Học tennis để… rèn tiếng Anh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mô hình giáo dục khá độc đáo khi kết hợp dạy chơi tennis và tiếng Anh của ông Nguyễn Đình Thọ (68 tuổi, trú tại 82 Hùng Vương, TP. Pleiku) được nhiều học sinh, phụ huynh đánh giá cao nhờ khả năng ứng dụng thực tiễn.
Ông Nguyễn Đình Thọ huấn luyện các cháu nhỏ làm quen với môn tennis. Ảnh: Lê Hòa
Ông Nguyễn Đình Thọ huấn luyện các cháu nhỏ làm quen với môn tennis. Ảnh: Lê Hòa
Thầy giáo... bất đắc dĩ 
Ông Thọ không dám nhận mình là thầy giáo, mặc dù từng có thời gian tham gia giảng dạy tại Trường cấp III Pleiku vào những năm sau 1975. Là người mê khám phá những vùng đất mới, yêu thích những chuyến đi và nhờ nói được cả tiếng Anh, tiếng Pháp nên ông Thọ từng đặt chân đến gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới như: Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Thậm chí, có nơi ông sinh sống, gắn bó một thời gian nhất định. Trên hành trình đó, ông được tiếp xúc và đặc biệt ấn tượng với cách giáo dục của người Đức. “Người Đức nổi tiếng về sự hoàn hảo, cầu toàn. Tuy nhiên, quan điểm giáo dục của họ lại rất thoải mái. Các bậc cha mẹ người Đức luôn đề cao tính độc lập của con trong việc học tập và rất ít khi gò ép hay áp đặt cho con một khuôn khổ nào đó trong cuộc sống. Cái họ cần ở con là tính tự chủ về nhận thức để trưởng thành”-ông Thọ chia sẻ.
Yêu thích và gắn bó với môn tennis, lại có vốn ngoại ngữ tốt, ông Thọ muốn truyền dạy những khả năng này cho chính con cháu của mình. “Học trò” ban đầu của ông Thọ chính là những đứa cháu trong nhà. “Hoàng là đứa tôi tâm đắc và hài lòng nhất”-ông Thọ chỉ về đứa cháu ngoại của mình để giới thiệu. Ngay từ lúc 3 tuổi, Nguyễn Trọng Hoàng (lớp 12C3, Trường THPT chuyên Hùng Vương) đã được ông ngoại dạy tiếng Anh và chơi tennis. Trong suốt quá trình trao đổi, chuyện trò, ông Thọ thường yêu cầu các cháu phải nói với mình bằng tiếng Anh. Chính cách tạo ra môi trường trao đổi thực tế và thông dụng đã giúp cho việc học tiếng Anh trở nên nhẹ nhàng. “Hoàng rất ít phải đi học thêm nhưng cháu là thủ khoa đầu vào chuyên Tiếng Anh của Trường THPT chuyên Hùng Vương năm học 2016-2017. Hoàng còn đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và quốc gia: giải nhất Tiếng Anh cấp tỉnh, huy chương vàng môn Tiếng Anh cấp quốc gia năm học lớp 9, huy chương đồng môn Tiếng Anh tại kỳ thi Olympic 30-4 khu vực phía Nam… Ở lĩnh vực thể thao, Hoàng từng đạt huy chương đồng tennis trẻ toàn quốc năm 2016-một trong những thành tích cao nhất của tennis tỉnh ta đến thời điểm này”-ông Thọ không giấu niềm tự hào khi nói về người cháu ngoại của mình.
Từ việc huấn luyện thành công cho con cháu trong gia đình, những người thân quen đã nhờ cậy ông đứng ra nhận con em họ làm học trò. Từ đó, ông Thọ trở thành người thầy… bất đắc dĩ. “Tôi thấy mình lớn tuổi rồi, lại không được đào tạo nghiệp vụ sư phạm nên suy nghĩ rất nhiều về những lời đề nghị. Nhưng toàn chỗ thân quen, khó từ chối nên “lún sâu” lúc nào không biết. Sau hơn 3 năm gắn bó, nguồn vui của tôi bây giờ lại đến từ những đứa trò nhỏ mỗi ngày trên sân tennis”-ông Thọ cười, mắt lấp lánh niềm hạnh phúc.
“Nói được ngoại ngữ, đi đâu cũng là nhà” 
Học trò học tiếng Anh kết hợp đánh tennis của ông Thọ hầu hết từ 5 tuổi đến 15 tuổi. Hàng ngày, các em đến sân tennis tại địa chỉ 61 Quang Trung (TP. Pleiku) để học và tập luyện. Lịch học bắt đầu từ 8 giờ sáng, kết thúc vào 11 giờ trưa. Trong đó, từ 8 giờ đến 9 giờ 30 phút là thời gian học đánh tennis. Sau đó, tùy lựa chọn của số đông sẽ quyết định cả nhóm đi bơi hay sinh hoạt ngoại khóa tại Công viên Diên Hồng. Không chỉ học tiếng Anh và tập luyện tennis, các em còn được ông Thọ hỗ trợ rất nhiều về kỹ năng sống: học bơi, cách tạo ra sân chơi tập thể hay cách cư xử với mọi người…
Trong suốt buổi học, mọi giao tiếp đều thực hiện bằng tiếng Anh. “Trình độ giữa các cháu không đồng đều nên ngoại trừ những câu đơn giản, tôi đều nói trước bằng tiếng Anh, sau đó nhắc lại bằng tiếng Việt để các cháu hiểu và yêu cầu nói lại. Cách học này gọi là “học nói” và các cháu phải ứng dụng ngay trong giao tiếp”-ông Thọ nói.
Có một điều khá lạ là lớp học của ông Thọ ngày nào cũng mở nhưng các em không nhất thiết phải tuân theo một lịch học cố định. Ông lý giải: “Các cháu muốn sẽ tự đến lớp. Bởi khi thực sự yêu thích và bắt nhịp được, người lớn không cần phải nhắc nhở hay gò ép”. Việc tạo ra “cơ chế mở” đã khiến lớp học của ông Thọ chọn lọc được những em thực sự thích học và muốn gắn bó. “Những ngày đi học, 2 chị em cháu mỗi tuần 2 buổi đến học lớp tennis-tiếng Anh của ông Thọ. Còn dịp hè, ngày nào chị em cháu cũng đến đây. Chúng cháu thích được vừa học, vừa chơi với môi trường giao tiếp tiếng Anh như thế này. Ông Thọ cũng rất nghiêm khắc, khi chúng cháu sai hoặc học thiếu nghiêm túc, ông sẽ phạt bằng chạy bộ, hoặc bắt… nghỉ học một thời gian”-em Trần Minh Vy (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi) kể.
Là một trong những phụ huynh cho con theo học ông Thọ, chị Huỳnh Minh Hải cho biết: “Tôi đưa con đến đây để cháu tự tin hơn trong việc dùng tiếng Anh khi giao tiếp. Hơn nữa, tôi không thích con làm bạn với điện thoại, ipad hay ti vi, nhất là trong những ngày nghỉ hè như thế này”.
Sắp tới, ông Thọ sẽ đưa một số cháu tham gia một tour du lịch tại Thái Lan-Malaysia-Singapore để các cháu được có cơ hội giao tiếp tiếng Anh quốc tế. “Từ chính bản thân tôi rút ra, có tiếng Anh thì đi đến nơi đâu cũng là nhà bởi mình có thể giao tiếp, chia sẻ với mọi người trên khắp thế giới. Tôi thường xuyên nhắc nhở con cháu mình như thế. Tiếng Anh là chìa khóa cho các bạn nếu muốn vượt xa tầm biên giới quốc gia”-ông Thọ chia sẻ quan điểm.
Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm