Hết lòng vì dân làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bằng uy tín của mình, ông Rơh Lan Yớp-Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã kiêm già làng Pan (xã Dun, huyện Chư Sê) đã vận động dân làng từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế. Ngoài ra, ông Yớp cũng không ngần ngại cắt đất rẫy nhường cho hộ nghèo trong làng dựng nhà ở.
Ông Rơh Lan Yớp năm nay tròn 60 tuổi. Năm 1975, ông tham gia du kích xã đánh đuổi FULRO ở huyện Chư Sê. Ngày đất nước giải phóng, FULRO bị đẩy lùi, ông cùng dân làng chung tay xây dựng cuộc sống mới trong muôn vàn khó khăn. Thời gian đầu, gia đình ông và dân làng trồng lúa một vụ ở cánh đồng làng Pan nhưng cây lúa sinh trưởng kém vì thiếu nước tưới, cả sào thu chỉ được vài bao thóc, nhà nào cũng đói. Một thời gian sau, học hỏi những vùng xung quanh, ông Yớp khi ấy là Trưởng thôn đã vận động dân làng khai hoang, đào mương dẫn nước về tưới cho cánh đồng. Từ đó, dân làng Pan bắt đầu trồng lúa nước 2 vụ. “Nhờ đó, nhà mình tích cóp mua thêm được 4 sào ruộng lúa. Cuộc sống đỡ khó khăn hơn nhưng vẫn còn khổ lắm”-ông Yớp bộc bạch.
Ông Rơh Lan Yớp chăm sóc vườn hồ tiêu của gia đình. Ảnh: T.D
Ông Rơh Lan Yớp chăm sóc vườn hồ tiêu của gia đình. Ảnh: T.D
Năm 1995, thấy hàng trăm hộ dân người Kinh theo chủ trương đi xây dựng kinh tế mới ở Chư Sê có cuộc sống khấm khá từ việc canh tác cà phê, ông Yớp quyết định thử nghiệm với loại cây này. “Ban đầu, mình đến nhà có những cây cà phê sai quả nhất xin hạt rồi nhờ họ chỉ cho cách ươm cây giống để trồng thử vài trăm cây. Thấy cây cà phê sinh trưởng tốt vì hợp với thổ nhưỡng ở đây, mình mua thêm cây giống về trồng. Từ đó đến nay, kinh tế gia đình mình ổn định hơn. Mấy hộ trong làng cũng theo mình trồng cà phê để cải thiện cuộc sống. Trước đây, đất đai của mình nhiều nhưng sau chia cho con cái nên nay chỉ còn 2 ha cà phê, 300 gốc hồ tiêu, 8 sào lúa nước và 1 đàn bò”-ông Yớp chia sẻ.
Uy tín của già làng làng Pan ngày càng cao khi ông cùng dân làng bài trừ nhiều hủ tục, vệ sinh đường làng ngõ xóm sạch sẽ, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Dân làng Pan nghe theo lời ông Yớp cắt đất làm một con đường giao thông liên thôn giúp cho việc đi lại thuận tiện hơn. Những tranh chấp, cãi vã, mâu thuẫn của các gia đình trong làng đều được ông Yớp hòa giải ổn thỏa.
Bên cạnh đó, ông Yớp còn sẵn sàng giúp đỡ các hộ dân trong làng khi gặp khó khăn. Điển hình là trường hợp gia đình bà Siu A Yoai. Năm 1984, khi gia đình bà Yoai không có đất ở, ông Yớp đã cho mượn một khoảnh đất tại rẫy cà phê trong làng Pan để dựng nhà tạm. Gia đình bà Yoai sống trong ngôi nhà này đến năm 2019. Cuối năm 2019, biết gia cảnh khốn khó của bà Yoai, chi đoàn Báo Gia Lai hỗ trợ 20 triệu đồng sửa nhà, còn ông Yớp quyết định cho hẳn bà Yoai 1 sào đất đó. Trong ngôi nhà thưng tôn mới, bà Yoai xúc động: “Ông Yớp thương nhà mình khổ nên cho mượn đất dựng nhà ở nhiều năm rồi. Ông ấy thường kêu gọi dân làng giúp mình gặt lúa, đỡ đần lúc khó khăn. Năm trước, khi có nhà tài trợ cho tiền, ông Yớp gọi dân làng và thanh niên đến sửa nhà, làm chuồng bò mới giúp 3 bà cháu mình. Nhờ đó, bà cháu mình đỡ khổ hơn lúc trước nhiều”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Rah Lan Thoa-Bí thư Đảng ủy xã Dun-nhận xét: “Già làng Rơh Lan Yớp là người uy tín ở làng Pan. Ông luôn tích cực tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước, được dân làng tin nghe. Bằng uy tín của mình, ông Yớp đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xây dựng nông thôn mới. Ông cũng là tấm gương về phát triển kinh tế gia đình và được nhiều người noi theo. Mới đây, ông được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ quân sự-quốc phòng giai đoạn 2009-2019”.
THIÊN DI

Có thể bạn quan tâm