Đà Lạt, một lịch sử hoài niệm: Ngôi làng dưới đáy hồ hay mộng phù vân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đà Lạt đi vào các tác phẩm hư cấu của những nhà văn thời Đông Dương và hiện đại với vẻ kín đáo, ưu sầu và đầy hoài niệm. Mà không chỉ có vậy, hậu duệ của những cư dân bản địa cũng đang trình bày nỗi hoài niệm ấy theo từng bước chân trở về trung tâm thành phố, nơi từng là làng bon cũ.
 
Những đứa trẻ dân tộc ít người ở Lang Bian tại chợ Hòa Bình năm 1956 ẢNH: GABRIELLE MARTEL
Những đứa trẻ dân tộc ít người ở Lang Bian tại chợ Hòa Bình năm 1956 ẢNH: GABRIELLE MARTEL

Hoài niệm dẫn dắt trên từng trang tiểu thuyết và hoài niệm níu kéo từng bước chân sơn cước...

Hoài niệm đi vào tiểu thuyết
Hoài niệm cũng chính là nét quan trọng của tâm hồn Pháp - lớp hậu sinh của Marcel Proust (tác giả của Đi tìm thời gian đã mất) từng đến hay ngay cả nghĩ về Đà Lạt, gắn bó với Đà Lạt gián tiếp. Có thể gặp điều này trong văn chương Marguerite Duras trong bộ ba tiểu thuyết về Đông Dương (Rào chắn Thái Bình Dương, Người tình, Người tình Hoa Bắc). Dù Duras không sống ở thành phố này, nhưng trong Người tình Hoa Bắc, bà đã kịp để cho nhân vật Hélène Lagonelle, cô gái từng sống ở Đà Lạt di cư về Sài Gòn mang theo nỗi nhớ day dứt về một thành phố yên bình thanh lịch kiểu Pháp. Không chỉ hoài nhớ, Hélène Lagonelle - người bạn thân thiết của nhân vật “tôi” - đã dị ứng với cả khí hậu nóng nực và sự huyên náo của đô thị nhiệt đới miền Nam.
Một trường hợp khác, là Linda Lê, nhà văn đương đại người Pháp mang hai dòng máu (mẹ Pháp, cha Việt), từng có những năm đầu đời khá êm đềm ở Đà Lạt; được gửi vào nhà trẻ Couvent des Oiseaux. Trong các tiểu thuyết, truyện ngắn: Thư chết, Vu khống, Lại chơi với lửa..., tác giả đã nhiều lần day dứt nhớ vùng đất “ưu sầu” Đà Lạt cùng người cha bị bỏ lại Việt Nam sau khi người mẹ Pháp đem những đứa con lai hồi hương. Trong tập truyện Lại chơi với lửa, Linda Lê có đoạn viết về Đà Lạt: “Khi đến Đà Lạt chẳng hạn, một cảm thức ưu sầu len vào tâm tư ta. Trời lạnh, mưa rả rích. Nhưng các nàng thiếu nữ ăn mặc kín mít, thật khác các cô quần áo cũn cỡn ở Sài Gòn, cho ta cảm giác huyền bí và nhớ nhung. Ta muốn ở lại đấy, như một bóng ma trong sương mù, và rình chờ đàn én từ ngôi trường cổ kính Convent des Oiseaux bay ra”.
Trong danh sách những tiểu thuyết đượm màu hoài niệm về Đà Lạt, còn phải kể đến cuốn Ukigumo (Phù vân) của nhà văn Nhật Bản Hayashi Fumiko. Cuốn tiểu thuyết này nói về mối tình của đôi bạn trẻ Nhật Bản bị đưa đẩy đến Đà Lạt trong thời Nhật chiếm đóng. Chàng kỹ sư lâm nghiệp Tomioka Kenichi đã lập gia đình nhưng gặp gỡ và yêu cô gái đồng nghiệp Koda Yukiko tại Đà Lạt - thành phố thơ mộng mà người Pháp vừa bỏ lại. Cuộc tình đẹp giữa họ chỉ như cái chớp mắt. Thế chiến thứ hai kết thúc, Nhật thua trận và rút khỏi Đông Dương, đôi tình nhân quay về nước Nhật và đối diện cảnh điêu tàn, sụp đổ khốn đốn trong đời sống lẫn tình cảm. Tomioka Kenichi tiếp tục theo đuổi, toan tính trong công việc và tình cảm, còn Koda Yukiko nhấn chìm mình trong hoài niệm về một thiên đường tình yêu chóng vánh đã mất. Cho đến lúc lìa đời, tiếng rừng thông reo Đà Lạt vẫn hoài vọng trong lòng cô.
Đất bon xưa sâu dưới đáy hồ
Trước hết, phải nói đến những cư dân bản địa. Lịch sử tiền đô thị Đà Lạt là một khoảng sâu hun hút mà chúng ta không có nhiều sử liệu để đề cập, cho đến khi người Pháp có những ghi chép đầu tiên. Từ các mảnh tài liệu đó, có thể xác định rằng, ở vùng trũng hồ Lớn (Grand Lac, nay là hồ Xuân Hương) có một bon (làng) của người Lạch. Con suối chảy qua đó là sợi chỉ kết nối các cộng đồng sơn cước của vùng đất này, nối những làng nhỏ: Yộ, Klir Towach, Yagut, Mang Lin và xa hơn, kéo ngược lên phía thượng nguồn Ankroet.
Đô thị được xây dựng, những bon này được “vén” về phía núi. Núi Lang Bian như đôi bầu sữa thiên nhiên che chở những đứa con của núi rừng. Tuy sống trong không gian hoang vu, với văn minh thảo mộc, thì những cư dân bản địa vẫn hướng tâm về làng bon cũ, dù cho cảnh sắc đã đổi thay, mảnh đất vùi nhau chôn rốn nay đã chìm dưới mặt hồ xanh thẳm.
Hoài niệm nơi chốn ngụ cư. Và sâu xa là hoài niệm về gốc gác của chính những cộng đồng cư dân bản địa là một nguồn mạch lớn trong tinh thần Đà Lạt mà ta dễ vô tình bỏ qua. Có thể không được bộc bạch bằng câu từ hay các dạng thức nghệ thuật, nhưng là bằng chính bước chân và thói quen di chuyển của họ - những cư dân bản địa. Cho đến ngày nay, hành trình trở về trung tâm bằng những đôi chân trần vẫn được các thế hệ cư dân vùng Lang Bian tiếp tục. Trao đổi vật phẩm thiết yếu, giao lưu xã hội là một nhu cầu thấy được, nhưng sâu trong tâm khảm và thói quen cố cựu ấy, là những cuộc trở về, là dấu chỉ hoài niệm đã được mã hóa qua một thực hành di thê lặp đi lặp lại từ nhiều đời.
Theo Nguyễn Vĩnh Nguyên (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm