Chi trả tiền Dịch vụ môi trường ở Kon Tum: Mở tài khoản ngân hàng, thuận tiện cho người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thay vì nhận tiền mặt, người dân và các cộng đồng nhận bảo vệ rừng, cung ứng dịch vụ môi trường rừng được mở tài khoản ngân hàng. Nhờ vậy bà con luôn nhận đủ tiền, an toàn, thuận tiện.
100% chi trả qua tài khoản
Theo thống kê của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BVPTR) tỉnh Kon Tum, toàn tỉnh hiện có trên 387.000ha rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Tính đến nay, đơn vị đã thực hiện chi trả hơn 255 tỷ đồng tiền DVMTR năm 2019 cho các chủ rừng. Riêng các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đã được chi trả trên 32 tỷ đồng.
Ông Hồ Thanh Hoàng - Giám đốc Quỹ BVPTR tỉnh Kon Tum cho biết: "Từ khi thực hiện chính sách đến nay, việc thanh toán tiền DVMTR cho các chủ rừng là tổ chức, UBND xã, thị trấn thực hiện qua tài khoản ngân hàng, Kho bạc Nhà nước. 
Đối với các hộ gia đình và cá nhân, đến nay đã có 94% hộ gia đình, cá nhân được mở tài khoản ngân hàng và nhận tiền DVMTR qua kênh này. Riêng đối với các cộng đồng đã được mở 100% tài khoản. Phấn đấu trong năm nay sẽ hoàn tất việc chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng 100%".
Người dân phấn khởi khi nhận tiền DVMTR qua ngân hàng. Ảnh: P.V
Người dân phấn khởi khi nhận tiền DVMTR qua ngân hàng. Ảnh: P.V
Theo ông Hoàng, số tiền chi trả DVMTR rất lớn nên việc chi trả đúng, chi trả đủ, chính xác và đảm bảo an toàn cần phải hết sức thận trọng. Trước đây, việc chi trả tiền cho chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được Quỹ BVPTR tỉnh Kon Tum chuyển khoản cho các Ban chi trả dịch vụ môi trường rừng huyện, thành phố (do các hạt kiểm lâm huyện, thành phố kiêm nhiệm), sau đó các Ban chi trả DVMTR huyện, thành phố chi trả bằng tiền mặt cho người dân. 
Hoạt động chi trả này tồn tại nguy cơ rủi ro trong quá trình vận chuyển tiền, tốn thời gian, công sức… Thay vì người dân nhận tiền mặt thông qua Ban chi trả DVMTR huyện, thành phố chi trả, thì nay người dân được mở tài khoản đứng tên mình trong ngân hàng, rất thuận tiện.

"Nhờ chính sách chi trả DVMTR, ý thức của người dân về công tác quản lý, bảo vệ rừng được nâng lên, người dân biết lo lắng hơn cho diện tích rừng được giao bảo vệ".

ôngNguyễn  Phúc Đoan

"Chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng đảm bảo tính thuận tiện, công khai, minh bạch và an toàn. Tài khoản do người dân đứng tên nên họ có thể kiểm tra số tiền nhận được chính xác là bao nhiêu và có thể tùy ý rút ra sử dụng bất cứ lúc nào. Nếu không có nhu cầu sử dụng ngay có thể gửi trong ngân hàng để lấy lãi"- ông Hoàng nói.

Trước đó (năm 2018), thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản "về việc trả tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng hoặc giao dịch thanh toán điện tử". 
Đây là văn bản chỉ đạo Quỹ BVPTR tỉnh Kon Tum, các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng, UBND các xã, thị trấn có khoán quản lý bảo vệ rừng chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng hoặc giao dịch thanh toán điện tử cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng được nhà nước giao đất, giao rừng hoặc nhận khoán bảo vệ rừng.
Tuy ban đầu còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng sau hơn 1 năm triển khai, hình thức chi trả tiền DVMTR mới đã có sự thay đổi rõ rệt: 100% cộng đồng dân cư được mở tài khoản; 94% hộ dân gia đình, cá nhân được mở tài khoản. Đến ngày 29/5/2020, Quỹ BVPTR tỉnh Kon Tum đã hoàn thành chi trả tiền DVMTR cho tất cả chủ rừng.
Theo ông Hoàng, lúc đầu một số người dân chưa hiểu về chính sách này nên có ý kiến phản đối. Họ cho rằng, "nông dân ở vùng sâu vùng xa làm sao biết sử dụng thẻ tài khoản ngân hàng, ở xã làm gì có cây ATM mà rút…" nhưng bây giờ đã hiểu đúng về lợi ích, tiện dụng và an toàn của hình thức này.
"Quỹ BVPTR tỉnh Kon Tum không có chủ trương mở thẻ, mà là mở tài khoản ngân hàng. Tiền được chuyển vào tài khoản của từng người, người dân có thể nhận tiền khi ngân hàng chi trả lưu động tại UBND xã hoặc có thể cầm chứng minh nhân dân ra ngân hàng để rút tiền khi có nhu cầu. Việc rút nhiều hay ít hoặc gửi trong ngân hàng là quyền của người dân"- ông Hoàng lý giải.
Phát triển sinh kế cho người dân
Theo ông Hồ Thanh Hoàng - Giám đốc Quỹ BVPTR tỉnh Kon Tum, trong năm nay đơn vị tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về chính sách chi trả DVMTR, quản lý bảo vệ rừng và hướng dẫn quản lý, sử dụng tiền DVMTR một cách hiệu quả nhất. Qua đó, sẽ tổ chức khoảng 50 hội nghị tuyên truyền đến cấp xã, đồng thời giám sát 15 đơn vị chủ rừng và 45 UBND xã, thị trấn trên địa bàn. 
Đến cuối năm sẽ phối hợp với cơ quan chức năng đi kiểm tra, xác định diện tích rừng để xác định số tiền phải chi trả đúng.
Nhờ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng, ông A Re nhận được 17 triệu đồng tiền DVMTR thông qua ngân hàng. Ảnh: P.V
Nhờ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng, ông A Re nhận được 17 triệu đồng tiền DVMTR thông qua ngân hàng. Ảnh: P.V
Ông Hoàng cho biết, thông qua các đợt tuyên truyền, đơn vị còn cho lồng ghép và đưa vào nhiều mô hình sinh kế thiết thực để người dân học hỏi, lựa chọn phù hợp cho từng gia đình. Mục tiêu giúp mọi người dân, nhất là người dân ở các khu vực cung ứng dịch vụ hiểu về chính sách và sử dụng nguồn tiền cung ứng DVMTR hiệu quả nhất.

Dịch vụ môi trường rừng Năm 2019:

Cả nước thu được hơn 2.800 tỷ đồng

Trên diện tích cung ứng dịch vụ 6,3 triệu ha (chiếm 43% tổng diện tích rừng toàn quốc)

Có mặt tại điểm nhận tiền lưu động do Ngân hàng Bưu điện Liên Việt chi trả, anh A Rin (thôn 3, xã Đăk Psi, huyện Đăk Hà) vui mừng nói: "Trước đây mình nhận tiền mặt, nay được chi trả qua ngân hàng. Giờ tài khoản nhận tiền mang tên mình, mình không nhận bây giờ thì tiền vẫn còn gửi trong ngân hàng, không lo mất tiền". 

Theo A Rin, anh được Nhà nước giao đất, giao rừng hơn 20ha rừng, được chi trả số tiền cung ứng DVMTR năm 2019 là 17,8 triệu đồng. Có số tiền này, gia đình đỡ khó khăn hơn, thoải mái mua lúa, trồng thêm mì và mua bò về chăn nuôi để có thêm thu nhập. Hàng tháng, ngoài công việc gia đình, anh dành thời gian đi tuần tra rừng, khi phát hiện lâm tặc phá rừng thì gọi cán bộ lên can thiệp.
Lần đầu được nhận tiền qua ngân hàng, ông A Re (thôn 8, xã Đăk Psi) cũng chia sẻ: "Đợt này gia đình mình được ngân hàng chi trả 17 triệu đồng tiền nhận bảo vệ rừng nên rất vui. Mình sẽ dùng số tiền này để mua phân bón 200 gốc cà phê và mua bò… Mình không dám dùng tiền này để uống rượu đâu. Giờ mình có tài khoản ngân hàng rồi, cảm thấy rất thoải mái, mình có tiền có thể gửi tiết kiệm vào đây mà không lo mất".
Ông Nguyễn Phúc Đoan - Chủ tịch UBND xã Đăk Psi cho biết: "Nhờ chính sách chi trả DVMTR, ý thức của người dân về công tác quản lý, bảo vệ rừng được nâng lên, người dân biết lo lắng hơn cho diện tích rừng được giao bảo vệ. Qua đó, đời sống của bà con được cải thiện đáng kể, họ biết sử dụng nguồn tiền để phát triển sinh kế. Đó là đầu tư con giống, cây trồng, mua phân bón cho việc sản xuất nông nghiệp, chăm lo việc học hành của con cái, cuộc sống gia đình tốt hơn". 
Theo ông Đoan, đối với số tiền chi trả DVMTR cho cộng đồng dân cư được người dân tổ chức họp và sử dụng rất hiệu quả: 50% cho công tác tuần tra bảo vệ rừng, 30% dành cho bà con trong làng vay vốn phát triển kinh tế và số còn lại phục vụ chung cho sinh hoạt cộng đồng. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của xã Đăk Psi là 64,37% thì đến cuối năm 2019 giảm xuống còn 42,5%.
Theo Lê Kiến (Dân Việt)

https://danviet.vn/chi-tra-tien-dich-vu-moi-truong-o-kon-tum-mo-tai-khoan-ngan-hang-thuan-tien-cho-nguoi-dan-20200623180251662.htm

Có thể bạn quan tâm