Ngày ấy ở Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 1991, chú lính xế 21 tuổi là tôi lái chiếc Zin ba cầu chở một đại đội công binh lên xã Mo Ray, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Đó là một trong những chốn thâm u cổ sơ chất chứa vô vàn huyền bí. Chúng tôi lạc vào một thế giới cách biệt và đã trải qua những cung bậc cảm xúc ám ảnh.

 

Sống chung với hổ

Vừa hạ trại, anh Thảo-Đại đội phó-thông báo: “Đây là khu vực có mật độ hổ dày nhất Đông Dương”. Lính sợ toát mồ hôi. Anh Thảo vội trấn an: “Nhưng… hổ ở đây hiền lắm, chưa bao giờ bắt người!”. Tuy vậy, anh cũng triển khai đơn vị làm ngay một hàng rào bằng nứa vát nhọn xung quanh lán đề phòng.

Những đêm đầu tiên chúng tôi phải đốt lửa suốt đêm, nhưng không ai ngủ ngon bởi tiếng hổ gầm lúc xa lúc gần, rất khiếp. Có đêm, chúng tôi nằm nín thở rúm vào nhau nhìn ra ngoài rừng trăng: Cách lán hơn chục mét là 2 con hổ to tướng đang ngồi tình tự.

Nhiệm vụ của đơn vị là đắp lại con đập thủy lợi Mo Ray bị vỡ nên mỗi ngày tôi phải chạy mấy chục chuyến đất đá, đến nỗi con đường chở vật liệu bị nghiền thành bụi dày tới mắt cá chân. Mỗi buổi sáng, trên lớp bụi đường đó in dày dấu chân hổ. Căn cứ vào các dấu chân, chúng tôi biết xung quanh lán có tới 6 con hổ đang sinh sống. Qua mấy ngày đầu e dè, sau không thấy xảy ra chuyện gì, lính bắt đầu dạn dĩ, đêm đêm đã dám vào làng chơi. Không hiếm đêm gặp hổ và lính đều tránh sang một bên nhường đường.

Minh họa: KIM HƯƠNG
Minh họa: KIM HƯƠNG



Nhưng, khi con đập thành hình đồng nghĩa với việc thông đường. Cuộc sống hoang sơ vùng biên bỗng chốc bị phá vỡ. Người dưới xuôi ào lên vùng rừng núi ngồn ngộn lâm thổ sản để khai thác gỗ, song mây, vàng đắng và săn bắn... Trong những loại thú rừng, hổ là mục tiêu bị săn đuổi số 1.

Một buổi xâm xẩm tối, chiếc xe chở đầy đá của tôi gầm hết công suất cộng thêm lực đẩy của mấy chục chàng lính trẻ mới bò lên được bờ suối thì có tiếng súng nổ. Một con vật giống như con bê trúng đạn nhảy dựng lên rồi ngã vật trước mũi xe. Từ trong bụi cây nhảy ra 2 người, một người dùng dao lột da con hổ con nhanh như chớp rồi tống vào bao tải chất lên xe máy, mất hút...

Trưa hôm sau, khi chúng tôi đang ăn cơm bỗng nghe có tiếng người hét sảng giọng phía con đập. Trong ánh nắng chói chang, tôi loáng thấy một bóng vằn vện lao vút vào cây lá. Chúng tôi xách súng chạy ra và chứng kiến một người đàn ông ngồi phệt giữa đường, quần áo bê bết bụi đỏ, mặt trắng bệch như được nặn bằng sáp. Qua những lời kể run rẩy, chúng tôi được biết anh là bưu tá, đang trên đường chuyển thư lên làng Sập, làng Tang. “Nó... nó... chụp đầu tui!”-anh bưu tá lắp bắp chỉ lên đầu mình. Bán tín bán nghi, chúng tôi liền vạch đầu anh bưu tá ra xem xét, không có vết thương. Chúng tôi mở rộng tìm kiếm và thấy một chiếc mũ cối bẹp rúm có 4 vết móng cấu thủng rơi sát bìa rừng. Anh Thảo giơ chiếc mũ lên nói với anh bưu tá: “Phúc nhà anh còn to lắm!”. Rồi quay qua chúng tôi, anh bảo: “Con hổ này đang muốn trả thù cho con hổ bị bắn hôm qua đấy. Tôi ra lệnh, từ nay tuyệt đối không được ai đụng đến hổ!”.

Cuộc săn kỳ thú

Chúng tôi lên Mo Ray được hơn 1 tuần thì hết thực phẩm. Trời đổ mưa, đường rừng hiểm trở xe tiếp tế không vào được. Mấy ngày liền bộ đội phải ăn cơm với nước mắm pha loãng, kêu quá trời. Chúng tôi gom mấy bộ quần áo lính vào làng đổi được một con chó hơn chục cân. Vừa treo lên để cắt tiết thì mấy người dân chạy ra tru tréo: “Đồng bào chỉ đổi chó cho bộ đội nuôi thôi, không cho làm thịt!”. Chúng tôi chưng hửng, đành thả cho con chó chạy về làng. Cứ tưởng đồng bào giận, nhưng một lúc sau có mấy trai làng ra lán nói: “Để mình đi bắt cá cho bộ đội ăn”.

Người Rơ Mâm ở Mo Ray có cách bắt cá rất lạ. Họ tìm một loại cây rừng có tên là zam, đẽo lấy vỏ bó lại rồi ngâm xuống suối Ia Grai, một lúc sau cá nổi hàng loạt. Cách bắt cá này đồng bào gọi là “ruốc”. Chỉ một buổi chiều mà họ đã “ruốc” được 2 bao tải cá đủ các loại, con nào con ấy to như bắp chân. Lính ta khoái quá hét váng cả rừng. Nhưng lạ là mấy trai làng lại tỏ ra thờ ơ với những con cá mà chúng tôi xếp vào hàng “khủng”. Hỏi ra mới biết, đối với đồng bào nơi đây, những con cá này chỉ là “cá trẻ con”. Và cái động tác “ruốc” cá nhẹ nhàng mà chúng tôi vừa chứng kiến chỉ là việc của… đàn bà! Đã là trai Rơ Mâm thì phải săn cá bằng lao.

Minh họa: HƯƠNG THẢO
Minh họa: HƯƠNG THẢO



Và tôi, với máu ưa phiêu lưu đã gạ được chàng trai tên Kíp cho tham gia một cuộc săn cá kỳ thú.

Kíp đưa tôi ngược suối Ia Grai len lỏi vào một cái đầm lầy. Chúng tôi ngồi phục trên bờ đầm chịu muỗi thiêu ê ẩm mà chả thấy cá đâu. Mãi tới gần sáng thì từ một lạch nước ngầm nơi khe núi, một con “quái vật” trên đầu có hàng chục con mắt xanh lè lừ lừ bơi ra. Tôi sợ cứng cả lưỡi. Kíp đứng bất động đợi con “quái vật” tới gần rồi bất ngờ vung tay. Mũi lao xé gió lao vút xuống đầm. Một cái quẫy mạnh kinh hồn làm nước đầm tung tóe. Cán lao chạy vòng vèo nhấp nhô trên mặt nước, để rồi kiệt sức đứng im một chỗ.

Kíp từ từ thu dây. Con “khủng long” duềnh lên mặt nước. Toàn thân nó sáng lấp lánh như được đính kim cương. Nó quẫy lộn tơi bời trước khi bị kéo lên bờ. Kíp nhanh nhẹn rút dao ra đẽo sàn sạt vào con vật. Những đốm sáng văng toé ra khắp nơi. Đến lúc ấy tôi mới hiểu rằng, con vật mà Kíp vừa săn được là một con cá tràu rất to, nặng dễ đến hơn chục ký và những đốm sáng trên mình nó là những con ốc bị rêu lân tinh bám dài lướt thướt.

“Bài thuốc” kỳ bí

Một chiều mưa chúng tôi được nghỉ. Một tốp lính xung phong vào rừng đào măng về cho anh nuôi cải thiện. Nhưng măng đâu không thấy, thấy khiêng về một… anh lính đang co giật đùng đùng, miệng sùi bọt mép. Thì ra, chàng lính ấy đã chui vào bụi le nhưng vừa vươn tay ra, chưa kịp bẻ chiếc măng mới nhú thì đã rú lên một tiếng hãi hùng bởi một tia nọc độc phóng vào mu bàn tay buốt lộng lên tận óc. Mấy người đi cùng kể, khi nghe tiếng kêu, họ chạy đến thì nhìn thấy một con rết rừng to như ngón chân cái, đỏ cáy như lửa đang lừ lừ bò ngược ngọn le.

Ảnh internet
Ảnh internet



Chàng lính đang trong cơn nguy kịch, sốt rất cao, đồng tử đã giãn, cánh tay bị ga rô tím đen. Trong cơn nguy cấp, bỗng anh Thảo nhớ ra kinh nghiệm chữa rết cắn dân gian. Anh ra lệnh cho lính đi bắt gà. Bắt được gà, áp hậu môn gà vào vết cắn sẽ hút hết nọc độc ra. Nhưng giữa rừng chỉ có gà rừng và gà của đồng bào nuôi cũng… bay như gà rừng, giữa ban ngày bắt làm sao nổi! Giữa lúc đó, một người già ở làng Le chạy ra bảo: “Cõng nó vào làng tao chữa cho!”.

Khi anh lính được khiêng vào nhà, chủ nhà đuổi hết chúng tôi về. Mọi người bán tín bán nghi nhưng cũng đành chấp nhận. Ai cũng nghĩ chàng lính kia sẽ không qua khỏi. Vậy mà, hôm sau mới tinh mơ đã thấy chàng chạy về lán. Mọi người xúm vào hỏi han tíu tít rằng người Rơ Mâm có bài thuốc gì mà chữa tài vậy. Chàng lính bị rết cắn nghe hỏi thì mặt đỏ lựng lên, miệng ấp a ấp úng: “Bằng… bằng… bằng…”.

Sau này, trong một lần uống rượu cần giữa hội làng Le, ân nhân của chàng lính hôm nào đã dùng hết cả vốn tiếng Kinh ít ỏi cộng với động tác khua khoắng chân tay mới diễn đạt được cách chữa bệnh lạ lùng: “Tao lấy cái… cái cái… của con gái tao đó...”. Hiểu ra, cả mấy chục anh lính đã ôm bụng cười lăn lộn giữa sân nhà rông. Và, vị thuốc dân gian thần diệu của đồng bào Rơ Mâm đã được lính thống nhất đặt cho một cái tên vô cùng mơ hồ và trang nhã là... “Tơ trinh nữ!”.

 ĐỖ TIẾN THỤY

Có thể bạn quan tâm