Dân tộc M'Nông ở Tây Nguyên: Con voi mới là đầu cơ nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo thông lệ, hàng năm người M'Nông ở tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung sẽ tổ chức cúng sức khỏe cho voi. Bởi với họ, con voi là thành viên trong gia đình, voi có linh hồn và có thần bản mệnh. Khác với người Kinh, dân tộc M'Nông coi con voi mới là đầu cơ nghiệp.
Từ bao đời nay, người M'Nông ở Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) nói riêng và Tây Nguyên nói chung đã xem voi là một tài sản quý. Voi là biểu tượng sức mạnh, sự giàu có và tinh thần thượng võ của gia đình, buôn làng.
 
Đã từ lâu voi trở thành con vật thân thiết với đồng bào M'Nông (trong ảnh: Một cậu bé người M'Nông đưa voi đi tắm suối). Ảnh Duy Hậu.
Đã từ lâu voi trở thành con vật thân thiết với đồng bào M'Nông (trong ảnh: Một cậu bé người M'Nông đưa voi đi tắm suối). Ảnh Duy Hậu.
Từ xa xưa, người M'Nông đã biết thuần dưỡng voi rừng. Theo thống kê, những năm đầu thế kỷ 20, mỗi năm có khoảng 30 con voi rừng được săn bắt và thuần dưỡng bởi đồng bào dân tộc M'Nông ở Đắk Lắk, trong đó nhiều nhất là ở Buôn Đôn.
 
Thầy cúng Y'Plơi Ê Ban chuẩn bị đồ lễ để cúng sức khỏe cho voi. Ảnh: Duy Hậu.
Thầy cúng Y'Plơi Ê Ban chuẩn bị đồ lễ để cúng sức khỏe cho voi. Ảnh: Duy Hậu.
Nếu người dưới xuôi xem con trâu là đầu cơ nghiệp thì với người M'Nông, con voi mới là "đầu cơ nghiệp". 
Khi săn bắt về, thuần dưỡng xong, voi được đặt tên và cho nhập gia. Kể từ đó, con vật này chính thức trở thành thành viên của gia đình, buôn làng.
 
Thầy cúng hướng dẫn đàn voi xếp hàng để chuẩn bị cho buổi lễ cúng sức khỏe cho voi. Ảnh: Duy Hậu.
Thầy cúng hướng dẫn đàn voi xếp hàng để chuẩn bị cho buổi lễ cúng sức khỏe cho voi. Ảnh: Duy Hậu.
Do có cuộc sống hòa mình cùng thiên nhiên, nên hơn ai hết người M'Nông hiểu rõ tập tính của voi. Do đó, việc thuần dưỡng loài vật khổng lồ này đối với họ không phải là việc quá khó khăn. 
Voi rừng thuần dưỡng, nhập buôn xong sẽ giúp con người gánh vác những công việc nặng nhọc.
 
Thầy cúng bôi tiết lợn và đồ lễ lên đầu voi trong lễ cúng sức khỏe cho voi. Ảnh: Duy Hậu.
Thầy cúng bôi tiết lợn và đồ lễ lên đầu voi trong lễ cúng sức khỏe cho voi. Ảnh: Duy Hậu.
Cũng như nhiều dân tộc khác, người M'Nông có tín ngưỡng vạn vật hữu linh. Họ cho rằng, voi cũng có linh hồn, có thần bản mệnh. 
Vì thế hàng năm, người M'Nông đều tổ chức cúng thần bản mệnh của voi. Đây là một việc làm được người M'Nông rất xem trọng. Việc này nhằm cầu mong thần bản mệnh ban cho voi sức khỏe.
Hàng năm, người dân thường tổ chức lễ cúng này hai lần. Thời gian cúng không cố định mà phụ thuộc vào công việc, sức khỏe của voi và chủ voi. 
Tuy nhiên, thông thường, thời gian cúng sức khỏe cho voi được tổ chức vào đầu năm và cuối năm khi mùa vụ đã xong xuôi.
 
Voi tham gia chạy đua trong một lễ hội truyền thống ở Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Duy Hậu.
Voi tham gia chạy đua trong một lễ hội truyền thống ở Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Duy Hậu.
Ông Y'Plơi Ê Ban (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), là người chuyên đứng ra điều hành các buổi lễ cúng sức khỏe cho voi. 
Ông cho biết: "Theo truyền thống của người M'Nông, khi từ hoang dã về với buôn làng, voi được con người cho nhập làng, đặt tên. Để tri ân loài voi, người M'Nông thường tổ chức lễ cúng sức khỏe cho voi để mong thần voi đem lại may mắn ấm no cho cả đàn voi nhà cũng như cho cản buôn làng, dòng họ".
Clip: Lễ cúng sức khỏe voi của đồng bào M'Nông ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk).
Người đứng ra thực hiện nghi lễ cúng sức khỏe cho voi phải là một thầy cúng giỏi, có uy tín, am hiểu tập tục của buôn làng. Vì như thế, buổi lễ mới được diễn ra đúng với tập quán của người M'Nông nhất.
Tùy thuộc vào từng nhóm người M'Nông mà lễ vật cúng sức khỏe cho voi có khác nhau. Song trong mâm lễ nhất thiết phải có rượu cần, một chén gạo, một cây nến làm bằng sáp ong, một bầu nước, một bát tiết lợn và những thức ăn cho voi.
Trong lễ cúng, voi được xếp thành hàng từ già đến trẻ, từ trái sang phải. 
Thầy cúng bắt đầu buổi lễ bằng việc mời Yàng, thần núi, thần sông về chứng kiến. Sau đó, thầy cúng cầu khấn xin các thần giúp đỡ cho buôn làng. 
Cầu cho nhà ai cũng nhiều lúa, nhà ai cũng có trâu bò, có nhiều chiêng ché. Voi nhà ai cũng được khỏe mạnh.
Thầy cúng cũng sẽ cầu sức khỏe cho chủ nhà, sức khỏe cho voi và các nài voi. 
Trong lúc khấn cầu, thầy cúng dùng các vật tế và tiết lợn bôi lên đầu từng con voi, lần lượt từ con lớn tuổi nhất. Việc này nhằm để thần linh chứng kiến. Đồng thời, thần linh sẽ theo dõi chỉ bảo, ngăn cản đàn voi không phá hoại hoa màu, của cải của con người làm ra.
Sau buổi lễ, thầy cúng sẽ bóc lưỡi gà ra xem. Nếu hai chiếc xương của lưỡi gà uốn cong được thì cũng có nghĩa là buổi lễ đã được thần linh chứng giám. Các lời khẩn cầu của thầy cúng đã được thần linh chấp thuận.
Sau khi hoàn tất các nghi lễ, voi sẽ được ăn các thức ăn đã chuẩn bị trong buổi lễ. Chủ voi và các nài voi cũng cùng nhau thưởng thức rượu cần, cầu chúc sức khỏe cho gia chủ, cho voi và cho những người tham gia buổi lễ.

Trải qua năm tháng, đàn voi nhà Đắk Lắk giảm đi rất đáng kể. So với cách đây 40 năm, đàn voi nhà của tỉnh Đắk Lắk giảm gần 10 lần xuống còn 37 con. Nghề thuần dưỡng voi rừng từ lâu cũng không còn nữa. Hiện người M'Nông chỉ còn tổ chức lễ cúng sức khỏe cho voi vào dịp đầu mùa Xuân hoặc tái hiện trong các lễ hội voi.

Theo Duy Hậu (Dân Việt)

https://danviet.vn/dan-toc-mnong-o-tay-nguyen-con-voi-moi-la-dau-co-nghiep-20210630090951255.htm

Có thể bạn quan tâm