Tầm vóc to lớn của chiến thắng Đak Pơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sự ghi nhận trong các cuốn sách lưu hành nội bộ; xây dựng Đền tưởng niệm liệt sĩ và Tượng đài Chiến thắng Đak Pơ, sau được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia; phong tặng Trung đoàn 96 và truy tặng Thượng tướng Nguyễn Minh Châu danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân… cho thấy Đảng, Nhà nước và nhân dân đã đánh giá đúng với tầm quan trọng của chiến thắng này.

Chiến trường Gia Lai trước trận đánh

Sau 8 năm tiến hành chiến tranh ở Đông Dương, quân Pháp bị sa lầy trong một cuộc chiến không có lối thoát và suy yếu nghiêm trọng. Tháng 5-1953, Chính phủ Pháp cử tướng Nava sang làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương và triển khai kế hoạch quân sự  Nava. Cuối năm 1953, Pháp chuẩn bị mở cuộc hành quân Át Lăng đánh chiếm vùng tự do Liên khu 5.


 

Chụp hình lưu niệm trước Đền tưởng niệm. Ảnh: Lệ Hằng
Chụp hình lưu niệm trước Đền tưởng niệm. Ảnh: Lệ Hằng

Sau năm 1953, trước những thắng lợi lớn của chiến trường, tạo sự phấn khởi trong nhân dân, sự cai trị của địch bị thu hẹp, nhân dân đẩy mạnh sản xuất, khắc phục thiên tai, cải tiến sản xuất làm giảm nạn đói, cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết cho bộ đội. Mô hình vòng đổi công trong nhân dân đã đem lại hiệu quả như các “Sakang” ở Đak Pớt vừa có mục đích kinh tế, vừa mang tính chính trị thể hiện tình đoàn kết yêu thương lẫn nhau.

Để đánh bại kế hoạch Nava ngay tại chiến trường Liên khu 5, ngày 27-11-1953, Tổng Quân ủy báo cáo trình Bộ Chính trị Trung ương Đảng và đề ra phương châm chiến lược của Liên khu 5 là: “Tích cực và mạnh bạo phát triển vào Tây Nguyên, trước hết là ở phía Bắc”. Với việc phát triển vào Tây Nguyên giành thắng lợi to lớn ở Kon Tum, Trung ương đánh giá “Liên khu 5 đã thành công vượt mức”. Lần đầu tiên ta giải phóng được một vùng rộng lớn trên chiến trường Tây Nguyên.

“Điện Biên Phủ của Khu V”

Sau ngày tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt (7-5-1954), lực lượng quân Pháp ở Đông Dương còn đông, nhưng tinh thần nhanh chóng bị suy sụp. Quân Pháp ở Đông Dương thực hiện co cụm chiến lược nhằm bảo toàn lực lượng, chờ kết quả đàm phán tại Genève. Ở Tây Nguyên, quân Pháp rút khỏi các đồn nhỏ lẻ co cụm lực lượng về các thị xã, thị trấn, hình thành từng khu vực phòng ngự như An Khê, Pleiku, Buôn Ma Thuột.

Quán triệt tinh thần chủ động tiến công địch, phối hợp giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao của Trung ương Đảng và Chính phủ, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 96 và 2 đại đội của Trung đoàn 120 cùng bộ đội địa phương An Khê, Đak Pớt, Tân An đánh địch trên đường 19 đoạn từ Pleiku đến An Khê, đồng thời sẵn sàng chặn đánh khi chúng tháo chạy khỏi An Khê về Pleiku. Từ sáng sớm 24-6-1954, lực lượng của địch ở An Khê gồm Binh đoàn cơ động 100 lặng lẽ rút quân, theo đường số 19 về Pleiku. Trưa 24-6, khi bộ phận đi đầu của địch vượt qua cầu Đak Pơ, Trung đoàn trưởng ra lệnh nổ súng. Trận đánh tiếp diễn ác liệt, kéo dài suốt chiều, qua đêm và đến trưa 25-6 mới kết thúc. Kết quả trận đánh, ta đã xóa tên cả một binh đoàn cơ động thuộc loại mạnh nhất từ chiến trường Triều Tiên mới điều sang, cùng với lực lượng chiếm đóng An Khê.

Trước sức tấn công mạnh mẽ của quân và dân ta, đầu tháng 7-1954, địch phải rút quân, tháo chạy khỏi nhiều nơi ở Bắc bộ, Tây Nguyên và Nam bộ. Sau chiến thắng Đak Pơ, quân ta tiếp tục bao vây, chuẩn bị giải phóng Cheo Reo (Phú Bổn). Ngày 17-7, quân Pháp bỏ Pleiku tháo chạy và bị quân ta tiêu diệt ở Chư Drek. Cùng lúc quân ta cũng áp sát đánh vào Buôn Ma Thuột... Và chỉ 3 ngày sau khi quân địch rút bỏ Pleiku, ngày 20-7-1954, thực dân Pháp phải hạ bút ký Hiệp định Genève, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Ý nghĩa to lớn của chiến thắng Đak Pơ

Chiến thắng Đak Pơ diễn ra trong khi Hội nghị Genève đang trong lúc giằng co quyết liệt, quân Pháp vẫn ngoan cố thực hiện co cụm chiến lược nhằm bảo vệ lực lượng, giằng co kéo dài cuộc chiến, cố ép ta ký Hiệp định Genève với các điều khoản có lợi cho chúng. Trước ngày 24-6-1954, quân Pháp gấp rút chuẩn bị đưa thêm 3 sư đoàn cùng nhiều vũ khí trang bị hiện đại sang chiến trường Việt Nam. Ngày 25-6, Pháp đề nghị với ta lấy vĩ tuyến 18 làm điểm phân chia tạm thời. Ngày 28-6, ta công bố việc phân chia tạm thời phải được thực hiện ở vĩ tuyến 13. Nhưng phía Pháp vẫn giữ những đề nghị của họ và cuộc đàm phán một lần nữa lại giậm chân tại chỗ.

Nhưng khi tin Binh đoàn cơ động 100 bị tiêu diệt bay tới Genève, phía Pháp hết sức sửng sốt vì một binh đoàn cơ động tinh nhuệ bị xóa sổ bởi một trung đoàn của Quân đội Việt Nam. Chiến thắng Đak Pơ đã buộc Pháp không dám mạo hiểm thực hiện được ý đồ bổ sung quân vào Việt Nam. Có thể khẳng định không có chiến thắng Đak Pơ thì Hội nghị Genève còn bế tắc, cuộc chiến còn kéo dài, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta còn phải hy sinh, đổ máu.

Với chiến thắng này, ta buộc phái đoàn của Pháp phải đàm phán một cách nghiêm chỉnh, để tiến tới việc ký kết các hiệp định đình chỉ chiến sự trên toàn Đông Dương, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Có thể nói, chiến thắng Đak Pơ đã đạt được thắng lợi trọn vẹn cả về quân sự và chính trị.

 

TS.Ngô Minh Hiệp

Có thể bạn quan tâm