Khởi tố thầy tu chặn, đập phá xe người đi đường vì không cho vượt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vì không cho vượt, Lê Văn Thành - một nhà sư đã tu tập hơn 10 năm tại một ngôi chùa lớn nhất TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã chặn, đập phá xe ô tô của người đi đường.
Ngày 18/11, lãnh đạo Viện KSND TP.Buôn Ma Thuột cho biết, đơn vị vừa phê chuẩn quyết định khởi tố và ra lệnh cấm đi khởi nơi cư trú đối với Lê Văn Thành (SN 1988, trú tại chùa Khải Đoan, đường Phan Bội Châu, phường Thống Nhất, TP.Buôn Ma Thuột) để điều tra về hành vi “Cố ý làm hư hỏng tài sản”.
Ông Lê Văn Thành (bìa trái) trao đổi với phóng viên Báo Dân Việt.
Ông Thành có pháp danh là Minh Truyền, đã tu tập hơn 10 năm tại chùa Khải Đoan - ngôi chùa lớn nhất tỉnh Đắk Lắk.
Trước đó, như Dân Việt đã đưa tin, khoảng 10h30’ ngày  9/9, ông Thành đã chặn, đập phá xe ô tô của anh Nguyễn Quang Nhật trên đường Nguyễn Tất Thành, TP.Buôn Ma Thuột.
Thời điểm này, ông Thành mặc đồ thường dân, đi xe máy không đội mũ bảo hiểm. Nguyên nhân vụ việc được ông Thành trả lời với PV Dân Việt là do anh Nhật không cho ông vượt qua mặc dù ông đã bấm còi, ra tín hiệu xin đường.
Theo xác định của Cơ quan điều tra, ông Thành đã nhiều lần dùng một cây gậy tre mang sẵn trên người đập phá gây hư hỏng xe ô tô của anh Nhật làm thiệt hại hơn 16 triệu đồng.
Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã đưa ông Thành đi giám định khả năng nhận thức do thấy người này có dấu hiệu tâm lý không bình thường.
Cơ quan pháp y khu vực Tây Nguyên đã xác định, trước, trong khi gây án và hiện tại, ông Thành bị bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực hiện tại giai đoạn hưng cảm có triệu chứng loạn thần, hạn chế khả năng nhận thức và hạn chế khả năng điều khiển hành vi.
Theo lãnh đạo Viện KSND TP.Buôn Ma Thuột, trong trường hợp này, ông Thành vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình. Việc ông Thành có triệu chứng loạn thần chỉ là tình tiết giảm nhẹ khi đưa ra xét xử.
Duy Hậu (Dân Việt) 

Có thể bạn quan tâm

Nghề rèn của người Mạ

Nghề rèn của người Mạ

Đời sống của người Mạ luôn gắn với núi rừng, nương rẫy. Để đáp ứng nhu cầu đời sống, sản xuất, các nghề thủ công truyền thống ra đời, trong đó có nghề rèn.