Đà Lạt hướng đến đô thị di sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với nhiều lợi thế về cảnh quan, khí hậu, văn hóa, con người và quỹ kiến trúc đô thị phong phú, Đà Lạt hội đủ các yếu tố để trở thành một đô thị di sản.
Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt - một trong những công trình xây dựng độc đáo của thế giới trong thế kỷ 20 ẢNH: G.BÌNH
Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt - một trong những công trình xây dựng độc đáo của thế giới trong thế kỷ 20 ẢNH: G.BÌNH

Từ lâu, Đà Lạt được nhiều người biết đến là nơi có khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm, có nét đặc trưng riêng mà không đô thị nào của Việt Nam có được, đó là “rừng trong thành phố và thành phố trong rừng”, “thành phố sương mù”, “thành phố festival hoa”. Bên cạnh đó, theo ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng, Đà Lạt như một bảo tàng chứa các biệt thự và các công trình kiến trúc công cộng, tôn giáo tín ngưỡng với các thể loại phong cách kiến trúc Âu - Á kết hợp. Kiến trúc ở Đà Lạt là nghệ thuật “kiến trúc kết hợp với cảnh quan” khi mỗi công trình, cụm công trình được sắp đặt khéo léo nhằm khai thác triệt để đặc điểm địa hình và cảnh quan thiên nhiên, tạo nên những công trình, cụm công trình đột phá và tạo nên một thành phố có dáng vẻ riêng, không nhầm lẫn với kiến trúc ở các đô thị khác trong cả nước.

UBND tỉnh Lâm Đồng ngày 25.6 cho biết đã thống nhất chủ trương xây dựng đề án quy chế bảo tồn kiến trúc cảnh quan TP.Đà Lạt. Sở Xây dựng Lâm Đồng được tỉnh giao làm chủ đầu tư thực hiện đề án và phải khẩn trương xây dựng đề cương, nhiệm vụ và dự toán kinh phí, lộ trình, kế hoạch tổ chức thực hiện trong thời gian tới. Đây có thể xem là bước quan trọng trong việc hướng tới xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị di sản đầu tiên trong cả nước.
Ông Võ Ngọc Trình, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Lạt, chia sẻ: Nhân dân, du khách và không ít nhà khoa học có quan tâm và nghiên cứu về Đà Lạt hay nói rằng, nếu Đà Lạt không có rừng thông, không có khí hậu trong lành mát mẻ, không có các công trình kiến trúc tiêu biểu có giá trị, không có cảnh quan đẹp cũng như thiếu đi những cư dân hiền hòa, thanh lịch thì không còn là Đà Lạt nữa. Nhận thức rõ điều đó nên chính quyền và nhân dân thành phố đang trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển để Đà Lạt xứng đáng là đô thị di sản về cảnh quan, kiến trúc và văn hóa.
Ông Lê Quang Trung cũng cho hay luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) chỉ xác định đối với di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể, chưa có khái niệm về đô thị di sản. Tuy nhiên, trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị di sản dưới góc nhìn về các yếu tố đô thị thì giá trị di sản của đô thị cần được đánh giá qua các nghiên cứu khoa học làm cơ sở xây dựng các cơ chế, chính sách để bảo tồn và phát huy giá trị di sản vốn có của đô thị như Đà Lạt. Để tạo thành một đô thị di sản có 3 giá trị cần được bảo tồn và phát huy, gồm: khí hậu, cảnh quan thiên nhiên; quỹ di sản kiến trúc công trình; văn hóa và con người.
Theo kiến trúc sư Trần Văn Việt, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Lâm Đồng, đô thị di sản không phải là chủ đề xa lạ, nhưng để thống nhất quan điểm, cùng nhau xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị di sản trong điều kiện cả nước chưa có một mô hình kiểu mẫu lại là điều không đơn giản khi đề xuất các giải pháp sao cho khả thi và đồng thuận cao. “Cần tập hợp các bản đồ từ thời bác sĩ Yersin đi tìm đất, đến các đồ án quy hoạch chung của Đà Lạt (từ thời Pháp thuộc), để lập hồ sơ đề xuất nhà nước công nhận là quỹ di sản văn hóa về tư liệu lịch sử của thành phố. Đồng thời nghiên cứu, rà soát, đánh giá lại giá trị (về lịch sử và thẩm mỹ) của quỹ kiến trúc công trình và cảnh quan đô thị hiện có để lập kế hoạch tổ chức quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, khoanh vùng bảo vệ, định hướng phong cách kiến trúc phù hợp cho những công trình dự kiến xây dựng mới, hoặc khu vực giáp ranh công trình di sản nhằm góp phần hợp thành một quần thể khu vực kiến trúc (cũ và mới) có giá trị như một thành phần di sản văn hóa không thể tách rời của đô thị”, ông Việt đề xuất.
Theo Gia Bình (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm