Đất dữ, đất lành

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra tại Tây nguyên những năm gần đây như nắng hạn kéo dài, mưa lớn gây ngập lụt… đang kéo theo những hệ lụy tai hại.
Sông suối trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang cạn nước. Ảnh: Đức Nhật
Tây nguyên, vốn có thổ nhưỡng màu mỡ và khí hậu thuận lợi và... có những vùng chuyên canh cây trồng lớn, đang chịu những ảnh hưởng lớn do thay đổi khí hậu. Quy luật phát triển của cây trồng của khu vực này bị phá vỡ.
Đến Tây nguyên thời điểm này mới cảm nhận được sự khốc liệt của mùa khô. Cây trồng xơ xác, đất đai trơ khấc. Nhiều chân ruộng nứt nẻ chân chim. Sông hồ cạn nước. Trong khi, đây là thời điểm những cây trồng như lúa, mía, cà phê… cần nước nhất để sinh trưởng, đẻ nhánh, đậu quả nhưng lại thiếu nước tưới.
Ngoài ra, với trên dưới 450.000 con trâu bò các loại, nguồn thức ăn để đáp ứng đủ cho chúng thời điểm này quả là vấn đề nan giải. Người dân Tây nguyên phải vất vả đưa đàn gia súc của họ đi xa hơn để tìm thức ăn, nguồn nước.
Vài năm trở lại đây, giá một số nông sản như cà phê và đặc biệt là hồ tiêu xuống thấp kỷ lục. Lúc cao điểm, giá hồ tiêu lên đến 220.000 đồng/kg, nay chỉ còn trên 33.000 đồng/kg... Trong khi đó, nông dân chỉ bán sản phẩm nông nghiệp thô nên giá trị không cao. Nhiều vùng, người dân đã nhổ cả trụ tiêu, chặt cả cây trồng làm trụ tiêu để đem bán. Một số vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng lại đối mặt với những biến chuyển thời tiết bất lợi. Bên cạnh đó, giá nhân công, các loại vật tư đầu vào tăng cao cũng là trở lực cho một nền nông nghiệp phát triển bền vững...
Biến đổi khí hậu đang gây nên những hệ lụy khôn lường, đe dọa đến sản xuất nông nghiệp của khu vực Tây nguyên. Các chuyên gia, nhà khoa học và các nhà quản lý cần có những dự báo, nghiên cứu, quy hoạch để giúp nông dân có những hướng đi phù hợp. Điều này cần triển khai sớm, chờ nước đến chân mới nhảy thì đã muộn.
Trần Hiếu (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm