Kon Plông: Nhiều diện tích đất sản xuất bị bồi lấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên Quốc lộ 24 (đoạn qua tỉnh Kon Tum) có tổng chiều dài khoảng 31,3km được Bộ GTVT giao Sở GTVT làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện từ năm 2019-2021. Dự án chia làm 3 gói thầu, trong đó, đoạn qua xã Hiếu (huyện Kon Plông) dài hơn 10km. Con đường hoàn thành sẽ rất thuận tiện cho việc đi lại của người dân.

Những ngày này, trên công trường Quốc lộ 24, đơn vị thi công đang tập trung máy móc, nhân lực đẩy nhanh tiến độ thi công, nhưng đây là thời điểm cao điểm của mùa mưa nên quá trình thi công gặp nhiều khó khăn. Cũng do mưa nhiều nên lượng đất đá đang đào đắp nền đường đã bị nước cuốn trôi, vùi lấp diện tích đất sản xuất trồng lúa, ao hồ của người dân ở xã Hiếu. Qua thống kê, đo đạc, hiện tại có gần 8,2ha của 97 hộ dân thuộc các thôn Đăk Lom, Vi Glơng và thôn Kon Plông ở xã Hiếu bị đất đá vùi lấp, không thể canh tác.

Là một trong những hộ bị ảnh hưởng, chị Y Diếc - thôn Đăk Lom (xã Hiếu) cho biết: Từ tháng 5 đến nay, trên địa bàn mưa khá nhiều nên đất từ trên đường trôi xuống ao cá của gia đình bị bồi lấp. Lượng đất trôi xuống ao khá nhiều làm đáy ao đầy nên không thể nuôi cá được. Chúng tôi đề nghị phải hỗ trợ và bồi thường thiệt hại để gia đình tôi nạo vét ao lại, tiếp tục nuôi cá phục vụ cuộc sống.


 

Diện tích lúa ruộng ở xã Hiếu bị đất đá từ việc thi công QL24 vùi lấp. Ảnh: V.P
Diện tích lúa ruộng ở xã Hiếu bị đất đá từ việc thi công QL24 vùi lấp. Ảnh: V.P


Anh A Hiệp - Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Đăk Lom (xã Hiếu) cho biết: Trong thi công xây dựng Quốc lộ 24, tình trạng đất đá trôi xuống tràn lên diện tích đất sản xuất trồng lúa của người dân bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng 4, đầu tháng 5. Bởi đây cũng là thời điểm của mùa mưa nên trên địa bàn xuất hiện mưa nhiều, vì vậy, mỗi ngày một ít, diện tích đất sản xuất của bà con bị vùi lấp ngày càng nhiều. Bà con đã phản ánh và đề nghị phải hỗ trợ, đền bù thiệt hại cho người dân.

A Hiệp nêu kiến nghị: Nhiều diện tích ruộng, lớp đất đá phủ dày mặt ruộng đến 20 phân không thể sản xuất; việc cải tạo phục vụ sản xuất cũng rất khó khăn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, vì thế, đề nghị đơn vị chức năng sớm có giải pháp khắc phục và hỗ trợ, không để bà con phải thiệt thòi.

Về vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, ông Phan Thế Vinh - Chủ tịch UBND xã Hiếu cho biết: Đúng là thực tế trong quá trình thi công Quốc lộ 24 qua địa bàn, do thời tiết liên tục mưa nên đất đá từ trên đường đang thi công đã bị nước cuốn chảy xuống làm vùi lấp diện tích đất sản xuất trồng lúa của người dân. Sau khi có phản ánh của người dân, chúng tôi đã mời các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, đo đạc diện tích bị thiệt hại, đồng thời đã tổng hợp gửi UBND huyện có ý kiến với đơn vị chủ đầu tư và đơn vị thi công có phương án hỗ trợ kịp thời cho nhân dân.

 

Nhiều diện tích ruộng, lớp đất đá phủ dày mặt ruộng đến 20 phân. Ảnh: PN
Nhiều diện tích ruộng, lớp đất đá phủ dày mặt ruộng đến 20 phân. Ảnh: PN


“Để hạn chế ảnh hưởng hoa màu và việc đi lại, thời gian tới chúng tôi đề nghị đơn vị thi công vừa làm tốt công tác phân luồng giao thông, vừa có biện pháp, giải pháp đảm bảo quy trình thi công, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến sản xuất của người dân” - ông Vinh kiến nghị.

Ông Trương Văn Minh - Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng huyện Kon Plông cho biết: Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 24 đi qua địa bàn huyện Kon Plông có chiều dài khoảng 24km đang triển khai thi công. Tuy nhiên, trong quá trình thi công do những cơn mưa đã khiến đất trôi chảy, ảnh hưởng trực tiếp đến diện tích đất sản xuất lúa của các hộ dân. Qua kiểm tra, đo đạc có hơn 8ha đất trồng lúa của 97 hộ dân ở xã Hiếu bị ảnh hưởng; diện tích và mức độ ảnh hưởng cũng khác nhau, bị bồi lấp từ 20%-70%. “Hiện nay, Ban quản lý dự án đã phối hợp với chính quyền xã Hiếu và Sở GTVT, đơn vị thi công đã đi tiến hành thống kê toàn bộ diện tích bị ảnh hưởng. Hiện, UBND huyện đang tổng hợp kiến nghị chủ đầu tư là Sở GTVT để có phương án hỗ trợ cho người dân kịp thời trong thời gian sớm nhất”- ông Minh thông tin.

Cũng theo ông Minh, hiện nay, quá trình đào đất trên tuyến đường cơ bản xong, vì vậy để không bị ảnh hưởng đến diện tích lúa của người dân trong thời gian tới đề nghị đơn vị thi công thực hiện việc đổ thải đúng quy định. Đồng thời, đơn vị thi công tiến hành áp mái kịp thời để hạn chế tình trạng mưa trôi đất đá đổ xuống diện tích đất sản xuất của các hộ dân.       

http://baokontum.com.vn/xa-hoi/kon-plong-nhieu-dien-tich-dat-san-xuat-bi-boi-lap-20416.html

Theo VĂN PHƯƠNG (baokontum)

Có thể bạn quan tâm

Nghề rèn của người Mạ

Nghề rèn của người Mạ

Đời sống của người Mạ luôn gắn với núi rừng, nương rẫy. Để đáp ứng nhu cầu đời sống, sản xuất, các nghề thủ công truyền thống ra đời, trong đó có nghề rèn.