợ và chồng nằm cách nhau tầm 500m. Nhà rông vợ, được dựng từ năm 2005. Hiện tại nhà rông vợ nằm sát quốc lộ 19D, vẫn còn giữ nguyên vẹn của một nhà rông truyền thống với mái tranh, tường bằng phên tre nứa và cột gỗ, xà gỗ. 
Tất cả các kết cấu đều được đục đẽo, cưa cắt thủ công bởi những kiến trúc sư không biết chữ. Theo các vị già làng và người dân nơi đây, từ khi nhà rông chồng bị cháy, nhà rông vợ trở thành nhà rông truyền thống đẹp nhất vùng Đắk Sơ Mei.

Nhà rông vợ được biết đến là nhà rông truyền thống đẹp nhất vùng Đắk Sơ Mei, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, ngôi nhà rông đang dần bị xuống cấp
Nhà rông vợ được biết đến là nhà rông truyền thống đẹp nhất vùng Đắk Sơ Mei, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, ngôi nhà rông đang dần bị xuống cấp
Nhà rông vợ cao tầm 12 m với mái được lợp hoàn toàn bằng tranh. Bốn bên xung quanh ngôi nhà được dựng chắc chắn bằng tre, nứa. 
Quan sát từ bên ngoài, đặc biệt là phần mái che có đôi phần đã xuống cấp, nhưng bên trong các cột gỗ và xà gỗ vẫn rất chắc chắn và sạch đẹp. 
Ngay sau nhà rông vợ là ngôi nhà của một người con của Anh hùng Wừu -  người Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, người dân tộc thiểu số Tây Nguyên kiên cường, bất khuất trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Nỗ lực gìn giữ nhà rông vợ, nhà rông chồng
Theo già làng Đinh Nhớp, vai trò của nhà rông vợ và nhà rông chồng rất rõ ràng. Nhà rông chồng là nơi tổ chức các cuộc hội họp, hòa giải, xử phạt dành cho những người đàn ông trong làng. Ngược lại, nhà rông vợ là nơi hội họp của nữ giới.
"Người làng Đê Tul quan niệm, vạn vật cũng giống như con người, cũng phải có đôi thì mới hòa hợp, cân bằng. Nhà rông của làng cũng vậy cần phải có nhà rông vợ và nhà rông chồng. Ở làng Đê Tul, thanh niên chưa vợ mà lỡ làm con gái có bầu trước khi cưới sẽ bị đưa lên nhà rông chồng để già làng bàn cách xử phạt. Tương tự, phụ nữ bị đưa qua nhà rông vợ để hội đồng làng luận tội" già làng Đinh Nhớp lý giải thêm.

Hiện nay tại làng Đê Tul đã xóa bỏ tập tục không cho phụ nữ lên nhà rông chồng, quan niệm trọng nam khinh nữ đã không còn...
Hiện nay tại làng Đê Tul đã xóa bỏ tập tục không cho phụ nữ lên nhà rông chồng, quan niệm trọng nam khinh nữ đã không còn...
Hiện, tại làng Đê Tul mới được dựng thêm 1 nhà rông thanh niên. Nhà rông này gần giống với nhà rông chồng hiện tại, cũng lớp bằng mái tôn và dựng bằng các trụ gỗ. 
"Do cũng xây dựng từ khá lâu, cộng thêm sự bào mòn của thời gian, hiện nhả ông vợ – nhà rông truyền thống mái tranh đã có dấu hiệu xuống cấp. Nhưng dân làng chúng tôi luôn theo dõi để gia cố, tu sửa những điểm hư hỏng…", ông Nhớp cho hay.
Hầu hết các ngôi làng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đều có nhà rông. Nhiều ngôi làng sở hữu từ 2 - 3 nhà rông. Tuy nhiên, làng Đê Tul khá đặc biệt khi dân làng còn phân vai cho nhà rông thành nhà rông vợ, nhà rông chồng. Hơn thế, ngôi làng Ba Na này còn có đến 9 già làng.

Nhằm gìn giữ những giá trị truyền thống, người dân làng Đê Tul đang lên kế hoạch sửa sang lại những điểm hư hỏng tại nhà rông vợ
Nhằm gìn giữ những giá trị truyền thống, người dân làng Đê Tul đang lên kế hoạch sửa sang lại những điểm hư hỏng tại nhà rông vợ
Trao đổi với PV, ông Dơm - Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Sơ Mei, huyện Đắk Đoa (tỉnh Gia Lai) cho biết, phần lớn các nhà rông trong làng trước đây đều được dựng nên hoàn toàn từ trí tưởng tượng, kinh nghiệm và năng khiếu của người dân làng. Có thể nói họ là những kiến trúc sư không biết chữ. Vì thế khó để tìm kiếm bản vẽ hoàn chỉnh của nhà rông để lưu giữ.
"Lo sợ những ngôi nhà rông truyền thống sẽ bị hư hỏng do sự bào mòn của mưa, nắng. Chúng tôi đã khích lệ bà con tích cực sửa chữa, duy tu, bảo tồn nhà rông truyền thống, cố gắng gìn giữ kiến trúc độc đáo này. Bên cạnh đó, UBND xã Đắk Sơ Mei, huyện Đắk Đoa (tỉnh Gia Lai) luôn khuyến khích, vận động bà con duy trì tổ chức các lễ hội (khi không có dịch bệnh xảy ra) ở nhà rông của làng nhằm bảo tồn và để con cháu thấy được tầm quan trọng của nhà rông", ông Dơm nhấn mạnh.
Theo Trần Hiền (Dân Việt)

https://danviet.vn/ngoi-lang-duy-nhat-o-tinh-gia-lai-co-toi-9-gia-lang-co-2-nha-rong-1-nha-rong-vo-1-nha-rong-chong-20210911153030655.htm

Có thể bạn quan tâm