Kỳ bí lúa đen "báu vật" Tây Bắc, chỉ uống nước mưa vẫn thơm ngon

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ở vùng biên giới Ea Súp (Đăk Lăk) có một loài lúa chỉ "uống" nước mưa và sống trên đất cằn nhưng vẫn cho hạt gạo dẻo thơm đặc biệt.
Sức sống mãnh liệt
Từ vùng núi cao Tây Bắc, những hạt lúa đen được đồng bào dân tộc Thái mang theo đến huyện vùng biên Ea Súp (Đăk Lăk) trong hành trình đi tìm vùng đất mới. Ở vùng đất mới khô khát này, mỗi năm cây lúa đen chỉ được trồng một vụ, thời gian sinh trưởng dài đến 6 tháng và chỉ sống nhờ vào nước trời.
Cận cảnh hạt lúa đen.  Ảnh: Duy Hậu
Ông Lương Văn Yêu (thông Đóng, xã Ia Lốp, Ea Súp) nói với chúng tôi, cứ đầu mùa mưa, người dân lại mang những hạt giống lúa đen gieo xuống đất, 6 tháng sau thì thu hoạch về. "Ngày trước ở quê, hạt lúa đen được trồng trên những núi đá cheo leo, mỗi hố chỉ bỏ được vài hạt. Ở vùng đất này, điều kiện đất đai thuận lợi hơn nên chúng tôi rải lúa lên mặt đất rồi cày lại một lần nữa cho hạt lúa nằm sâu trong lòng đất, tránh bị chim chóc phá hoại" - ông Yêu cho biết.
Cũng theo ông Yêu, cây lúa đen có khả năng chống chịu sâu bệnh và hạn hán rất cao. Thế nên, từ khi gieo hạt đến lúc thu hoạch, người dân gần như không cần phải tác động nhiều, chỉ dùng thuốc trừ cỏ trong thời gian đầu. Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, có đủ độ ẩm, cây lúa đen không cần phải dùng thêm phân bón vẫn có thể phát triển tốt, cao đến 1,8m, thân lúa cứng khỏe, không bị ngã đổ. "Nó có một sức sống rất mãnh liệt mà không có bất kỳ loại lúa nào sánh được. Thế nên cây lúa đen mới chống chịu được những trận hạn hán khốc liệt ở vùng biên giới này" - ông Yêu nói.
Người dân thu hoạch lúa bằng cách cắt từng bông  mang về. Ảnh: Duy Hậu
Mặc dù năng suất rất thấp, chỉ hơn 3 tấn/ha so với các giống lúa trắng (các giống lúa khác theo cách gọi của đồng bào Thái) nhưng cây lúa đen được đồng bào Thái xem như là báu vật. Ở Ea Súp, tất cả các gia đình đồng bào Thái đều dành một phần đất để gìn giữ giống lúa này. Bà Lê Thị Lan (thôn Đóng) cho biết, bà con người Thái nơi đây rất thích ăn gạo xát từ lúa đen vì cơm mềm dẻo, vị ngọt và thơm nhẹ, chất lượng hơn hẳn các giống lúa trắng.
Để tạ ơn trời đất đã mang báu vật này đến cho đồng bào, sau mỗi vụ thu hoạch người dân đều làm một lễ dâng lên thần linh. Mâm lễ ấy có thể thiếu các món khác nhưng không thể thiếu cơm nấu từ lúa đen. Nhờ sự giữ gìn của đồng bào Thái, hiện ở huyện biên giới Ea Súp, cây lúa đen được trồng với tổng diện tích gần 100ha. Đặc sản này ngày càng được nhiều người biết đến nên giá trị của nó luôn cao hơn gấp từ 1,5 - 2 lần so với các giống lúa khác.
“Báu vật” của người Thái

Nhờ sự giữ gìn của đồng bào Thái, hiện ở huyện biên giới Ea Súp, cây lúa đen được trồng với tổng diện tích gần 100ha. Đặc sản này ngày càng được nhiều người biết đến nên giá trị của nó luôn cao hơn gấp từ 1,5-2 lần so với các giống lúa khác.

Những năm gần đây, cây lúa này được một số đơn vị quan tâm phát triển thành một loại hàng hóa đặc sản. Ông Nguyễn Thái Sơn - Giám đốc HTX Giảm nghèo Ea Súp cho biết, năm 2019, HTX đã thuê 10ha đất tại thôn 13, xã Ya Tờ Mốt để canh tác lúa đen theo phương pháp hữu cơ.
Nhờ đặc tính sinh trưởng mạnh, kháng sâu bệnh tốt nên quy trình canh tác cây lúa đen không hề có sự can thiệp của bất cứ loại thuốc hóa học, phân bón, thậm chí kể cả chế phẩm sinh học nào. Chính vì vậy, những người tiêu dùng khó tính nhất vẫn có thể yên tâm ngay từ khi lựa chọn loại gạo này cho nhu cầu của gia đình.
Bên cạnh đó, loại lúa này cũng đón đầu xu hướng sử dụng gạo dài ngày, nâng giá trị kinh tế của hạt gạo. HTX đã được cấp chứng nhận ISO cho gạo lúa đen vào tháng 7/2019. Đây được xem là tiền đề để HTX từng bước mở rộng vùng sản xuất, đưa hạt gạo đặc sản ở vùng biên tiếp cận phân khúc hàng hóa chất lượng cao.
Theo ông Nguyễn Ngọc Phú - Trưởng phòng NNPTNT huyện Ea Súp, trước những giá trị to lớn của cây lúa đen, huyện đang triển khai đề tài khoa học “Gìn giữ, bảo tồn và phát triển cây lúa đen của đồng bào dân tộc Thái trên địa bàn huyện Ea Súp”. Đề tài sẽ khuyến cáo, hỗ trợ người dân nâng cao kỹ thuật canh tác, từng bước xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, đưa gạo lúa đen thành một trong những sản phẩm nông nghiệp đặc sản của địa phương. Cũng theo ông Phú, địa phương đang nỗ lực để đưa loại gạo này thành một đặc sản.
Duy Hậu (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm