Puih Hnin: Ông giáo già mẫu mực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Dù đã nghỉ hưu nhưng ông Puih Hnin vẫn gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế và tham gia các phong trào, trong đó có việc hiến đất làm đường, góp phần xây dựng làng Jut 2 trở thành làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số”-ông Siu Núi-Trưởng thôn Jut 2 (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) nhận xét.

Cách đây 7 năm, khi đang là giáo viên dạy Toán ở Trường THCS Trần Phú (xã Ia Dêr), ông Puih Hnin quyết định xin nghỉ hưu sớm. Chia sẻ về quyết định này, ông Hnin bộc bạch: “Tính đến thời điểm nghỉ hưu, mình đã gắn bó với nghề dạy học 26 năm. Thấy bản thân không theo kịp xu thế mới nên mình xin nghỉ để nhường cơ hội lại cho những người trẻ, năng động và được đào tạo bài bản. Hơn thế, mình cũng muốn dành thời gian để chăm sóc ruộng vườn”. Dù hiểu rất rõ rằng muốn phát triển kinh tế, làm giàu ở tuổi 50 là điều không hề dễ dàng, song ông vẫn muốn thử sức.


 

Ông Puih Hnin bên vườn cà phê của gia đình. Ảnh: P.D
Ông Puih Hnin bên vườn cà phê của gia đình. Ảnh: P.D

Ông Hnin cho biết, trừ hơn 5 sào cà phê đã trồng trước đó, vợ chồng ông còn sở hữu 8 sào đất trồng lúa, hơn 4 ha đất trống ở nhiều khu vực khác nhau và 3 con bò. Hơn 5 sào đất trồng cà phê là “của hồi môn” cha mẹ chia cho vợ chồng ông khi mới cưới. Sau đó, ông bà dành dụm, tích góp từ lương, từ tiền nuôi heo, nuôi gà để đầu tư trồng cà phê. Khi vườn cà phê bắt đầu cho thu hoạch, ông dùng tiền bán cà phê để mua thêm đất. Ông Hnin chia sẻ thêm: “Nhìn đất đai bỏ trống nhiều năm, mình cũng tiếc. Sau khi nghỉ hưu, mình muốn trồng hết cây cà phê, cây ăn quả nhưng sợ không đủ sức đầu tư, chăm sóc nên chỉ trồng hơn 2 ha cà phê”. Với kinh nghiệm trồng cà phê trước đó, cộng với sự hỗ trợ kỹ thuật từ cậu con trai đã tốt nghiệp Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, vườn cây của gia đình ông luôn phát triển xanh tốt. Năm 2019, ông mạnh dạn chuyển đổi hơn 5 sào cà phê già cỗi sang trồng cây ăn quả gồm bơ, sầu riêng, mít. “Hiện tại, vườn cây ăn quả đang phát triển tốt, hy vọng vài năm sau sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao”-ông Hnin bày tỏ.

Riêng diện tích đất trồng lúa, vì không có lao động nên vợ chồng ông chỉ canh tác 4 sào ở cánh đồng Ia Cho cách nhà chừng 3 km. 4 sào còn lại ở 2 khu vực khác nhau, vợ chồng ông cho họ hàng, người thân sử dụng để canh tác. “Mỗi năm gia đình mình thu hoạch khoảng 30-40 bao lúa, đủ gạo ăn quanh năm”-ông Hnin cho hay. Khi hỏi về thu nhập hiện tại của gia đình, ông Hnin khiêm tốn: “Trước đây, bình quân mỗi năm gia đình mình thu gần 300 triệu đồng nhưng năm vừa rồi, mình chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi sang trồng cây ăn quả và chia bớt 1 ha cà phê cho vợ chồng con trai lớn nên chỉ còn ít thôi!”.

Theo Trưởng thôn Jut 2, ông Hnin không chỉ mạnh dạn trong việc phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà còn gương mẫu đi đầu trong các phong trào tại địa phương. Điển hình, năm 2018, khi làng Jut 2 được UBND xã Ia Dêr chọn xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số, ông Hnin đã tự nguyện hiến đất mở rộng trục đường thôn và vận động người dân trong thôn cùng làm theo. Dẫn chúng tôi ra đoạn đường ngay phía trước nhà, ông Hnin cho hay: Con đường này lúc trước hoàn toàn là đường đất, chỉ rộng chừng 4 m. Không có rãnh thoát nước nên vào mùa mưa, đường lầy lội, trơn trượt, bà con rất ngại qua lại mà thường chọn đi đường vòng. Sau khi họp thôn, hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, ông đã tự nguyện di dời hàng rào kẽm gai của gia đình vào sâu bên trong sân 1 m, dài 50 m để làm đường. Đồng thời, ông cũng tích cực vận động người dân trong làng quan tâm nhiều hơn đến việc học tập của con em mình, giữ gìn vệ sinh các trục đường làng; xây dựng, di dời chuồng trại chăn nuôi ra sau nhà để đảm bảo vệ sinh; thu gom, xử lý rác thải theo quy định... “Giá đất đang lên, ông hiến vậy có tiếc không?”. Trả lời cho câu hỏi ấy, ông giáo già cười hiền: “Không tiếc đâu! Có đường sạch đẹp, mình đi được, bà con đi được là mừng rồi!”.

Phương Dung

Có thể bạn quan tâm