Có gì trong dự án chăn nuôi lợn cụ kỵ 1.500 tỉ đồng, lớn nhất Tây Nguyên sắp khởi công?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dự kiến cuối tháng 9/2020, Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn sẽ khởi công "Tổ hợp Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đăk Lăk", tại xã Ea M'Droh (huyện Cư M'Gar), với tổng diện tích gần 200ha, tổng vốn đầu tư khoảng 1.500 tỉ đồng. Đây cũng là dự án chăn nuôi lợn lớn nhất Tây Nguyên hiện nay.
Theo ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn, trang trại chăn nuôi lợn cụ kỵ, ông bà tại xã Ea Mdroh, huyện Cư M'Gar (tỉnh Đắk Lắk) nằm trong khuôn khổ dự án Tổ hợp Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk. Dự án này đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư và đang chuẩn bị khởi công vào cuối tháng 9 này. 
 
Các dự án chăn nuôi do Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn cùng góp vốn được cam kết ứng dựng công nghệ cao để đảm bảo chất lượng, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Các dự án chăn nuôi do Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn cùng góp vốn được cam kết ứng dựng công nghệ cao để đảm bảo chất lượng, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Đây là dự án có quy mô vốn đầu tư cả giai đoạn 2019-2025 khoảng 60 triệu USD, tương đương khoảng 1.500 tỉ đồng, do liên doanh giữa 2 Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn (TP.HCM) góp vốn đầu tư. 
Tổng diện tích dự án khoảng 200ha, xây dựng tại xã Ea Mdroh, trong đó bao gồm khu trang trại chăn nuôi lợn giống cụ kỵ, ông bà nhập khẩu từ Hà Lan khoảng 80ha; khu chăn nuôi gà giống khoảng 30ha; nhà máy giết mổ lợn thịt và nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ 15ha; khu điều hành và dịch vụ hỗ trợ khoảng 20ha; khu trồng trọt, đất cây xanh 30ha; đất giao thông và hạ tầng kĩ thuật khoảng 25ha…
Ông Vũ Mạnh Hùng cho biết, sau khi dự án đi vào hoạt động, mỗi năm sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 24.000 con lợn bố mẹ và lợn hậu bị chất lượng cao cho thị trường chăn nuôi Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung.
Theo đó, quy trình chăn nuôi tại trang trại sẽ áp dụng công nghệ 4.0, tự động hoá và áp dụng  theo 349 tiêu chuẩn của GlobalGAP. Các giống heo cụ kỵ (GGP) và ông bà (GP) được chọn lọc và nhập khẩu trực tiếp từ Hà Lan để tạo ra các giống heo ông bà (GP) và bố mẹ (PS) bảo đảm nguồn gen tốt, cho năng suất sinh sản cao.
"Dự kiến cuối năm 2021, tổ hợp chăn nuôi này sẽ chính thức cung cấp giống lợn sạch, chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế ra thị trường Việt Nam" - ông Hùng nói.

Có gì trong dự án chăn nuôi lợn cụ kỵ 1.500 tỉ đồng, lớn nhất Tây Nguyên sắp khởi công? ảnh 2

Tổ hợp Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk sau khi hoàn thành sẽ trở thành trung tâm ứng dụng công nghệ cao, sản xuất các sản phẩm theo chuỗi gồm thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ, thương mại sản phẩm chăn nuôi có chất lượng hàng đầu Việt Nam và định hướng xuất khẩu ra khu vực Đông Nam Á.
 
Mục tiêu của dự án này là đưa Đăk Lăk trở thành tỉnh phát triển về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cung cấp giống lợn và gà an toàn dịch bệnh cho các tỉnh Tây Nguyên, miền Nam và là vùng thí điểm an toàn dịch bệnh đầu tiên ở Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế.
Chia sẻ thêm về việc đầu tư 1.500 tỉ đồng vào dự án chăn nuôi tại Đắk Lắk, ông Hùng cho biết: "Nếu so với các vùng chăn nuôi lớn như Đồng Nai, Bình Dương thì khu vực Tây Nguyên, trong đó có Đăk Lăk gặp khó khăn hơn về đường giao thông, xa các thị trường tiêu thụ lớn, hệ thống dịch vụ logistics còn nhiều hạn chế... 
Sở dĩ chúng tôi vẫn chọn đầu tư ở Đăk Lăk, hay mới đây là dự án tại Gia Lai, bởi ở đây chúng tôi được chính quyền địa phương tạo điều kiện xây dựng dự án trên diện tích đất đai rộng lớn, xa khu dân cư, đảm bảo các điều kiện thuận lợi cho xây dựng khu chăn nuôi tập trung áp dụng công nghệ cao".
 
Dự án chăn nuôi lợn lớn nhất Tây Nguyên được triển khai xây dựng tại xã Ea MDroh, huyện Cư M'Gar, tỉnh Đắk Lắk. Hiện chủ đầu tư đã san lấp mặt bằng để chuẩn bị chính thức khởi công.
Dự án chăn nuôi lợn lớn nhất Tây Nguyên được triển khai xây dựng tại xã Ea MDroh, huyện Cư M'Gar, tỉnh Đắk Lắk. Hiện chủ đầu tư đã san lấp mặt bằng để chuẩn bị chính thức khởi công.
"Phía tỉnh Đắk Lắk đã và đang tạo điều kiện rất thuận lợi để Công ty CP đầu tư nông nghiệp công nghệ cao DHN Đắk Lắk (liên doanh Tập đoàn Hùng Nhơn - De Heus) xây dựng Đề án vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng và bệnh dịch tả trên lợn tại xã Ea M'droh, huyện Cư M'gar" - ông Hùng cho biết thêm.
Trước đó, tại lễ ký kết về hợp tác đầu tư Dự án "Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk", ông Phạm Ngọc Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết: Điểm mới trong dự án này là áp dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời nối lưới, sử dụng 30% điện sạch, giảm phát thải một lượng lớn CO2 so với sử dụng nguồn điện truyền thống. Điều này góp phần nâng cao giá trị môi trường của sản phẩm heo giống, đóng góp vào giá trị cuối cùng của sản phẩm thịt heo. 
Chủ đầu tư cũng cam kết sẽ tạo cơ hội việc làm cho 250 - 300 người dân tộc thiểu số tại tỉnh Đắk Lắk, đào tạo cho tỉnh nguồn nhân lực có chuyên môn về chăn nuôi theo công nghệ hiện đại. 
Theo ông Phạm Ngọc Nghị, Đắk Lắk có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là quỹ đất. Trước tình trạng ngành chăn nuôi của cả nước đang đối mặt với dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá heo hơi giảm, ngành chăn nuôi của tỉnh cũng bị ảnh hưởng và đang gặp khó khăn. Việc đầu tư dự án Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN tại Đắk Lắk phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh, góp phần đưa ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Hùng Nhơn Group và De Heus đầu tư tại Đắk Lắk; đồng thời, mong muốn các doanh nghiệp sớm triển khai, hoàn thành dự án theo đúng tiến độ các bên đề ra.

Trong định hướng 5-10 năm tới, Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn sẽ tiếp tục hợp tác để mở rộng và phát triển mạng lưới chuỗi các dự án chăn nuôi giống lợn cụ, kỵ quy mô lớn và vùng an toàn dịch bệnh tại khắp 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Sau khi hoàn thành dự án tại Đắk Lắk, Gia Lai, tiếp theo sẽ triển khai tại Đắk Nông, Kon Tum và Lâm Đồng, nâng tổng công suất chăn nuôi lợn lên 10.000 - 15.000 con lợn giống cụ kỵ, và từ 100.000 - 120.000 con lợn ông bà.

Chuỗi dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần định hình Tây Nguyên trở thành Trung tâm cung cấp lợn giống và phát triển các mô hình chăn nuôi công nghệ cao hàng đầu khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Theo Thiên Hương (Dân Việt)

https://danviet.vn/co-gi-trong-du-an-chan-nuoi-lon-cu-ky-1500-ti-dong-lon-nhat-tay-nguyen-sap-khoi-cong-20200925010710625.htm

Có thể bạn quan tâm