Kỳ lạ, trồng "lung tung" mà thu tiền tỷ từ cây 200 tuổi vẫn "chửa đẻ"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với diện tích 20 ha, trong vườn măng cụt 20 năm tuổi, ông Trần Quang Đông (Đắk Nông) trồng xen "lung tung" nào sầu riêng, nào là bơ, rồi cam, quýt... và rất nhiều cây rừng khác. Kỳ lạ, ông Đông nuôi tham vọng biến trang trại của mình thành vườn cây, vườn quả, vườn rừng như một hệ sinh thái tự nhiên.
Thu tiền tỷ từ loài cây sống được 200 năm 
Ở xã Đắk Nia (TP Gia Nghĩa, Đắk Nông) do địa hình chia cắt, người dân chia đơn vị canh tác bằng những quả đồi. Do vậy khi hỏi trang trại trồng măng cụt của ông Trần Quang Đông thì rất ít người biết.
Mặt khác, dù đã đưa cây măng cụt từ tỉnh Bến Tre lên TP Gia Nghĩa trồng 20 năm nay, nhưng toàn bộ vườn măng cụt của ông Đông đều bán tại TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Đà Lạt… và một số xuất khẩu nên dân địa phương càng ít biết ông có vườn trồng loài cây thọ tới 200 năm này.
Ông Đông kiểm tra hoa và trái măng cụt non (Ảnh: Phạm Ly).
Chỉ ra phía đồi bạt ngàn màu xanh, ông Đông kể với phóng viên Báo điện tử DANVVIET: “Trước năm 2000, tôi trồng cà phê trên vùng đồi này. Vài năm sau giá cà phê xuống thấp, thấy bấp bênh quá nên tôi chuyển hướng sang trồng cây ăn trái, trong đó có trồng măng cụt”.
Nghiên cứu từ sách nông nghiệp, ông biết được măng cụt là một giống cây thực sinh có nhiều ở Đông Nam Á, thuộc họ bứa nhưng không nhiều vùng đất trồng được. Ở Việt Nam cây măng cụt chỉ phát triển tốt từ vĩ tuyến 17 trở vào. Một điều khiến ông mê mẩn cây măng cụt là tuổi thọ của cây này rất cao, đến 200 tuổi cây vẫn còn cho thu trái. "Tức là nói vui như nhiều người là cây măng cụt "200 tuổi" vẫn chửa đẻ tốt", ông Đông dí dỏm.
 Trong vườn măng cụt, ông Trần Quang Đông còn trồng "lung tung" 3.000 cây bơ  giống bơ 034 vgiống  bơ Mỹ. Hai giống bơ ngon này trong trang trại Gia Ân của gia đình ông sắp cho thu hoạch. (Ảnh: Phạm Ly)
Qua tìm hiểu, ông Đông còn biết đã có người mang măng cụt từ tỉnh Bến Tre lên trồng tại tỉnh Đắk Nông. Do vậy năm 2000, ông dồn hết vốn liếng phá cà phê để trồng 8 ha măng cụt, trở thành người đầu tiên trồng măng cụt với diện tích lớn ở tỉnh Đắk Nông. 
Chính ông Đông cũng không ngờ vườn măng cụt lại sinh trưởng, phát triển tốt tại TP Gia Nghĩa đến vậy. Bước vào năm thu hoạch thứ 13, 1.000 cây măng cụt của gia đình ông đã cho sản lượng 1 tạ trái mỗi cây. Nhờ trái măng cụt có mẫu mã đẹp, trái to, tỷ lệ ăn được cao nên giá bán giữ được ổn định. Bình quân giá măng cụt bán 80.000 đồng/kg. Trái măng cụt loại 1 giá bán sỉ đến 120.000 đồng/kg.
Chị Linh (con gái ông Đông) còn cho biết dù giá trái măng cụt của trang trại có nhỉnh hơn thị trường, nhưng thu hoạch được bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Nhiều khi thương lái cứ gọi điện nôn nóng hỏi "bao giờ thì hái măng cụt"...
Ý tưởng lạ đời-biến vườn thành rừng
Trong trang trại rộng hơn 20ha, ông Trần Quang Đông dành gần một nửa diện tích vòng ngoài để trồng cam, quýt. Ông tiết lộ cách trồng "lung tung" này giống như một vành đai cách ly, phòng chống bệnh hại từ bên ngoài cho vườn măng cụt.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Đông cho hay: Để sản trái cây đạt tiêu chuẩn GlobalGAP – tiêu chuẩn tiêu thụ toàn cầu, thì từ khâu làm đất, bảo quản, phòng trừ sâu bệnh… đều có yêu cầu cao hơn. Mỗi cây trong vườn được treo một chai nhựa chứa chế phẩm sinh học để xua đuổi và diệt ruồi vàng hại quả thay vì dùng thuốc.
Ông Trần Quang Đông đang kiểm ra trầm hương trên một cây dó bầu. (Ảnh: Phạm Ly).
Ông Đông cho biết, từ thời điểm hoa măng cụt nở bung đến khi thu trái kéo dài 4 tháng. Mỗi năm cây măng cụt cho thu một mùa trái từ tháng 8. Với điều kiện đất trồng tốt, khí hậu ôn hòa như ở tỉnh Đắk Nông thì có thể ép cây măng cụt cho trái 2 vụ/năm.
“Nhưng cũng không nên "o ép" cây măng cụt như vậy. Mỗi năm ăn một mùa trái thì cây măng cụt sẽ khỏe mạnh, bền vững hơn”, ông Đông phân tích với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Ngoài loại cây chủ lực là măng cụt, ông Đông còn trồng xen 3.000 cây bơ và 1.000 cây sầu riêng. Mặc dù thời gian sinh trưởng khác nhau nhưng 3 giống cây ăn trái này cộng sinh rất tốt. Vẫn chưa hết, các loại cây dó bầu, cây xoan Ấn Độ, cây dổi, cây lát Mê hi cô, cây sưa, cây sao đen… cũng xuất hiện trong trang trại Gia Ân của ông Đông.
Cách trồng "lung tung, ôm ồm" mỗi thứ mỗi tý này của ông Đông khiến nhiều người e ngại khu vườn sẽ biến thành khu rừng tạp.
Đi thăm trang trại rộng 20ha là một cách giúp “lão nông”  Trần Quang Đông thư giãn, nâng cao sức khỏe. (Ảnh: Phạm Ly)
Với nhiều loại cây như vậy, ông Đông đang nuôi tham vọng lạ đời là muốn biến trang trại thành vườn rừng. Ông cho rằng, một số loài cây trồng xen có tán cao nên không ảnh hưởng đến tầng sinh trưởng của cây măng cụt. Chủ trang trại mong muốn đưa khu vườn trở về với trạng thái cân bằng tự nhiên, các giống cây cộng sinh với nhau, khi đó hệ sinh thái trong trang trại sẽ ổn định, cây trồng khỏe, môi trường sống cũng trong lành, bền vững hơn.
Ngoài ra, ông Trần Quang Đông cũng đang chọn lọc các các giống cây rừng quý, càng để lâu, gỗ của chúng càng có giá trị. “Thời gian cho ra một cây gỗ tốt đến hàng trăm năm. Và quan trọng hơn là trong thời gian đó, đồi trọc được phủ xanh. Làm nông nghiệp như vậy mới bền vững”, ông Đông cười tự tin khẳng định với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Phạm Ly (Dân Việt) 

Có thể bạn quan tâm