Đắk Lắk: Ưu tiên vốn đầu tư, hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong giai đoạn 5 năm tới, toàn hệ thống chính trị tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu đưa nền kinh tế địa phương phát triển bền vững, tiếp tục giữ vững sự ổn định chính trị, chủ quyền biên giới, đặc biệt là tập trung các nguồn lực để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cải thiện hơn nữa đời sống của bà con ở các khu vực vùng sâu, vùng xa...
 
Đoàn công tác Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk do Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường làm Trưởng đoàn làm lễ khởi công, xây tặng nhà đại đoàn kết cho hộ gia đình nghèo đồng bào dân tộc thiểu số có công với cách mạng ở địa bàn huyện Lắk. Ảnh: Bảo Trung
Đoàn công tác Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk do Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường làm Trưởng đoàn làm lễ khởi công, xây tặng nhà đại đoàn kết cho hộ gia đình nghèo đồng bào dân tộc thiểu số có công với cách mạng ở địa bàn huyện Lắk. Ảnh: Bảo Trung
Giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế
Với những kết quả khả quan đạt được giai đoạn 2015-2020, trên cơ sở cân đối nguồn lực và dự báo tình hình trong thời gian tới, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII (2020-2025) xác định mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh giai đoạn tới đạt trên 7%/năm. Trong đó, nông, lâm, thủy sản tăng 4,33%/năm; công nghiệp - xây dựng tăng 11,65%/năm; dịch vụ tăng 7,16%/năm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 9,45%/năm. Về cơ cấu kinh tế, đến năm 2025, nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 28,28%; công nghiệp - xây dựng chiếm 23,82%; dịch vụ chiếm 42,95% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,95%.
Ông Phạm Ngọc Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk - nhấn mạnh: “Để đạt được mục tiêu nói trên, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có nhiều diễn biến khó lường, tỉnh xác định sẽ tập trung triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp về “Chương trình hành động 5 năm 2020-2025” mà Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã đề ra.
Theo đó, Đắk Lắk sẽ phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới; ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ kết hợp với du lịch, theo chuỗi giá trị, kết nối với công nghiệp chế biến và thị trường.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị các sở, ban ngành liên quan tập trung nguồn lực, ưu tiên đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư phát triển đô thị...
Địa phương cũng đang hướng đến việc phát triển du lịch theo hướng khai thác các giá trị văn hóa, sinh thái, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng làm tăng thế mạnh cạnh tranh của tỉnh trên thị trường nhằm đưa du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế quan trọng và là một trong những động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh.
Quan tâm phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Đắk Lắk là tỉnh có diện tích lớn thứ 4 cả nước và 48 anh em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đang sinh sống. Những năm qua các chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào DTTS của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhất là trong lĩnh vực giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới nhờ đó đời sống của đồng bào các DTTS đã được nâng lên đáng kể.
Mới đây, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đắk Lắk, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã đề nghị Đắk Lắk trong thời gian tới quan tâm, tập trung phát triển hơn nữa vùng dân tộc thiểu số; thực hiện chính sách dân tộc, giảm nghèo bền vững. Tỉnh Đắk Lắk cần trở thành tỉnh đi đầu trong thực hiện Nghị quyết số 88 của Quốc hội về phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”; hoàn thành tốt công tác quy hoạch địa phương gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa Tây Nguyên.
Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk Bùi Văn Cường nhấn mạnh: “Năm 2019, Quốc hội đã phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” và đây là một dấu mốc lịch sử trong công tác dân tộc, là sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân DTTS và miền núi.
Thời gian tới, tỉnh sẽ đề ra giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS; thực hiện tốt các chính sách dân tộc và triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; ưu tiên các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS, nhất là vùng đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, tập trung đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, ưu tiên nguồn lực để giảm nghèo vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn và phải tiếp tục giữ vững sự ổn định chính trị, chủ quyền biên giới”.
“Địa phương cũng đặt mục tiêu vào năm 2025, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đạt mức trung bình của cả nước; năm 2030 sẽ xây dựng tỉnh Đắk Lắk cơ bản trở thành trung tâm vùng, là tỉnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của khu vực Tây Nguyên và đời sống vật chất, văn hóa lẫn tinh thần của Nhân dân, đạt mức trung bình khá của cả nước; định hướng đến năm 2045 đưa tỉnh Đắk Lắk thực sự là trung tâm của vùng Tây Nguyên trên tất cả các lĩnh vực và đời sống vật chất, văn hóa lẫn tinh thần của nhân dân đạt mức khá của cả nước” - Bí thư Đắk Lắk Bùi Văn Cường bày tỏ.
BẢO TRUNG (LĐO)

https://laodong.vn/thoi-su/dak-lak-uu-tien-von-dau-tu-ho-tro-cho-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-872015.ldo

Có thể bạn quan tâm