Siu Gôk: Giỏi việc làng, chăm việc nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chăm chỉ lao động sản xuất, tích cực vận động người dân không nghe theo kẻ xấu xúi giục, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa là những lời nhận xét mà ông Lê Văn Sinh-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Le (huyện Chư Pưh) dành cho ông Siu Gôk-Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Puối A.

Chăm lo phát triển kinh tế

Dẫn chúng tôi dạo quanh vườn cây, ông Siu Gôk cho biết, gia đình ông có 1 ha lúa nước 2 vụ, 1 ha hồ tiêu và điều, mỗi năm thu hơn 200 triệu đồng. Để có được kết quả này, gia đình ông cũng đã trải qua rất nhiều khó khăn. Ngày ông lấy vợ và ra ở riêng năm 1979, vốn liếng của đôi vợ chồng trẻ chỉ vỏn vẹn 8 sào lúa nước 2 vụ. Ban đầu, 8 sào lúa cũng đảm bảo đủ gạo ăn cho gia đình, phần còn lại bán để mua thực phẩm. Nhưng rồi, 8 đứa con lần lượt ra đời khiến cuộc sống luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau. Không cam chịu cảnh nghèo, ông quyết định khai hoang để mở rộng diện tích đất trồng lúa và tích góp tiền mua thêm đất trồng cây công nghiệp. Nhờ đó, mức thu nhập của gia đình được cải thiện đáng kể. “Những năm tháng đi bộ đội trước đó đã giúp mình rèn luyện được tính kiên nhẫn. Khi trở về địa phương, mình không ngần ngại trước bất cứ việc gì, miễn sao kiếm được đồng tiền chân chính”-ông Gôk cho hay.

  Dù đã gần 60 tuổi và bị mất một cánh tay nhưng ông Siu Gôk vẫn chăm chỉ lao động để làm gương cho các con noi theo. Ảnh: N.H
Dù đã gần 60 tuổi và bị mất một cánh tay nhưng ông Siu Gôk vẫn chăm chỉ lao động để làm gương cho các con noi theo. Ảnh: N.H

Năm 2016, ông Gôk bị mất đi cánh tay trái do tai nạn giao thông. Tuy sức khỏe giảm sút nhưng ông vẫn tích cực chăm lo phát triển sản xuất. Ngoài trồng trọt, ông còn bắt tay vào chăn nuôi bò. Từ 3 con bò ban đầu, đến nay, đàn bò của gia đình đã được 10 con. Đặc biệt, ông luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn bà con cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Nhiều hộ noi gương ông chăm chỉ làm ăn nên đã thoát nghèo. Làng Puối A có 107 hộ nay còn 20 hộ nghèo. Ông cũng luôn giúp đỡ những hộ nghèo này bằng cách cho mượn gạo trong dịp giáp hạt. Chị Rmah HHuyn chia sẻ: “Gia đình mình có 4 người nhưng chỉ được vài sào lúa nên hầu như năm nào cũng thiếu đói. Những lúc trời mưa không đi làm thêm được, ông Gôk thường cho mình mượn gạo về ăn nên cũng bớt đi phần nào khó khăn”.

Gìn giữ tình làng, nghĩa xóm

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Gôk còn tích cực vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, ông được tín nhiệm bầu giữ nhiều chức vụ như: Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã, Trưởng thôn Puối A và giờ là Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Puối A. Là người có uy tín nên hàng năm ông thường phối hợp với chính quyền địa phương tham gia giải quyết thành công gần 20 vụ việc mâu thuẫn ở cơ sở, góp phần gìn giữ bình yên, xây dựng khối đoàn kết trong làng. Những vụ việc được ông tham gia hòa giải chủ yếu xoay quanh các vấn đề về tranh chấp đất đai, mâu thuẫn gia đình, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, thanh niên vi phạm an toàn giao thông. “Gần 100% hộ dân trong làng đều là người Jrai và họ rất quý cái tình, cái nghĩa. Vì vậy, khi hòa giải bất cứ vụ việc gì, tôi đều dựa vào tình cảm con người để phân tích và vận động các hộ nhằm đi đến một thỏa thuận hợp lý nhất. Trong trường hợp các hộ không đồng tình, tôi phải dựa vào các quy định của pháp luật và hương ước, quy ước của làng để phân tích cho họ hiểu. Hầu hết các vụ việc đều được giải quyết thành công”-ông Gôk chia sẻ kinh nghiệm.

Xã Ia Le là địa phương khá phức tạp về an ninh chính trị nên ông Gôk cũng thường xuyên đến các hộ gia đình để nắm bắt tư tưởng cũng như vận động người dân chăm chỉ làm ăn, không nghe theo kẻ xấu xúi giục vượt biên. Ông cũng gần gũi, quan tâm, giúp đỡ để các đối tượng vượt biên trở về địa phương hòa nhập cộng đồng. Điển hình là ông đã hỗ trợ anh Siu Bêh (đối tượng vượt biên trở về địa phương sinh sống từ năm 2015) về gạo và kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi. “Trước đây, vì thiếu hiểu biết nên mình đã nghe theo kẻ xấu vượt biên. Biết sai nên khi trở về quê mình rất xấu hổ trước dân làng. Được ông Gôk và dân làng động viên, quan tâm, mình đã vượt qua được mặc cảm của bản thân để hòa nhập cùng cộng đồng, chăm lo làm ăn phát triển kinh tế. Hiện nay, gia đình mình đang canh tác 2 ha bắp và hồ tiêu, mỗi năm trừ chi phí cũng lãi 50 triệu đồng. Nhờ nguồn thu này, mình đã xây được nhà ở kiên cố”-anh Bêh cho biết.

NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm