Đắk Lắk: Cả trăm hồ đập hư hỏng nhưng giải pháp xử lý chỉ chắp vá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đắk Lắk vẫn đang chờ Trung ương cấp kinh phí để sửa chữa lại 11 công trình thủy lợi hỏng hóc nghiêm trọng trên địa bàn. Ngoài ra, hàng trăm hồ, đập khác đang xuống cấp, gặp sự cố cần được sửa chữa trước lúc cao điểm mùa mưa bão. Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh vừa vạch ra một loạt phương án xử lý, nhưng tất cả chỉ là giải pháp tình thế vì... thiếu tiền.

Đắk Lắk đang có nhiều hồ, đập xuống cấp, hư hỏng gây mất an toàn cho người dân trong mùa mưa bão. Ảnh: B.T
Đắk Lắk đang có nhiều hồ, đập xuống cấp, hư hỏng gây mất an toàn cho người dân trong mùa mưa bão. Ảnh: B.T
Sửa chỗ này, hỏng nơi khác
Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi Đắk Lắk, tính đến ngày 21.7, trong tổng số 607 đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh thì có đến 160 công trình bị xuống cấp, hư hỏng. Trong đó, rất nhiều công trình bị hư hỏng nghiêm trọng cần được sửa chữa kịp thời trước mùa mưa bão để đảm bảo an toàn tính mạng cũng như tài sản của người dân.
Đáng chú ý, số lượng hồ, đập xuống cấp, hư hỏng kể trên đã tăng gần gấp rưỡi khi đối chiếu  với thống kê của Chi cục Thủy lợi cung cấp cho phóng viên cách đây khoảng 1 tháng. Cần lưu ý rằng, thời gian qua, nhiều địa phương ở Đắk Lắk đã dùng kinh phí dự phòng của huyện để tiến hành sữa chữa một số công trình quy mô vừa và nhỏ. Đại diện Chi cục Thủy lợi giải thích, đó là do lúc trước các địa phương thống kê chưa đầy đủ. Ngoài ra, đơn vị vừa bổ sung thêm danh sách các hồ, đập gặp sự cố ở các Công ty (Cty) TNHH MTV Cà phê nên mới có sự tăng đột biến như vậy.
Ông Mai Trọng Dũng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Đắk Lắk - nói rằng, vào mùa mưa, những hồ, đập đã tồn tại lâu năm gặp trục trặc, hỏng hóc cũng là điều dễ hiểu.
Như Lao Động đã thông tin, Sở NNPTNT Đắk Lắk đã tham mưu cho UBND tỉnh này báo cáo Tổng cục Thủy lợi, Bộ NNPTNT tình hình hồ, đập ở địa phương và cấp thêm kinh phí sửa chữa 11 công trình thủy lợi bị hư hỏng nặng với tổng kinh phí hơn 100 tỉ đồng. Đến thời điểm hiện tại, Bộ NNPTNT vẫn chưa có văn bản phản hồi lại cho tỉnh.
Đắk Lắk không thể ‘’bó gối’’ ngồi chờ Trung ương cấp kinh phí để sửa chữa những công trình kể trên. Bởi Bộ NNPTNT còn phải tổng hợp số liệu tất cả tỉnh thành trình lên rồi mới báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt hỗ trợ kinh phí, mất khá nhiều thời gian. Trong khi đó, mùa mưa bão đã hiện hữu, dân cư một số vùng thì thấp thỏm, đứng ngồi không yên vì quanh mình đang có những ‘’quả bom nổ chậm’’.
Phải đẩy nhanh quá trình bàn giao
Thống kê của Sở NNPTNT Đắk Lắk cho thấy, tỉnh đang có khoảng 90 hồ, đập do những Cty TNHH MTV Cà phê (Tổng Cty Cà phê Việt Nam) và các đơn vị công an, bộ đội quản lý. Nhìn chung, các đơn vị này hầu như không có cán bộ chuyên môn về thủy lợi để gánh trách nhiệm vận hành, quản lý. Đặc biệt, những công trình do các Cty cà phê quản lý khai thác ngày càng xuống cấp trầm trọng. Nguyên nhân là do nhà nước không cấp kinh phí duy tu, bảo dưỡng thường xuyên kết hợp với giá cà phê xuống thấp khiến doanh nghiệp càng thêm điêu đứng.
Ông Nguyễn Hoàng Long - Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi Đắk Lắk - cho hay: ‘’Tổng Cty Cà phê Việt Nam đã chỉ đạo cho những Cty cà phê ở tỉnh bàn giao các công trình thủy lợi về cho địa phương quản lý khai thác. Đến nay, đã có 33 hồ chứa được bàn giao lại cho Cty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk và UBND các huyện trên địa bàn’’.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Đắk Lắk vẫn còn đến 35 hồ chứa được các Cty cà phê nắm quyền quản lý khai thác. Khi cơ quan chức năng yêu cầu bàn giao thì doanh nghiệp chần chừ, dây dưa kéo dài thời gian, viện lý do hồ sơ công trình bị thất lạc hoặc chưa xác định được giá trị tài sản...
Một khi doanh nghiệp không chịu bàn giao thì phải đảm bảo an toàn, vận hành hồ chứa theo đúng quy định. Nếu họ để xảy ra sai sót sẽ bị xử lý theo đúng quy định. Thanh tra Bộ NNPTNT, các đơn vị có thẩm quyền ở tỉnh sẽ có đoàn đi kiểm tra, đánh giá lại chất lượng các công trình này, ông Long bày tỏ.
Từ năm 2019 đến 2021, số lượng hồ, đập được bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp là 72 công trình. Tổng kinh phí đầu tư là hơn 648 tỉ đồng. Nhưng đã hơn 1 năm trôi qua, mới chỉ có khoảng 12 công trình được hoàn thiện. Hàng chục công trình khác vẫn trong quá trình sửa chữa, số khác phải đợi đến năm 2021 mới có thể triển khai.
BẢO TRUNG (LĐO)

https://laodong.vn/thoi-su/dak-lak-ca-tram-ho-dap-hu-hong-nhung-giai-phap-xu-ly-chi-chap-va-824572.ldo

Có thể bạn quan tâm