"Loạn" mua bán hạt giống sâm Ngọc Linh trên mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sâm Ngọc Linh bắt đầu vào mùa thu hoạch quả và hạt, chuẩn bị cho vụ trồng mới. Và đây cũng là lúc tình trạng mua bán hạt giống sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng trở nên khó kiểm soát.
Trong lần trò chuyện gần đây, một chủ doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh có tiếng của tỉnh phàn nàn rằng “bây giờ mua giống sâm Ngọc Linh dễ lắm, giá lại rẻ, không hạn chế số lượng. Cứ lên mạng tìm là có”.
Không đến mức như thế chứ? Tôi ngạc nhiên hỏi. Bởi, theo những gì tôi biết, việc tìm mua hạt giống sâm Ngọc Linh hiện nay là không dễ.
Ngay như chủ doanh nghiệp nói trên, có vườn sâm quý, được trồng từ mấy chục năm qua trên đỉnh Ngọc Linh, lại là một trong hai doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền của tỉnh cấp phép sản xuất giống sâm Ngọc Linh cũng không bán hạt giống. Phần vì chưa đáp ứng nhu cầu phát triển diện tích của mình, phần vì muốn giữ nguồn gen gốc quý hiếm, không lai tạp.
Vậy thì lấy đâu ra hạt giống để bán ngoài thị trường?
Không làm theo thì thôi, làm rồi mới thấy giật mình. Tôi gõ cụm từ “mua hạt giống sâm Ngọc Linh ở đâu” trên internet, có hơn 380 nghìn kết quả quảng cáo bán hạt giống loại dược liệu quý hiếm này. Trong đó có không ít trang web hay mạng giao dịch điện tử rao bán với giá rẻ, càng mua nhiều càng được hưởng giá ưu đãi.
Ví dụ như Sendo- mạng mua sắm online lớn trong “làng” giao dịch, buôn bán sản phẩm online tại Việt Nam, chào bán từ hạt giống đến cây giống sâm Ngọc Linh. Hay trên Muabannhanh, hạt giống sâm Ngọc Linh được rao bán số lượng lớn, với giá bán lẻ là 20.000 - 30.000đ/hạt.
Ngoài ra còn hàng loạt địa chỉ bán hạt giống, cây giống sâm Ngọc Linh trực tuyến khác như sanphamgiatruyen.com, thaomocsaigon.com, chocaygiong.com, nhansamtuoi.net…
Rất dễ tìm mua hạt giống được giới thiệu là sâm Ngọc Linh trên mạng xã hội. Ảnh: H.L
Rất dễ tìm mua hạt giống được giới thiệu là sâm Ngọc Linh trên mạng xã hội. Ảnh: H.L
Trên facebook thì càng “loạn” hơn. Tôi chỉ mới nhấp vào một địa chỉ giới thiệu bán hạt giống sâm Ngọc Linh thì ngay sau đó, trên trang cá nhân của tôi “ngập tràn” các trang quảng cáo của các nhà vườn bán giống sâm Ngọc Linh. Điều đáng nói là, hầu hết các nhà vườn này không đề địa chỉ, hoặc có thì ở những địa phương không liên quan gì đến… sâm Ngọc Linh cả, như Hà Nội, Yên Bái…
Tôi để một chấm (.) vào phần bình luận của trang có tên Hạt giống sâm Ngọc Linh. Trên trang này có nhiều hình ảnh bắt mắt về hạt giống, cây giống, củ sâm Ngọc Linh; có cả hình ảnh anh công nhân người DTTS mặc áo xanh đang cầm trên tay củ sâm. Rất nhanh sau đó, “bên kia” đã liên lạc lại, cam kết cung cấp hạt giống chuẩn, “gieo là nảy mầm”, với tỷ lệ 90-100%. Ngoài ra, còn bán với giá ưu đãi, miễn phí giao hàng, tặng kèm phân bón và hướng dẫn gieo trồng.
Khi tôi ngỏ ý muốn mua một ít hạt để trồng thử, thì được báo giá “1 túi 20 hạt bán với giá 200 ngàn đồng”, nếu mua 2 túi sẽ còn 350 ngàn đồng (tặng kèm phân bón). Như vậy là 10 ngàn đồng/hạt, trong khi giá bán hạt sâm giống thực tế tại huyện Tu Mơ Rông thấp nhất cũng là 100 ngàn đồng/hạt.
Tìm hiểu kỹ hơn thì biết nhà vườn có địa chỉ tận… tỉnh Yên Bái. Còn anh công nhân cầm củ sâm trên tay lại là người của doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh ở tỉnh Kon Tum (hẳn là được  lấy trên mạng).
Thấy tôi không trả lời, nhà vườn quyết định “hạ giá sản phẩm” xuống còn 150 ngàn đồng/túi, tức chỉ còn 7.500 đồng/hạt.
Hiện nay, khoảng 90% hạt giống, cây giống và củ sâm được giới thiệu là sâm Ngọc Linh bán ngoài thị trường không phải là sâm Ngọc Linh- lãnh đạo một doanh nghiệp có diện tích sâm Ngọc Linh không nhỏ tại huyện Tu Mơ Rông khẳng định.
Cũng theo vị lãnh đạo doanh nghiệp này, hạt giống sâm Ngọc Linh được chọn lọc kỹ càng từ cây mẹ khoẻ mạnh, từ 4 năm tuổi trở lên, đảm bảo đủ điều kiện sinh trưởng và phát triển, đạt độ chín nhất định. Quá trình thu hái và xử lý hạt giống cũng được thực hiện rất tỉ mỉ, cẩn thận, nhằm bảo vệ nguồn gen và thương hiệu.
Vì vậy, dù không phải là dân trồng sâm, hay nhà nghiên cứu, tôi cũng hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
Một khi nguồn cung giống không được kiểm soát, giống lạ được mua bán dễ dàng thì chắc chắn rằng hệ lụy sẽ rất lớn. Không chỉ thương hiệu sâm Ngọc Linh- Quốc bảo của đất nước- sẽ bị ảnh hưởng xấu, mà đặc biệt, những hạt giống giả sâm Ngọc Linh được trồng ngay trong “thủ phủ” sâm Ngọc Linh sẽ gây hại đến nguồn gen quý.
Tháng 7/2021, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Đây là cơ sở để chúng ta hoạch định các bước đi cụ thể để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh, trong đó, cần chú trọng ngay từ đảm bảo nguồn giống có xuất xứ rõ ràng, có chất lượng, đúng nguồn gen.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường bảo vệ thương hiệu, quản lý chất lượng Sâm Ngọc Linh Kon Tum (tại văn bản số 3025/UBND-KTTH ngày 25/8), các ngành Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Y tế; Ban chỉ đạo 389 tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh đang đẩy mạnh quản lý nguồn giống, chất lượng, bảo vệ thương hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của chính quyền và các cơ quan chức năng, người dân có nhu cầu trồng sâm Ngọc Linh, nhất là người dân các xã vùng núi Ngọc Linh, cần tỉnh táo khi tìm mua hạt giống, không vì nhu cầu hay giá rẻ mà mua giống trôi nổi, dẫn đến “thiệt mình” và gây hại đến thương hiệu, nguồn gen loài dược liệu quý mà thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta.     
Hồng Lam (baokontum.com.vn)

http://baokontum.com.vn/kinh-te/loan-mua-ban-hat-giong-sam-ngoc-linh-tren-mang-20496.html

Có thể bạn quan tâm