Tây Nguyên: Nắng nóng kéo dài nhiều tháng, người dân "chạy nước từng bữa"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đã 2 tháng nay, gia đình anh Y Zol Êban (Buôn Niêng 1, xã Ea Nuôi, huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk) gần như phải "chạy" nước từng bữa. Hàng ngày, mỗi khi đi đâu, anh đều phải mang theo can nhựa để xin nước về dùng.
"Nắng nóng kéo dài đã nhiều tháng qua, mặc dù gia đình đã đào thêm giếng để lấy nước sinh hoạt nhưng vẫn không có nước để dùng. Mỗi ngày, tôi đều phải chở theo can nhựa để xin nước từ những gia đình có giếng khoan về nấu nướng"- anh Y Zol nói.
Người dân xã Ea Nuôl phải đi xin nước từng bữa về ăn. Ảnh: Duy Hậu
Không chỉ gia đình anh Y Zol, mà hàng chục hộ dân tại xã Ea Nuôl cũng lâm vào cảnh tương tự. "Hầu như toàn bộ các giếng đều đã cạn khô. Người dân trong buôn phải chia sẻ nguồn nước hiếm hoi còn lại để vượt qua đợt nắng hạn này"- Buôn trưởng buôn Niêng1 (xã Ea Nuôl) nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ riêng xã Ea Nuôl, hiện đã có khoảng 600 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Nhiều gia đình thậm chí phải đi mua từng can nước để dùng.
Thống kê mới nhất của Sở NNPTNT tỉnh Đăk Lăk cho biết, nắng nóng kéo dài đang khiến hơn 2.800 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Các huyện bị ảnh hưởng nặng là: Ea Súp, Krông Bông, Ea Kar, Buôn Đôn, Cư Mgar…
Tại Đăk Nông, mặc dù địa phương đã có mưa từ gần một tháng qua nhưng tại các huyện Đăk Mil, Cư Jut, Krông Nô nắng hạn vẫn khiến hàng trăm gia đình thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Thống kê đến ngày 22/5, toàn tỉnh này có gần 700 hộ dân thiếu nước, tập trung chủ yếu ở Krông Nô và Đăk Mil. 
Đã nhiều tháng qua, cánh đồng lúa nước tại xã Bông Krang, huyện Lăk (Đăk Lăk) cháy khô, nứt nẻ. Bây giờ đã sắp hết tháng 5, ông Ksor Ơn (xã Bông Krang) không còn đủ kiên nhẫn để chờ trời nữa. Ông phải mượn máy, kéo ống dẫn nước từ con kênh nhỏ (dẫn nước về cánh đồng xã Yang Tao) vào mảnh ruộng rộng chừng 1 sào để làm đất, sạ lúa.
"Để có nước cày ruộng tôi đã mất 200.000 tiền dầu. Tôi làm để kiếm hạt lúa ăn nên lời lỗ không thể tính được"- ông Ksor Ơn nói.
Theo báo của Sở NNPTNT tỉnh Đăk Lăk, toàn tỉnh hiện cũng đã có gần 12.000ha cây trồng bị hạn. Trong đó, nơi thiệt hại nặng nề nhất là huyện Ea Kar với hơn 6.300ha thiếu nước tưới do nước sông Krông Pắc cạn kiệt. Toàn tỉnh có gần 4.000ha lúa nước đứng trước nguy cơ mất trắng hoặc giảm năng suất đáng kể do thiếu nước và gần 4.600ha cây lâu năm bị hạn.
Tại tỉnh Đăk Nông, hiện cũng đã có hơn 17.600ha cây trồng các loại bị hạn hán. Chỉ trong 5 ngày (từ 15-20/5), con số bị hạn đã tăng đến gần 5.000ha. Ngành chức năng nhận định toàn bộ diện tích bị hạn này (chủ yếu diện tích cà phê, tiêu) bị thiệt hại từ 30% đến trên 70%. Trong đó, chỉ riêng huyện Krông Nô đã có đến 13.969ha cây trồng bị hạn.
Ông Lê Trung Kiên - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đăk Nông cho biết, hầu hết các diện tích bị hạn đều nằm ngoài phạm vi phục vụ của các công trình thủy lợi do nhà nước quản lý.
Cũng theo ông Kiên, các công trình thủy lợi hiện đang phục vụ tưới cho khoảng 39.024/180.000ha cây trồng các loại có nhu cầu tưới, đáp ứng khoảng 21,68%, còn 140.976 chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên như sông, suối, ao hồ, giếng của người dân.
Ông Kiên cho biết, từ diễn biến này, trong thời gian tới khả năng diện tích cây trồng bị hạn hán trên địa bàn tỉnh sẽ lên đến hơn 27.000ha, tập trung nhiều nhất tại 3 huyện Krông Nô, Đăk Mil và Cư Jut.
Duy Hậu (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm