Chưa hết lùm xùm, Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk lại tiếp tục hầu tòa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bà Lê Thị Thu Nhung kiện Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk ra quyết định chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. Ảnh: HL
Tòa cấp sơ thẩm, phúc thẩm chưa xem xét đầy đủ chứng cứ, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động nên Hội đồng xét xử tuyên hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm để xét xử lại.
Ngày 8.10, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng cho biết vừa có Quyết định Giám đốc thẩm vụ án “Yêu cầu hủy quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và bồi thường thiệt hại”. 
Nguyên đơn trong vụ án này là bà Lê Thị Thu Nhung (trú phường Tân Hòa, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk); bị đơn là Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk – người đại diện là Giám đốc Trần Xuân Bảy.
Theo hồ sơ, năm 2010,  Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk ký hợp đồng lao động với bà Nhung và ký liên tiếp trong những năm sau đó, lần cuối cùng là vào tháng 11.2015 – thời hạn hợp đồng 3 năm.
Năm 2017, Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với bà Nhung với lý do tự ý nghỉ việc không phép, phát ngôn vi phạm quy chế làm việc áp dụng cho nhân viên Nhà khách. 
Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng, lý do Nhà khách căn cứ đuổi việc bà Nhung đều không thuộc các trường hợp quy định tại Bộ luật Lao động về quyền đơn phương chấm dứt hợp động lao động của người sử dụng lao động.
“Do đó, quyết định chấm dứt hợp đồng năm 2017 là không có căn cứ pháp luật; tòa cần phải hủy quyết định trên” – trích Quyết định Giám đốc thẩm.
Cũng nói thêm rằng, ở cấp phúc thẩm, tòa nhận định bà Nhung và Nhà khách tự nguyện ký và thực hiện hợp đồng (tháng 11.2015) nên xác định hợp đồng lao động có thời hạn.
Về việc này, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng nhận định này là không đúng, cho dù các đương sự thỏa thuận ký hợp đồng có thời hạn nhưng nếu thỏa thuận đó là trái pháp luật thì điều khoản về loại hợp đồng vẫn bị coi là vô hiệu.
“Lẽ ra, tòa cấp sơ thẩm, phúc thẩm phải thu thập tài liệu, chứng cứ… để kết luận trong bản án đối với hợp đồng lao động phát sinh tranh chấp là hợp đồng lao động xác định hay không xác định thời hạn; làm cơ sở giải quyết hậu quả pháp lý tương ứng với loại hợp đồng được xác định, trong đó có việc tính toán khoản bồi thường theo quy định” – trích quyết định Giám đốc thẩm. 
Ngoài ra, việc tòa cấp Phúc thẩm không đánh giá đầy đủ, toàn diện các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ từ khi người lao động bị mất việc mà nhận định bà Nhung chỉ yêu cầu xem xét trong thời gian không làm việc là 9 tháng là không thỏa đáng, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà Nhung.
Từ những lý do trên, Hội đồng xét xử hủy toàn bộ bản án cấp phúc thẩm (tháng 11.2018) của Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân TP.Buôn Ma Thuột. Giao hồ sơ cho Tòa án Nhân dân TP. Buôn Ma Thuột giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm, đúng quy định của pháp luật.
Hữu Long (LĐO)

Có thể bạn quan tâm