Đắk Lắk: Chung tay tiêu thụ nông sản cho nông dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Suốt thời điểm dịch COVID-19 bùng phát hồi đầu năm 2020 đến nay, giá hàng loạt mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Đắk Lắk - thủ phủ vùng Tây Nguyên đã lao dốc thảm hại. Thực trạng này khiến nông dân ở điêu đứng, có người tán gia bại sản vì đã vay mượn, mất thời gian chăm bón nhưng không thu hồi được... Hiện, tình hình dịch bệnh dần ổn định, các biện pháp giãn cách được nới rộng, cả chính quyền lẫn các doanh nghiệp khẩn trương tìm giải pháp tiêu thụ nông sản cho người dân.

Cảnh người dân thu hoạch bí đỏ ở huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: B.T
Cảnh người dân thu hoạch bí đỏ ở huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: B.T


Tiếp tục "điệp khúc" giải cứu

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, bí đỏ đến mùa thu hoạch của người nông dân các huyện Ea Kar, Cư M'Gar (tỉnh Đắk Lắk) ùn ứ, chẳng mấy thương lái đến thu mua dẫn đến giá thành lao dốc chưa từng thấy. Có thời điểm, giá bí đỏ nằm ở ngưỡng dưới 1.000 đồng/kg trong khi mức từ 5.000 đến 6.000 đồng bà con nông dân mới hồi vốn và thu lãi.

Chính quyền các địa phương ở tỉnh Đắk Lắk đã chủ động mở các "chiến dịch" giải cứu như vận động cán bộ, công nhân viên chức hay các nhà hảo tâm, doanh nghiệp thu mua với mức chấp nhận được, đủ cho bà con có lãi hay mở các điểm bán nông sản lưu động để hỗ trợ tiêu thụ...

Thậm chí, chính quyền các cấp huyện Ea H'Leo (Đắk Lắk) hưởng ứng lời kêu gọi tiêu thụ sản phẩm hành tím và bí đỏ do Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk và Hội Nông dân huyện phát động bằng cách cập nhật thông tin lên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo tuyên truyền, vận động, kết nối giải cứu nông sản cho bà con nông dân ở huyện Ea Kar. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nông sản được chuyển đến tận nhà người có nhu cầu với mức khoảng 5.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Lương (huyện Krông Pắk) tâm sự: Việc hỗ trợ giải cứu nông sản của chính quyền rất ý nghĩa với bà con trong bối cảnh dịch bệnh. Tuy nhiên, với những người đã đầu tư một nguồn vốn lớn để gieo trồng thì cần có thị trường ổn định để tiêu thụ, chẳng ai mong phải cứ mãi "ngồi trên đống lửa" lo ngại giá thành biến động. Năm nay bơ mất mùa, gia đình tôi phải cưa sạch để chuyển đổi cây trồng khác, mất hết vốn liếng.

Ông Phạm Quang Mười - Trưởng phòng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn (NNPTNT) huyện Cư M'Gar (tỉnh Đắk Lắk) nói: "Mới đây, người nông dân huyện vừa mới được giải cứu một diện tích lớn bí đỏ vì ùn ứ, không có đầu ra, giá thành sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, đợt giải cứu bí đỏ vừa mới chấm dứt thì chúng tôi lại phải tiếp tục tính toán phương án, báo cáo Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn vấn đề cây bơ sắp đến mùa thu hoạch trái nhưng giá thành thu mua quá thấp chỉ ở mức 5.000 đến 6.000 đồng/kg, người dân hầu như chẳng có lãi".

Hồi năm 2020, một đợt "giải cứu" dưa hấu với quy mô lớn cho người nông dân ở huyện Krông Ana cũng đã diễn ra. Chỉ trong một thời gian ngắn, được sự giúp đỡ của các doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể ở địa phương hàng ngàn tấn dưa ùn ứ ở địa phương này đã được giải quyết kịp thời, nỗi âu lo của bà con cũng tạm vơi đi phần nào.

Phải linh hoạt, chủ động ứng phó

Đến thời điểm hiện tại, trước tác động quá lớn của dịch COVID-19, không chỉ ở Đắk Lắk ngành nông nghiệp các tỉnh thành khu vực Tây Nguyên đã chủ động tháo gỡ những khó khăn trước mắt cho cho bà con. Tuy nhiên, tựu trung lại những giải pháp (dù đã rất nỗ lực - PV) của chính quyền các địa phương vẫn mang tính tình thế, mới chỉ giải quyết phần ngọn chứ chưa xử lý gốc rễ vấn đề. Vì vậy, các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng như cà phê, hồ tiêu, bơ... vẫn gặp khó khăn đầu ra. Người nông dân "một nắng hai sương" trên nương rẫy vẫn thấp thỏm âu lo với giá cả trồi trụt và việc o ép giá của các thương lái...

Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Hoài Dương - Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk - cho rằng: Mỗi khi có vấn đề liên quan đến tiêu thụ nông sản thì lại rộ lên câu chuyện "giải cứu". Thời gian qua, chính quyền các địa phương, những tổ chức đoàn thể... trong tỉnh đã làm rất tốt vấn đề này để tháo gỡ khó khăn cho người dân. Tuy nhiên, giải pháp căng cơ nhất là phải kết nối từ khâu sản xuất đến tiêu thụ và xây dựng được chuỗi giá trị nông sản. Đây là vấn đề trọng tâm của việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang được Bộ NNPTNT quan tâm.

Riêng UBND tỉnh và đơn vị đã có nhiều chương trình xoay quanh việc xây dựng chuỗi giá trị nông sản. Theo đó, người nông dân sản xuất ra sản phẩm phải xác định được thị trường và hiệu quả tiêu thụ. Muốn làm được điều đó thì nông dân phải tham gia gắn kết vào các tổ chức để kết nối ngay từ đầu như cây giống, quy trình sản xuất ra sao, chứng nhận truy xuất nguồn gốc, định giá sản phẩm như thế nào... và đây là vấn đề lâu dài, phải kiên trì thực hiện.

"Chúng tôi đã kiến nghị với Bộ trưởng Bộ NNPTNT và đã được Bộ trưởng nhất trí cao việc xây dựng kho dữ liệu về thông tin mùa vụ, sản phẩm và thông tin thị trường để kết nối đưa lên sàn thương mại điện tử; kết nối giữa địa phương với trung ương để giới thiệu với thị trường trong nước biết đến tỉnh, thành nào đang có sản phẩm gì, số lượng bao nhiêu, chất lượng ra sao. Ở chiều ngược lại, trung ương cũng sẽ thông tin lại cho địa phương biết nơi tiêu thụ, tiềm năng tiêu thụ để các bên gặp nhau kết nối. Đây là cách làm cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên, trong tương lai, việc xây dựng hợp tác xã tại các vùng, gắn kết nông dân tạo ra nơi sản xuất tập trung, đồng nhất về chất lượng, sản lượng đủ lớn, truy xuất nguồn gốc... là cơ sở để kết nối thị trường hình thành nơi tiêu thụ nông sản bền vững nhất ", ông Dương nhấn mạnh.

https://laodong.vn/kinh-te/dak-lak-chung-tay-tieu-thu-nong-san-cho-nong-dan-920847.ldo

Theo BẢO TRUNG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm