Người làng Trạng nguyên trên vùng đất mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vào Gia Lai lập nghiệp đã lâu, dân làng Trạng nguyên Khương Công Phụ luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, góp phần tích cực vào việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. 
Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư và gia phả họ Khương đang lưu giữ tại nhà thờ Trạng nguyên Khương Công Phụ ở quê hương ông (làng Sơn Ổi, xã Cổ Hiển, huyện Quân Ninh, tỉnh Ái Châu; nay là làng Tường Vân, xã Định Thành, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa): Khương Công Phụ tự là Đức Văn (731-805), là người Việt đầu tiên và duy nhất đỗ Trạng nguyên dưới triều vua Đường Đức Tông (780-803). Ông đỗ đầu kỳ thi tiến sĩ tại Trường An (Kinh đô của nhà Đường) năm 758, được vua Đường đặc cách cho giữ các chức vụ: Hiệu Thư Lang, Hữu thập di Hàn lâm học sĩ kiêm chức Kinh triệu hộ tào tham quân. Cùng với các tác phẩm nổi tiếng như: “Kế sách trị nước”, “Bạch vân chiều xuân hải”... và nhiều kỳ tích về an dân, kiến quốc, ông đã được vua Đường tấn phong làm “Gián nghị đại phu”, “Đồng trung thư môn hạ bình chương sự” (chính là hàm tể tướng) của nhà Đường. Khương Công Phụ có người em trai là Khương Công Phục cũng đỗ tiến sĩ trong kỳ thi tuyển dụng hiền tài của nhà Đường vào năm 758 và làm đến chức Bắc bộ thị lang thời bấy giờ. 
Dân làng Trạng nguyên liên hoan. Ảnh: H.C
Dân làng làng Tường Vân liên hoan. Ảnh: H.C
Nêu gương tiền bối, các hậu bối ở làng Tường Vân-quê hương Trạng nguyên Khương Công Phụ luôn chăm chỉ học tập, lao động, góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương đất nước ngày một giàu mạnh. Dân làng Tường Vân ở tỉnh Gia Lai có 23 hộ với hơn 60 khẩu, trong đó có 12 người đã tốt nghiệp đại học, 6 người đã tốt nghiệp thạc sĩ, hiện sinh sống tại TP. Pleiku, thị xã Ayun Pa và các huyện Chư Prông, Đak Đoa, Chư Pah... Bà con tích cực làm ăn, phát triển kinh tế, đóng góp xây dựng địa phương sở tại. Đặc biệt, phát huy truyền thống hiếu học, bà con tự nguyện đóng góp hơn 30 triệu đồng xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài. Vào những dịp lễ Tết, giỗ chạp, tổng kết năm học, chuẩn bị vào năm học mới, trước bàn thờ tổ tiên, người làng Tường Vân vượt khó học giỏi, đỗ đạt cao đều được tuyên dương, khen thưởng. Ông Trần Văn Lập (tổ 4, thị trấn Chư Prông) bộc bạch: “Nhờ có quỹ khuyến học, khuyến tài mà người làng Tường Vân ngày càng đoàn kết, con cháu thêm tự hào và hăng hái thi đua học tập, lao động để xứng đáng với truyền thống vẻ vang của các bậc tiền bối”. Thạc sĩ Toán học Đỗ Thị Tâm-giáo viên Trường THPT Pleiku-chia sẻ: “Dù ở đâu, làm gì, người làng Tường Vân chúng tôi luôn nêu cao tinh thần học hỏi, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, cùng phát triển bền vững”. 
Thượng tá, bác sĩ chuyên khoa 1 Cao Văn Trọng (đang công tác tại Khoa Ngoại, Bệnh viện Quân y 211) là một người con làng Tường Vân, có nhiều đóng góp trong việc kết nối các thành viên làng Tường Vân tại tỉnh Gia Lai. Từng là một người lính, anh Trọng đã không ngừng học hỏi, phấn đấu và đã trở thành bác sĩ giỏi của Bệnh viện Quân y 211. Vốn là người ít nói, nhưng khi kể về nền nếp gia phong của dân làng Tường Vân, anh liền hào hứng: “Từ xa xưa, làng Tường Vân đã có nhiều quy ước, hương ước hay, trong đó có quy ước đóng góp quỹ khuyến học, khuyến tài. Thời trước và bây giờ cũng vậy, nhiều nhà còn thiếu thốn nhưng rất tích cực đóng góp công của. Nhờ vậy mà các thế hệ người làng Tường Vân quê tôi luôn được khích lệ học tập suốt đời, động viên phát triển không ngừng”. 
Còn ông Ngô Minh Thúy-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học tỉnh thì khẳng định: “Việc đóng góp xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài của làng Tường Vân là mô hình học tập cộng đồng đúng với tinh thần Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 20-2-2014 của Thủ tướng Chính phủ. Mô hình này đang được Đảng, Nhà nước khuyến khích nhân rộng, góp phần nâng cao dân trí, tiếp nối truyền thống hiếu học của dân tộc ta”.
HOÀNG CƯ

Có thể bạn quan tâm