Tây Nguyên mùa mưa ảo hoá khôn lường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tây Nguyên đang vào giữa mùa mưa. Mùa mưa Tây Nguyên có nhiều cái để nói, đặc biệt là khí hậu và màu sắc ảo hóa khôn lường.
Không phải ngẫu nhiên mà các bản tin dự báo thời tiết đã chia Tây Nguyên thành một khu vực thời tiết riêng trong số 7 vùng trên cả nước, dù chiếu theo vĩ độ thì Tây Nguyên nằm gọn trong khu vực Nam Trung bộ. Là bởi vào mùa này, bao giờ nhiệt độ khu vực Tây Nguyên cũng thấp hơn 6 khu vực kia từ 1 đến 3 độ C. Do thế, nhiều người cho rằng, nếu muốn có chuyến nghỉ mát đúng nghĩa thì người dân các nơi nên tìm đến Tây Nguyên, còn người Tây Nguyên muốn… kiếm cái nóng mùa hè thì đi nơi khác!
Sắc xanh trùng trùng trên đèo Lò Xo (tỉnh Kon Tum). Ảnh: Internet
Sắc xanh trùng trùng trên đèo Lò Xo (tỉnh Kon Tum). Ảnh: Internet
Thật vậy, chỉ nói riêng khu vực Bắc Tây Nguyên, vào mùa này, nếu đi từ hướng Bắc là Quảng Nam, qua đèo Lò Xo; nếu đi từ hướng Đông Bắc là Quảng Ngãi, đến đỉnh đèo Viôlắc; nếu đi từ hướng Đông là Bình Định, chinh phục đèo An Khê và đèo Mang Yang; nếu đi từ hướng Đông Nam là Phú Yên, vượt đèo Tô Na, đèo Chư Sê… thì chắc chắn du khách sẽ có ngay cảm nhận bớt bị hun nóng đến vài ba độ C! Riêng các tỉnh Nam Tây Nguyên nhiệt độ có cao hơn chút ít, vì càng về Nam tức về phía xích đạo thì nhiệt độ càng tăng (trừ Đà Lạt). Đấy là nói lúc cao điểm nóng ban trưa, chứ sớm mai và chiều tối thì thời tiết còn mát mẻ hơn nhiều, không phải chịu cảnh oi bức cả ngày lẫn đêm như các nơi khác.
Du khách ở đầu Bắc hay đầu Nam Tổ quốc có dịp đến Tây Nguyên vào mùa này đều không giấu nổi sự ngạc nhiên và thích thú với khí hậu tuyệt vời nơi đây. Ngay cả những người ở khu vực Duyên hải miền Trung kế cận thôi, sau khi vượt dốc đèo lên với Tây Nguyên vào mùa này cũng phải “tâm phục khẩu phục” cái khí hậu biết chiều lòng người của núi rừng Trường Sơn. Thế nên người Bắc Tây Nguyên đi đâu cũng thấy nóng.
Núi rừng Trường Sơn nơi đây không chỉ là “chiếc máy điều hòa” nhiệt độ tự nhiên vĩ đại mà còn là một bức tranh phô diễn nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật sắc màu của đủ các trường phái hội họa: hiện thực có, siêu thực có, ấn tượng có… Chỉ nói về một màu xanh thôi, có lẽ cũng đã không đủ tính từ, hình dung từ, tu từ… để miêu tả và diễn đạt! Khi đất đai no đủ lượng nước mưa, cỏ cây đua nhau khoe màu diệp lục của mình phủ tràn mặt đất thì ở Tây Nguyên các màu xanh luôn được thiên nhiên pha trộn, biến thiên trong một sắc xanh nhất thể.
Đầu tiên, ập vào mắt khách đi đường là những đỉnh núi cao vòi vọi với trùng trùng rừng nguyên sinh hùng vĩ phủ sắc xanh thẫm đậm. Nếu ánh mắt bắt gặp những vạt rừng tái sinh, thứ sinh thì đó là một sắc xanh sáng nhạt. Những vạt nương rẫy vừa vào mùa vụ lại mang sắc xanh non mởn của lúa, bắp, đậu, mía… Nhìn vào những khuôn vườn nhà, ấy là một sắc xanh tươi mới, cái màu ngà sáng, cái ngả màu non tía. Màu nào cũng ngồn ngộn sức sống non tơ.
Đặc biệt, đi trên các trục quốc lộ, tỉnh lộ… khách bộ hành sẽ gặp nhiều ngạc nhiên hơn. Ở đây có một màu xanh “độc đáo” mà có lẽ ít người để ý. Ấy là nơi những viền nhựa đường, những đá tảng đá hòn ven đường cũng đã… lên xanh! Thật vậy, hai bên vệ đường, ngoài cỏ dại xanh rì tràn lấn, người tinh mắt còn thấy điểm xuyết cái màu xanh lục của rêu. Lớp bụi đường hất dạt suốt mùa khô dồn tụ vào mép nhựa đường, ăn khắn trên mặt đá tảng, đá hòn lăn lóc ven đường lâu ngày đóng thành rêu xám mốc, nay no nước mưa, chuyển ra màu xanh rêu thâm thẫm.
Xen giữa màu xanh chủ đạo còn nhiều màu sắc khác, khó nói hết, chỉ xin nói thêm về một màu “đối trọng” với xanh là đỏ. Màu đỏ ở Tây Nguyên mùa mưa có 3 loại đặc trưng: đỏ của cây rừng, đỏ của đất và đỏ của nước. Ở   miệt Đông Bắc (Đông huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum và Bắc huyện Kbang, tỉnh Gia Lai), vào đầu mùa mưa, khách đi đường thỉnh thoảng bắt gặp nổi lên giữa ngàn xanh những tán cây tuyền một màu đỏ ối, kể cả lá già lẫn lá non. Đó là cây “trâng” (“loang lâng” theo cách gọi của đồng bào Ka Dong, H’Rê, Mơ Nâm, Bahnar… tại chỗ). Đây là “cây báo mùa vụ”, vì theo kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp của bà con, khi thấy loài cây này “phụt” lên một màu đỏ nõn như thắp lửa giữa ngàn xanh là biết mùa mưa đã tới, tức bắt đầu vào vụ mùa mới.
Về màu đỏ của đất, mùa khô, đất đỏ một màu gạch non bợt bạt, khô khốc. Thế nhưng vào mùa mưa thì đất ngả đỏ màu bã trầu bầm thẫm, cứ dính bệt vào giày dép như níu bước chân người! Rồi còn màu nước đỏ nữa. Nước mùa khô ở các suối sông thường trong xanh êm mát, nhưng đến mùa mưa lũ thì các con khe thành suối, các con suối thành sông… Nước các suối sông ngầu lên một màu đỏ đục. Màu đỏ từ phù sa bào mòn vách núi, dốc đồi, ập về theo dòng lũ xiết. Người rành chuyện bảo rằng trước kia ít gặp màu nước đỏ, vì rừng núi còn nguyên sinh, độ che phủ còn cao; ngày nay thậm chí chưa mưa lũ cũng đã đỏ, bởi núi trọc đồi trơ quá nhiều, không còn gì để chắn lọc nữa. Có phải thế không, mỗi người tự biết!
Phải chăng chính từ những sắc xanh sắc đỏ ấy đã dồn tụ lại để đến cuối mùa mưa làm bật ra, bừng lên một sắc vàng kiêu sa hoang dã của hoa dã quỳ rưng rức giữa bát ngát thảo nguyên?
Thế đấy, mùa này đến Tây Nguyên, chịu khó loanh quanh trên các cung đường xa phố thị, đưa mắt nhìn bao quát đất trời, sẽ thấy núi rừng không chỉ một màu xanh điệp mà còn là một bức thảm được khảm khắc lẫn chen nhiều mảng, nhiều màu khó bút nào tả xiết.
Tạ Văn Sỹ

Có thể bạn quan tâm