Chị Chín Thung làm... anh nuôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thực ra, chị có tên mẹ cha đặt cho là Nguyễn Thị Hoa, song anh chị em trong Huyện đội An Khê ngày ấy cứ theo cái nếp nhà quê, khi phụ nữ lấy chồng thì gọi theo tên chồng, lâu dần rồi tên gọi ấy cũng thành tên riêng nên chị được gọi là chị Chín Thung. Chị Hoa đã thành chị Chín Thung của đơn vị chúng tôi từ ngày chị “xuất giá theo chồng” về Huyện đội An Khê như thế. Và cho tới giờ khi gặp lại nhau, trong những câu chuyện về ngày xưa, chúng tôi vẫn gọi chị là chị Chín Thung như thuở nào.
Chị Chín Thung được chỉ huy đơn vị phân công đảm nhiệm công việc bếp núc-gọi là... anh nuôi. Đặc thù của đơn vị chúng tôi là một đơn vị lực lượng vũ trang địa phương nằm ở huyện “phía trước” nên quân số thường xuyên được chia nhỏ lẻ theo từng tổ, đội công tác, bám địa bàn phía trước, sát các ấp chiến lược của chính quyền Sài Gòn và vùng tạm chiếm của địch để làm công tác phát động phong trào hành động cách mạng, giác ngộ quần chúng, xây dựng cơ sở mật, nắm tình hình địch là chủ yếu. Chỉ khi thật cần thiết mới tổ chức những trận đánh phục kích nhỏ lẻ, hoặc tiêu diệt những tên ác ôn khét tiếng trong vùng. Vì vậy, công việc nuôi quân của chị Chín Thung ở hậu cứ cũng không đến nỗi vất vả, trừ khi mỗi năm đôi ba lần cả đơn vị tập trung về đông đủ để học tập, chỉnh huấn, huấn luyện, tăng gia sản xuất, kiểm điểm cuối năm, nghỉ lễ, Tết...
 Chị Nguyễn Thị Hoa (Chín Thung) và nhà văn Trung Trung Đỉnh. Ảnh: Đ.M.P
Chị Nguyễn Thị Hoa (Chín Thung) và nhà văn Trung Trung Đỉnh. Ảnh: Đ.M.P
Dẫu ở hậu cứ, nhưng hậu cứ của chúng tôi luôn nằm trong tầm đạn pháo 105 ly của Mỹ-ngụy tính từ quận lỵ An Khê bấy giờ. Đây là vùng thường xuyên bị chúng càn quét, nhất là biệt kích Mỹ luôn lùng sục, chỉ điểm, tập kích, bắn phá; tinh thần của những người lính chúng tôi luôn căng thẳng bởi cái chết cận kề. Đã vậy, về vật chất cũng thiếu thốn đủ bề, bữa ăn hàng ngày của chúng tôi chủ yếu là mì, bắp độn cơm (nấu từ gạo rẫy của bà con dân tộc thiểu số từ vùng căn cứ phía sau ủng hộ, hoặc nhận từ các kho hậu cần, chuyện mốc, mọt, ẩm là bình thường).
Trong điều kiện khó khăn như thế, nuôi quân của đơn vị phải thường xuyên “sáng kiến”, tìm cách chế biến những món ăn hàng ngày từ rau trên rừng, cá, cua dưới sông suối sao cho lạ miệng để bữa ăn hàng ngày của chiến sĩ được cải thiện phần nào. Chị Chín Thung là một trong những người nuôi quân siêng năng, chịu khó, luôn nghĩ cách “làm mới” bữa cơm cho anh chị em trong đơn vị. Mì một phần do đơn vị trồng, phần được bà con đồng bào hậu cứ ủng hộ, nếu chỉ mấy món quen thuộc như luộc, hấp, độn với cơm trong khi thực phẩm thiếu thốn thì sẽ chóng chán. Vì vậy, chị Chín Thung đã nghĩ cách ngâm, chà củ mì thành bột để khuấy, xắt lát phơi khô, giã lấy bột làm thành bánh tráng... Mùa thu hoạch bắp từ các khu sản xuất của đơn vị cũng là mùa cây le trong rừng cho măng. Lúc này, bắp non được chị xát ra hoặc giã nhỏ, nấu với măng le và bí non; món này là thực phẩm, nhưng khi thiếu gạo, nó lại là... món thay cơm. Đám lính trẻ chúng tôi hay đùa, chị Chín Thung mát tay nên chúng tôi “ăn khỏe chóng lớn”. Trừ khi bận đi công tác, chiến đấu ở phía trước hay huấn luyện, học tập, tăng gia sản xuất ra, chúng tôi thường giúp chị trong việc kiếm củi, hái rau trên rừng, mò ốc, bắt cua, đánh cá dưới suối... Việc ấy cũng góp một phần đáng kể cải thiện bữa ăn mỗi ngày của đơn vị.
Công việc của chị Chín Thung cứ thế mỗi ngày trôi qua nhưng chị không thấy nhàm chán. Luôn được chỉ huy đơn vị khen ngợi, động viên, chị càng cố gắng hoàn thành xuất sắc công việc được giao. Anh chị Chín Thung có 1 cháu trai đem theo khi thoát ly. Có con nhỏ nên công việc của chị như vậy là phù hợp, cũng may thằng bé chỉ hơn 3 tuổi khi ấy (năm 1969) rất ngoan và khỏe. Vốn là người khéo tay, khi được về phía sau, lúc rỗi việc, anh Chín Thung lại giúp vợ chăm con và nhất là làm ra chén, bát, muỗng, đũa, nồi xoong, rổ rá... Anh chặt tre, nứa từ rừng vót đũa, đan thúng, rổ, rá, rế..., nhặt từng mảnh vỏ bom napal đục, gò thành xoong, chảo, vá, muỗng giúp chị có đồ dùng bếp núc trong khi hậu cần không cung cấp đầy đủ. Rồi đến một ngày đầu năm 1971 chị nhận được hung tin: anh Chín Thung bị thương nặng và bị địch bắt trong một trận chiến đấu không cân sức với quân thù.
Cuối năm 2018, tôi có dịp “tháp tùng” Đại tá, nhà văn Trung Trung Đỉnh trong chuyến về lại An Khê-K8 một thời lửa đạn dù sức khỏe ông sau khi mổ thay thận đã yếu. Chúng tôi đến thắp hương cho anh Chín Thung ở xã Song An, thị xã An Khê. Chị Chín Thung đón những người đồng đội xưa của anh chị trong nỗi xúc động khôn cùng. Chị đã nặng tai vì sức ép của bom pháo giặc năm nào. Nhận ra người quen cũ nhưng nói chẳng thành câu, nghe chẳng thấu lời, chị hết xuống bếp, lên phòng khách rồi lại đến bàn thờ có ảnh của anh Chín Thung rưng rưng... Hiện chị đang sống cùng vợ chồng người con trai-đứa con năm xưa chị địu trên lưng khi đi nhổ mì, hái rau, cõng nước. Mắt chị ngân ngấn: “Bây giờ chị sống cũng ổn, ở với các con, các cháu, được chúng thương yêu, chăm sóc; chính quyền và bà con láng giềng giúp đỡ. Hàng tháng cũng có chế độ phụ cấp của Nhà nước ít nhiều, thế là hạnh phúc, là may mắn hơn bao đồng chí đã không còn nữa rồi...”.
“Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, truyền thống yêu nước thương nòi, chống giặc ngoại xâm của tổ tiên ta ngàn đời là thế. Trong các cuộc trường kỳ kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, không ít chị em đã hăng hái lên đường tòng quân, nhập ngũ, cũng ra trận, cũng anh dũng chiến đấu và hy sinh cho Tổ quốc sạch bóng quân thù, cho giang sơn thu về một mối... Huyện đội An Khê chúng tôi ngày đó chị em phụ nữ không nhiều, song với những công việc được giao, các chị vẫn luôn là những chiến sĩ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chị Chín Thung là một trong những chiến sĩ giải phóng quân như thế.
ĐOÀN MINH PHỤNG

Có thể bạn quan tâm