Tây Nguyên qua di sản ảnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tây Nguyên là vùng đất hấp dẫn dành cho những người thám hiểm, khám phá về thiên nhiên, văn hóa tộc người, lịch sử và cũng là nơi sinh cơ lập nghiệp của lớp cư dân mới đến làm ăn và cùng hòa nhập, chung sống với cư dân bản địa. Theo thời gian, những sự đổi thay như di dân, các loại cây trồng, sự kiện văn hóa, công trình xây dựng, trường học, đường sá, nhà thờ, chùa chiền... đã được ghi lại “dấu mốc đầu tiên” qua các bức ảnh tư liệu sống động, làm giàu có thêm kho tàng di sản ảnh.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, người Kinh đầu tiên đến lập làng ở Tây Nguyên là ông Phan Hộ, người làng Đại Cát (xã Ninh Phụng, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa). Trong những năm 1928-1930, người Pháp tìm mọi cách ngăn cấm người Kinh lên Tây Nguyên nhưng ông và một số thương nhân vẫn tìm cách đi lại buôn bán, trao đổi hàng hóa với người Ê Đê.
Qua gặp gỡ giao lưu với các già làng Ê Đê và được sự giúp đỡ của vị tù trưởng nổi tiếng Ama Thuột (sau này được đặt tên cho TP. Buôn Ma Thuột), ông Phan Hộ đã làm quen với nhiều người và gây được những thiện cảm tốt. Năm 1928, ông quay về Khánh Hòa đưa anh em, họ hàng, con cháu đến Buôn Ma Thuột thành lập làng, xây dựng mái đình lấy tên là Lạc Giao. Trong ảnh tư liệu của người Pháp có ghi lại hình ảnh ông Phan Hộ cùng các nhân sĩ người Ê Đê và các công chức người Pháp chụp hình lưu niệm nhân chuyến thăm của cựu hoàng Bảo Đại tại Buôn Ma Thuột vào năm 1933.
Ảnh tư liệu về vùng đất Tây Nguyên rất phong phú, đa dạng. Hầu hết nhà thờ Thiên chúa giáo, chùa, trường học Rahde-Pháp, cầu, trạm hỏa xa... lần đầu tiên xuất hiện, hình thành ở Tây Nguyên đều được các nhà nhiếp ảnh người Pháp ghi lại khá đầy đủ.
Nhiều bức ảnh tư liệu quý giá như các kỹ sư người Pháp lên vùng Nam Tây Nguyên khảo sát tuyến xe lửa từ Phan Rang lên Đà Lạt, các bức ảnh chụp công nhân làm đường xe lửa, trạm xe lửa Đà Lạt, các đầu tàu xe lửa cổ xưa nhập từ Thụy Sĩ. Trong những công trình tôn giáo đầu tiên ở tỉnh Tây Nguyên, đáng chú ý là các bức ảnh chụp nhà thờ Thiên chúa giáo ở Giáo phận Kon Tum, những ngôi nhà rông cổ xưa cũng được sử dụng làm “nhà nguyện”, tụ họp giáo dân khi chưa kịp xây cất, hình thành các giáo đường bề thế. 
Cuộc thi sắc đẹp đầu tiên dành cho dân tộc thiểu số ở Đà Lạt vào năm 1933. Ảnh: Internet
Cuộc thi sắc đẹp đầu tiên dành cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở Đà Lạt vào năm 1933. Ảnh: Internet
Bên cạnh đó, cuộc thi người đẹp các dân tộc thiểu số đầu tiên ở Tây Nguyên cũng được ghi nhận qua bức bưu ảnh (post card), dán con tem “Postes Indochine”, đóng dấu bưu điện Đà Lạt từ năm 1935. Đây là bức ảnh ghi lại một cuộc thi sắc đẹp đầu tiên dành cho “những bông hoa rừng núi” diễn ra tại Đà Lạt đầu thập niên 30 của thế kỷ trước. Có khoảng 20 thiếu nữ tham dự cuộc thi đứng trên dãy ghế cao, mắt họ cùng nhìn về một hướng; xung quanh có khá đông khán giả chăm chú theo dõi.
Nhìn tấm bưu thiếp thấy đầu tóc các thiếu nữ được bới gọn cùng một kiểu dáng, trên cổ đeo nhiều dây trang sức bằng hạt cườm, hai bên cổ tay đeo nhiều vòng trang sức. Đặc biệt, các sơn nữ dự thi để ngực trần, bên dưới quấn xà rông bằng loại vải thổ cẩm mà họ tự dệt.
Trên thực tế, Tây Nguyên là xứ sở của những loài cây công nghiệp như: cà phê, cao su, ca cao... Đặc biệt, cà phê là cây kinh tế mũi nhọn của vùng đất đỏ bazan, là nông sản mang lại nguồn lợi to lớn cho người trồng và ngành nghề kinh doanh, dịch vụ liên quan như chế biến, xuất khẩu... Ngọn nguồn xuất xứ của cây cà phê là do người Pháp đưa từ bên ngoài.
Nếu các nhà tư bản Pháp có công trồng và hình thành các đồn điền cà phê của Bắc Kỳ thì bác sĩ danh tiếng Alexandre Yersin là người có công đưa cây trồng nổi tiếng này vào vùng Tây Nguyên. Ông là người mang sang cho chúng ta bao nhiêu giống cây trồng mới lạ như: cao su, ca cao, cà rốt, súp lơ... Đặc biệt, cây cà phê được ông quan tâm, ưu ái nhất, cho trồng thử nghiệm, sau đó trồng quy mô lớn ở Lâm Đồng, Đak Lak và Gia Lai.
Trong kho tàng di sản ảnh, có những bức ảnh tư liệu thật sinh động, ghi lại một cách chân thực những người dân tại chỗ đóng khố, gương mặt tươi vui, tay cầm xà gạt dọn cây, nhổ cỏ chăm sóc vườn cà phê. Đó là những cây cà phê đang vươn lên trên vùng đất mới, hứa hẹn mùa bội thu.
Xem những bức ảnh tư liệu xưa về cây cà phê ta có cảm nhận thú vị: Trong khi những người Thượng mặc khố, cầm xà gạt, đầu trần chân đất làm rẫy cà phê ở vùng đất đỏ bazan thì những người nông dân ngoài Bắc mặc áo nâu, đội nón rộng vành, chít khăn mỏ quạ, cầm cuốc chăm sóc và ươm giống cây cà phê ở chân núi Ba Vì-xứ sở ban đầu của cây cà phê trước khi hình thành những đồn điền rộng lớn của người Pháp ở vùng Tây Nguyên. Trong tư liệu có một số bức ảnh ghi lại cảnh làm đất, chăm sóc cây cao su, trong đó đáng chú ý là bức ảnh chụp khá rõ nét 1 lô cao su đã được 5 tuổi, vào khoảng năm 1904.
Có thể thấy, nhờ những bức ảnh tư liệu mà ta vẫn có thể tìm lại cái đã lùi vào dĩ vãng. Những bức ảnh ghi dấu mốc đầu tiên là những viên ngọc quý giá trong kho tàng di sản tư liệu nói chung, di sản ảnh vùng Tây Nguyên nói riêng. Một số hình ảnh đã được trưng bày ở bảo tàng các tỉnh: Gia Lai, Đak Lak, Lâm Đồng hoặc in ấn trong các công trình biên khảo, địa chí, tái hiện bức tranh chân thực quá trình hình thành, phát triển của vùng Tây Nguyên.
TẤN VỊNH

Có thể bạn quan tâm