Đồng bào ở Lâm Đồng thoát nghèo nhờ hướng đầu tư đúng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ nguồn lực đầu tư cùng quyết tâm tự lực vươn lên, tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh Lâm Đồng đã giảm nhanh hiện chỉ còn 1,3%.
Những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã không ngừng quan tâm đầu tư, hỗ trợ và tạo điều kiện về mọi mặt cho các vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số phát triển. Cùng với đó, chính sự chuyển biến mạnh mẽ trong cách nghĩ cách làm của người dân, quyết tâm tự lực vươn lên, đời sống kinh tế của tỉnh đã đổi thay tích cực, tỷ lệ hộ nghèo trong trong tỉnh giảm nhanh hiện chỉ còn 1,3%.
Trước đây, mặc dù có đất, có vườn như bao gia đình ở xã Đạ M’Rông, huyện Đam Rông, nhưng vì canh tác theo kiểu cũ năng suất thấp, cộng với tư tưởng trông chờ ỷ lại sự đãi ngộ của Nhà nước, nên cuộc sống gia đình ông Đa Cát Ha Dương vẫn thiếu đói quanh năm.
 
Diện mạo mới của trung tâm huyện Đam Rông (Lâm Đồng) – một trong 64 huyện nghèo cả nước.
Diện mạo mới của trung tâm huyện Đam Rông (Lâm Đồng) – một trong 64 huyện nghèo cả nước.
Từ năm 2016, với sự hướng dẫn tận tình của cán bộ khuyến nông, ông Dương đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác. Cùng với việc vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách để phát triển kinh tế, gia đình ông Đa Cát Ha Dương đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ấm no.  
“Gia đình tôi trồng lúa, bắp, cà phê từ nhiều năm trước nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Từ ngày được Trung tâm Nông nghiệp huyện chuyển giao kỹ thuật canh tác, vận động trồng dâu nuôi tằm, nhà nước hỗ trợ vốn… gia đình đã mạnh dạn đầu tư sản xuất. Từ việc nuôi tằm nay gia đình đã có thu nhập hàng tháng, bình quân mỗi lứa kiếm thêm thu nhập từ 3 – 3,5 triệu đồng. Cùng với thu nhập từ các loại cây trồng khác, hiện cuộc sống kinh tế của gia đình đã ổn định hơn, con cái đều được gia đình cho ăn học đàng hoàng”, ông Đa Cát Ha Dương vui vẻ cho biết.
Không chỉ riêng Đam Rông - một trong 64 huyện nghèo của cả nước được quan tâm đầu tư và hỗ trợ về mọi mặt, mà tất cả các xã, thôn, buôn và các khu vực khó khăn khác cũng được tỉnh Lâm Đồng tập trung triển khai nhiều chương trình, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Theo như chia sẻ của ông Trần Văn Đông, Bí thư Đảng ủy xã Đoàn Kết, huyện Đạ Huoai, nhờ các chính sách, chương trình đầu tư kịp thời của Đảng, Nhà nước, đời sống của người dân đã được cải thiện nhanh chóng. Xã Đoàn Kết đã sớm thoát ra khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn trước 2 năm so với kế hoạch.   
“Đảng và Nhà nước những năm qua đã hết sức quan tâm, đầu tư từ cây trồng, vật nuôi cho đến nhà ở, tạo công ăn việc làm cho những gia đình nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn tăng thêm thu nhập và có cuộc sống ổn định hơn. Nếu năm 2016 xã Đoàn Kết còn là một trong những xã nghèo của huyện Đạ Huoai, sang năm 2017 xã đã không còn là xã nghèo nữa”, ông Đông cho hay.
Từ năm 2016 đến nay, tổng các nguồn vốn đầu tư vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Lâm Đồng là 3.700 tỷ đồng, thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, các mô hình kinh tế mới… Trong đó vốn ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp là 1.900 tỷ, còn lại là vốn huy động các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư.
Cùng với đó, Lâm Đồng cũng đã thu hút 115 dự án đầu tư vào các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với tổng vốn đăng ký lên đến 5.800 tỷ đồng.
Từ nguồn lực này, kinh tế-xã hội của các khu vực đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng đã có nhiều đổi thay rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Hiện tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm chỉ còn 1,3%, trong đó hộ nghèo trong vùng dân tộc thiểu số giảm nhanh từ 19% xuống còn 4,8%.
Ông Đinh Đức Chí, Phó chủ tịch UBND huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) cho rằng, có được kết quả này là nhờ triển khai đồng bộ các chính sách một cách thiết thực, kịp thời, và nhất là sự chuyển biến tích cực trong cách nghĩ, cách làm và tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của chính người dân.
“Huyện đã tập trung tuyên truyền, thay đổi cách nghĩ cách làm, xây dựng các mô hình để chuyển giao khoa học kỹ thuật, các mô hình hỗ trợ phát triển như mô hình giúp đồng bào dân tộc trồng dâu nuôi tằm. Đặc biệt, huyện triển khai có hiệu quả các dự án vào trong vùng đồng bào dân tộc, những dự án này phải được khảo sát kỹ đúng nhu cầu thực tế của người dân như cây, con giống hay khoa học kỹ thuật, cần máy móc... để có sự đầu tư đúng hướng. Nhờ những thay đổi này, các dự án đến nay đều phát huy được hiệu quả đầu tư”, ông Chí khẳng định.
Tỉnh Lâm Đồng phấn đấu trong các năm tới, bình quân mỗi năm sẽ đưa tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm ít nhất từ 1% - 1,5%, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 2% - 3%. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, cùng với những chính sách triển khai đồng bộ sát thực, sự thay đổi tư duy trong canh tác, tinh thần vươn lên của người dân, tin tưởng rằng Lâm Đồng sẽ đạt được mục tiêu là tỉnh nông thôn mới như Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh vừa đề ra.
Theo Quang Sáng/VOV-Tây Nguyên

Có thể bạn quan tâm