Vùng đất dân leo cây cao chót vót hái thứ quả quý hay bay, chưa ra khỏi rừng đã có người chờ mua

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Anh trai gọi điện hồ hởi hỏi “Trên đấy có ươi không? Ở nhà đến mùa ươi rồi đấy. Năm nay ươi nhiều, bọn thanh niên trong buôn mình rủ nhau “đi ươi” hết trơn rồi”, chỉ thế thôi mà tôi thao thức cả đêm.
Mùa hè, mùa nhặt... ươi bay
Đến mùa ươi bay, lũ thanh niên ở buôn Leck, huyện Eah’Leo, tỉnh Đắk Lắk vui như trảy hội. Từ tối hôm trước, bên can rượu cần, cả nhóm đã lên kế hoạch chi tiết, tỉ mỉ, cẩn thận cho chuyến đi ươi vào sáng sớm ngày mai.
5 giờ sáng, cả nhóm cơm đùm, cơm nắm để sẵn trong gùi cùng một chiếc bao tời, bầu nước, cuộn dây thừng. Mỗi người ai cũng cầm xà gạc hoặc dao, rựa sẵn sàng trên tay. Mắt trước, mắt sau ngó theo lưng trưởng nhóm mà tiến bước vào rừng, nơi có những cây ươi đã được tìm chọn từ khi chúng chưa kịp đơm bông, kết trái.

Những cây ươi cho quả có chiều cao từ 20 - 30 m.
Những cây ươi cho quả có chiều cao từ 20 - 30 m.
Chúng tôi đến nơi, đã thấy nhóm Y Hoách nhặt ươi bay ở ngay gần đấy, gần đầy chiếc rổ nhỏ. Ươi là một dạng cây to cổ thụ, có chiều cao trung bình từ 25 - 30 m, thân thẳng đuột, quả thường hay mọc ở đầu ngọn, đầu cành.
Rất ít người trèo được lên cây hái quả mà chỉ chờ chúng chín già và rồi bay xuống, theo gió đẩy đưa có thể bay xa ra khỏi gốc ươi bán kính từ vài ba mét đến vài chục mét, tùy theo tán rộng và chiều cao của cây. 

Quả ươi rụng xuống đất được gọi là “ươi bay”, xác định là loại ươi ngon nhất, chất lượng nhất so ươi rung cành rơi hay quả hái.

Chúng tôi tập trung đồ đạc của cả nhóm vào một nơi, cả những chiếc xe máy đã cũ mèm, chuyên dùng cho việc đi nương rẫy lên rừng. Những chiếc xe máy mà có vứt bất cứ nơi nào cũng không ai để mắt tới.

Rồi từ đây, chúng tôi mỗi người cầm một chiếc rổ nhỏ, chiếc bao tời, bắt đầu “ôm” một gốc ươi, nơi nào ít cây ươi thì mỗi người chia nhau một góc rồi bắt đầu “lết” từ xa đến gần. Ươi mọc ở đầu ngọn, đầu cành gió thổi không rụng ngay gốc mà “bay” rất xa.

Những quả ươi mầu cánh gián rụng xuống lẫn trong đám lá mục mà phải tinh mắt lắm mới có thể nhìn thấy. Đúng là “vạch lá tìm ươi”. Tiếng nói cười lan khắp cánh rừng. Ai cũng mừng khi ươi năm nay được mùa, nhiều trái, lại được giá. 
Chỉ mới nhặt hai gốc ươi mà người nào cũng được lưng lửng chiếc gùi nhỏ, khoảng 5 kg. Bỏ số ươi đã nhặt được vào gùi mang trên lưng, mọi người tiếp tục phát cây tìm đường đến những cây ươi đã được đánh dấu từ trước, giờ vẫn đứng sừng sững giữa trời xanh, hiên ngang thách thức đợi chờ.
Không giống như nhóm của tôi, chỉ nhặt những quả ươi đã được gió thổi bay xuống đất. Nhóm của Y Hoách sau khi nhặt hết những quả ươi rụng xuống đất, thấy còn quá ít, thì đi tìm nhặt lấy những thanh cây có sẵn ở chung quanh làm thành bậc thang để trèo lên cây, leo ra cành rung cho ươi tiếp tục rơi xuống. 
Những quả ươi còn tươi xanh vẫn nấn ná chưa chịu xa cành, người phía dưới đưa tiếp thêm lên một cây sào được làm bằng những loại cây rừng, tre có sẵn chung quanh. Thêm vài cú đập từ những cây sào, cây vợt hái quả thì dù có “rắn” đến mấy quả cũng lìa cành lộp độp rơi bạc gốc, đừng mong thoát khỏi đôi mắt của những kẻ đi săn tìm ươi.

Người phụ nữ đi nhặt ươi về bán.
Người phụ nữ đi nhặt ươi về bán.
3 giờ chiều, nhóm chúng tôi mỗi người cũng nhặt được một gùi đầy ươi. Chúng tôi cắt núi, băng rừng trở lại nơi tập kết, chất ươi lên xe trước khi trở về nhà. Chưa kịp tới nhà, mới vừa ra khỏi bìa rừng, đã có nhiều người buôn ươi đứng chờ đợi sẵn để mua. 
Phần nhiều mọi người có được quả nào là bán ngay tại chỗ. Người nhặt được ít, mang về để nhà dùng dần, còn thì chủ yếu mang về phơi khô thêm một hai con nắng rồi đóng thùng gửi đi cho khách đã đặt trước đó.
“Tùy cây cho quả ít nhiều, có ở tít trên cao sao mà mình thấy được. Đây là loại cây mọc dại của rừng, con người không được đụng vào đâu. Giàng cho bao nhiêu thì mình nhặt bấy nhiêu thôi. Cái hạt ươi già, nó lẫn vào lá, mắt mình già khó thấy, không như lũ thanh niên nhặt được nhiều. Sáng đến giờ già chỉ nhặt được chừng này thôi. Mang đi đổi cũng được nhiều tờ tiền” - già Ama Phui, người thôn Buôn Lee vừa đưa chiếc túi trong đó chứa khoảng 3 kg hạt ươi ra, hồ hởi khoe với tôi. 
Hạt ươi đẹp chắc từng hạt như của già Ama Phui bán có giá cao nhất là 250 nghìn đồng/kg.
Không may mắn như nhóm chúng tôi, nhóm Y Hoách dù dùng đến cả cách rung cành vẫn không có được nhiều ươi.
“Yến sào núi rừng”
Trước đây, chỉ người đồng bào ở Tây Nguyên quen nhặt hạt ươi bỏ trong quả bầu, chờ nở ra, tu ừng ực giải nhiệt những lần đi rẫy, đi rừng cháy da, khô cổ họng. Và họ cũng chỉ nhặt những hạt ươi bay, đó mới là thứ hạt đủ đầy dưỡng chất. 
Ngày nay, nhiều người tìm về những trái cây hoa quả thuộc về thiên nhiên, không chịu sự tác động của con người. Hạt ươi biến thành một thứ đặc sản cao cấp với cái tên mỹ miều “Yến sào của núi rừng Tây Nguyên”, với nhiều người tìm mua.

Diện tích rừng ngày càng thu hẹp, ươi lại bị khai thác theo kiểu tận thu, triệt tiêu, không chỉ nhặt hạt mà còn chặt cả cành, cưa cây, nên ươi ngày càng hiếm lại càng khó mua.

Cũng may ươi không chỉ có ở Tây Nguyên mà còn ở cả những cánh rừng Trường Sơn còn sót lại. Người đi rừng nhặt hạt ươi bán lại cho thương lái và tất cả đều biến thành hạt ươi Tây Nguyên.

Ươi bay có từ tháng 6 và kết thúc vào tháng 8, khi những cơn mưa ầm ào trút xuống thì hạt ươi biến hết thành “yến sào”, bung nở. Ngày gió nhiều, ươi bay rộ, dân buôn Leck như trảy hội. Nhà nhà, người người rủ nhau vào rừng, đi tìm những gốc ươi mà mình đã ngó nghiêng trước đó. 
Cả buôn đêm nào cũng bàn bạc, thắc thỏm dậy từ lúc chưa có ánh sáng mặt trời để chuẩn bị vào rừng. Người lớn nhặt ươi gốc xa, trẻ con nghỉ hè cũng theo anh, ông, bà nhặt những cây ươi nhỏ ở gần buôn làng góp vui.
Quả ươi hay còn gọi là quả đười ươi, thuộc dạng quả nang. Khi còn non, quả có vỏ ngoài mầu đỏ, mặt phía trong mầu bạc. Bên trong quả chứa hạt khô. Kích thước hạt tương đương đầu ngón tay của người lớn. Khi bay xuống đất, vỏ ngoài hạt mầu đen, hơi nhăn. Thông thường cứ sau mỗi chu kỳ bốn năm, cây mới cho quả một lần.
Người dân buôn Leck bảo năm nay ươi nhiều quả nên giá chỉ tầm 200 nghìn đồng/kg, chứ có năm hiếm, giá lên đến 500 nghìn đồng/kg. “Khi hạt ươi đắt, cây bị cưa, cành bị chặt nhiều hơn, rừng bị tàn phá nhiều hơn. Chỉ sợ thời gian không xa, hạt ươi cũng chỉ còn là hoài niệm trong ký ức mờ xa”, chị H’Mai, một người đi thu gom mua hạt ươi trong vùng, thở dài cho biết.
Những gì thuộc về thiên nhiên luôn đơn giản và bổ ích. Chỉ cần một chút nước sôi, bỏ vào trong ly từ 3 - 5 hạt ươi, thêm chút đường, chút đá bạn đã có một ly “Yến sào núi rừng” để làm dịu cơn mát ngày hè nắng gay, nắng gắt.
Nhưng với người buôn Leck, ly hạt ươi không cần cả đường lẫn đá. Những trái ươi bay được nhặt về, gắt hai đầu bỏ vào bầu nước, để thật lâu cho nở bung ra rồi uống cạn, đơn giản vậy thôi. Nhưng đến mùa ươi mà không được uống hạt ươi thì thấy thiếu phong vị quê hương. Nên dù đang ở nơi xa, những đứa con vẫn dặn dò lấy hạt ươi từ quê hương gửi mình.
Thủy Vũ (Báo Nhân dân)

Có thể bạn quan tâm