Lâm Đồng: 13 trẻ mầm non mắc bệnh tay chân miệng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Cát Tiên (Lâm Đồng), tính đến sáng 15.9, đơn vị đã ghi nhận 13 trường hợp trẻ em mầm non bị các triệu chứng của bệnh tay chân miệng.

Ngành Y tế Cát Tiên phun xịt khử khuẩn tại các gia đình có trẻ bị tay chân miệng
Ngành Y tế Cát Tiên phun xịt khử khuẩn tại các gia đình có trẻ bị tay chân miệng
Tất cả các trường hợp này đều là trẻ mầm non đang học tại lớp Họa Mi (18 - 24 tháng tuổi) thuộc Trường Mầm non Phù Mỹ (thị trấn Cát Tiên, huyện Cát Tiên).
Bác sĩ Trần Dương Ngọc, Giám đốc TTYT huyện Cát Tiên, cho biết: Sau khi tiếp nhận thông tin từ Trường Mầm non Phù Mỹ, TTYT huyện đã chỉ đạo y, bác sĩ tiến hành khám sàng lọc và lấy mẫu gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng tiến hành xét nghiệm để xác định các trường hợp lây nhiễm bệnh tay chân miệng.
13 trường hợp trẻ Trường Mầm non Phù Mỹ bị tay chân miệng, với các triệu chứng như sốt cao, đau họng, biếng ăn và xuất hiện nhiều mụn nhọt loét đỏ ở miệng và tay chân, hiện đã được cách ly điều trị tại nhà.
Ngoài ra, tại Trường Mầm non Phù Mỹ còn có 12 trẻ mầm non đang được phụ huynh cho nghỉ học cũng được TTYT huyện tiến hành thăm khám nhưng không phát hiện các triệu chứng của bệnh tay chân miệng.
“Hiện tại, bệnh tay chân miêng đang diễn biến phức tạp, nên người dân cần chủ động nắm bắt tình hình sức khỏe của con em mình. Khi có các triệu chứng nghi ngờ phải nhanh chóng thông báo tới cơ sở y tế gần nhất để kịp thời thăm khám, điều trị”, bác sĩ Ngọc khuyến cáo.
Hiện Trường Mầm non Phù Mỹ có 275 trẻ mầm non theo học từ lớp mầm đến lớp lá 5 tuổi. Ngoài 25 trẻ (13 trẻ bị tay chân miệng và 12 trẻ đang được phụ huynh cho nghỉ học), tất cả các trẻ còn lại tại trường vẫn đi học bình thường.
Để đảm bảo công tác phòng chống bệnh tay chân miệng, TTYT huyện Cát Tiên và Trạm Y tế thị trấn Cát Tiên đã phối hợp cùng Trường Mầm non Phù Mỹ tiến hành phun xịt khử khuẩn, vệ sinh trường, lớp và các dụng cụ học tập, vui chơi; đồng thời, phun xịt khử khuẩn tại nhà các gia đình có trẻ bị tay chân miệng. Cùng với đó, TTYT huyện Cát Tiên đã chỉ đạo Đội Y tế Dự phòng phối hợp cùng các trạm y tế trên địa bàn tăng cường công tác theo dõi để kịp thời phát hiện và điều trị cho các trường hợp có biểu hiện của bệnh tay chân miệng.

Toàn bộ đồ dùng học tập, vui chơi của trẻ tại Trường Mầm non Phù Mỹ đều đã được sát khuẩn vệ sinh
Toàn bộ đồ dùng học tập, vui chơi của trẻ tại Trường Mầm non Phù Mỹ đều đã được sát khuẩn vệ sinh
Tại huyện Bảo Lâm, từ đầu năm đến nay, toàn huyện xuất hiện 19 trường hợp bị tay chân miệng. Riêng từ ngày 10.9 đến nay, trên địa bàn huyện Bảo Lâm xuất hiện 2 trường hợp trẻ mầm non có các biểu hiện của bệnh tay chân miệng đang được cách ly theo dõi điều trị tại nhà. Hiện TTYT huyện Bảo Lâm đang triển khai các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng đến các cơ sở y tế trên địa bàn.
Trong khi đó, tại các huyện Đạ Tẻh, Đạ Huoai và TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng) tuy chưa ghi nhận trường hợp nào có biểu hiện nghi ngờ của bệnh tay chân miệng, nhưng ngành y tế các địa phương đang chủ động triển khai các biện pháp để kịp thời phát hiện và phòng chống bệnh có hiệu quả.
Theo Trùng Dương (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Nghề rèn của người Mạ

Nghề rèn của người Mạ

Đời sống của người Mạ luôn gắn với núi rừng, nương rẫy. Để đáp ứng nhu cầu đời sống, sản xuất, các nghề thủ công truyền thống ra đời, trong đó có nghề rèn.