Tây Nguyên "khoá chặt" đường biên giới trước diễn biến mới của dịch COVID-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, rất nhiều đối tượng ở Tây Nguyên vẫn cố tình vượt biên trái phép, gây ra nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng. Bộ đội Biên phòng các tỉnh trong vùng Tây Nguyên đã bố trí thêm lực lượng, chia quân số tuần tra, canh gác khắp các “đường mòn lối mở”, tránh gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh...

Nhóm đối tượng vận chuyển lâm sản trái phép từ Campuchia (giáp tỉnh Đắk Lắk) về Việt Nam tiêu thụ. Ảnh: T.X
Nhóm đối tượng vận chuyển lâm sản trái phép từ Campuchia (giáp tỉnh Đắk Lắk) về Việt Nam tiêu thụ. Ảnh: T.X
Vẫn còn tình trạng vượt biên trái phép
Ngay trước dịp nghỉ lễ 30.4-1.5, trong thời điểm dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, đồn Biên phòng Ia Rvê (Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk) đã phát hiện và xử lý 13 đối tượng có hành vi vận chuyển lâm sản trái phép từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ.
Dọc tuyến biên giới giữa vùng Tây Nguyên với các tỉnh giáp ranh của nước bạn Lào, Campuchia có hàng trăm đường mòn lối mở. Rất nhiều đối tượng đã tận dụng các tuyến đường trên để vượt biên trái phép về nước với nhiều lý do khác nhau như trốn dịch bệnh, buôn lậu ma tuý, thuốc lá hay vận chuyển lâm sản trái phép như trên... Thời gian qua, lực lượng chức năng các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk đã nỗ lực cắt cử lực lượng dày đặc canh gác vùng biên giới, ngăn không bỏ lọt tội phạm.
Từ tháng 3.2020 đến nay, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã xử lý 64 vụ, 159 đối tượng vi phạm xuất, nhập cảnh trái phép. Hiện tại, đơn vị này đang duy trì 24 tổ với hàng trăm người làm nhiệm vụ chốt chặn cố định, gồm lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an, dân quân và cán bộ y tế tại khu vực biên giới.
Còn tại Đắk Lắk, tất cả trường hợp vượt biên trái phép từ đầu năm đến nay đều được lực lượng y tế, quân đội thu gom đi cách ly theo quy định. Tiếp đó, cơ quan Công an sẽ củng cố hồ sơ, xét hành vi vi phạm để có hình thức xử lý răn đe phù hợp.
“Khoá chặt” vùng biên
Trước tình hình trên, Sở Y tế Đắk Lắk đề nghị UBND tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát biên giới, cách ly các trường hợp nhập cảnh trái phép; đồng thời, kích hoạt trở lại hệ thống cách ly trên địa bàn các huyện biên giới Ea Súp và Buôn Đôn.
Ông Trịnh Quang Trí - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đắk Lắk - bày tỏ, lực lượng y tế các địa phương ở tỉnh đang cố gắng tuyên truyền vận động bà con dân tộc thiểu số hiểu rõ nguy hiểm của dịch COVID-19 và khuyên nhủ họ không nên vượt biên trái phép qua nước bạn để tránh lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, các đơn vị y tế tuyến xã, huyện phối hợp chặt chẽ với bộ đội biên phòng cách ly, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.
Bà H’ Yim Kđoh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk - nhấn mạnh, ngành y tế địa phương không được phép, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch; tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, sẵn sàng kịch bản ứng phó trong tất cả tình huống dịch bệnh. Các địa phương phải đặc biệt tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sắp tới. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tất cả người dân hưởng ứng, tự giác thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế; kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành các quy định phòng, chống dịch.
Với hơn 90 đường biên giới giáp với tỉnh Ratanakiri (Campuchia), Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai ngoài tăng cường chốt chặn, kiểm soát còn hỗ trợ nhu yếu phẩm, vật tư, thiết bị y tế cho tỉnh bạn, nhằm ngăn chặn dịch bệnh có hiệu quả. Những ngày qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai phối hợp với UBND các xã, huyện biên giới nắm tình hình, đời sống, tâm tư nguyện vọng của Việt kiều, lao động người Việt Nam tại Campuchia, nhất là địa bàn 3 tỉnh Đông Bắc của Campuchia.
Ngành Y tế Gia Lai nhận định, khi xảy ra dịch, không có việc làm, chỗ ở, chi phí bắt buộc cách ly cao dẫn đến khả năng số người Việt Nam nhập cảnh về nước với số lượng lớn để tránh dịch sẽ tăng đột biến, nhất là những người không có giấy tờ hợp pháp, lao động tự do. Do vậy, Bộ đội Biên phòng tăng cường lực lượng lên khu vực biên giới, tổ chức tuần tra, truy quét, kiểm soát khắp mọi ngả đường, các lối mở dẫn vào nội địa.
Tỉnh Gia Lai cũng sớm triển khai thực hiện kế hoạch tiếp nhận kiều bào, tăng cường cơ sở vật chất y tế của các điểm cách ly tập trung ở khu vực biên giới. Cơ quan chức năng được yêu cầu nắm chắc tình hình và đề nghị các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp của Việt Nam đang kinh doanh, sản xuất ở 3 tỉnh Đông Bắc Campuchia khẩn cấp hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, thiết bị y tế, khẩu trang, nước sát khuẩn... để phòng dịch cho lao động là người Việt Nam. Đồng thời, tỉnh thực hiện hỗ trợ nhu yếu phẩm, thiết bị y tế, khẩu trang, nước sát khuẩn... cho kiều bào thông qua Hội Việt kiều của 2 tỉnh Ratanakiri và Stung Treng.
Đại tá Trần Tiến Hải - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai - cho hay: “Lực lượng quân đội ngăn chặn triệt để xuất nhập cảnh trái phép, đặc biệt là ở các tuyến đường mòn, lối tắt. Hiện đơn vị đang duy trì 24 tổ làm nhiệm vụ chốt chặn. Bộ đội luân phiên thay đổi quân số trên các điểm chốt chặn để bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ”.
THANH TUẤN - BẢO TRUNG (LĐO)

https://laodong.vn/xa-hoi/tay-nguyen-khoa-chat-duong-bien-gioi-truoc-dien-bien-moi-cua-dich-covid-19-905021.ldo

Có thể bạn quan tâm