Đắk Lắk: Tường trình từ thôn...nhảy dù, "tự phong" thôn trưởng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ năm 2012, nhiều người dân đã đến Tiểu khu 280, 286 thuộc xã Cư M’lan, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk mua bán đất rừng, dựng lán, sau đó “lên đời” thành nhà ở lợp tôn, thưng ván gỗ, hình thành khu dân cư tương đối đông. Họ “tự phong” tên thôn và thôn trưởng.
Chúng tôi vào nhà ông Lầu A Pháo để tìm hiểu cuộc sống hiện tại của gia đình ông và bà con như thế nào. Ông Pháo thật thà kể lại cuộc “hành quân” đi tìm vùng đất mới: “Trước đây, nhà tao ở Mường La, Sơn La. Nghe một người bạn rủ, tao bán trâu, bán rẫy, đưa vợ con vào đây luôn. 5 hộ hùn tiền mua một khoảnh đất rừng hơn 100 triệu đồng, chỉ một người đứng tên viết giấy mua bán với chủ đất cũ. Thế rồi, mùa khô kéo dài 6 tháng không có nước để trồng trọt và sinh hoạt, đất cằn cỗi chẳng trồng được cây gì, cả 5 hộ đều phải tỏa đi làm thuê khắp nơi kiếm tiền đong gạo ăn qua ngày. Có cái ăn thì mới ra rẫy đào gốc cây, cải tạo đất được. Nghèo kiết xác mà hằng ngày vẫn phải bỏ tiền đi mua nước đóng bình uống, hết cách rồi”.
Ông Thào Xeo Xẻng, dân tộc Mông, thôn trưởng “tự phong” ở “thôn nhảy dù” xã Cư M’lan, huyện Ea Súp. Ảnh: Hải Luận.
Chưa hợp pháp
Toàn bộ diện tích đất rừng ở vùng này trước đây được UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho Công ty Thái Bình Phát quản lý, bảo vệ. Suốt thời gian dài, công ty này buông lỏng quản lý, để các đối tượng ở xã Cư M’lan và người dân tộc thiểu số ở các buôn của thị trấn Ea Súp vào khai hoang, lấn chiếm và sang nhượng trái phép cho những người di cư tự phát.
Ngày 23-7-2017, UBND tỉnh Đắk Lắk có Quyết định số 397/QĐ thu hồi 741ha. Dù quyết định thu hồi đất đã ban hành, nhưng việc mua bán đất rừng chuyển thành đất ở và đất sản xuất ở đây vẫn diễn ra rầm rộ. “Mình biết mua đất và làm nhà ở đây là chưa hợp pháp cho lắm” – Ông Pháo thừa nhận việc làm của mình.
- Vì sao đồng bào biết chưa hợp pháp mà còn “nhảy” vô? – Tôi hỏi lại.
- Cứ nghe người này “đồn” qua người kia là mua đất vùng này được ở lâu dài. Mua đất rồi mới biết vùng này còn là vùng đệm của Vườn quốc gia Yok Đôn, bên kia đường là vườn quốc gia, không ai được xâm phạm.
Cơ quan chức năng đã thu được 48 giấy tờ viết tay có nội dung sang nhượng, mua bán đất rừng, với diện tích 182ha, trị giá 5,5 tỉ đồng. Theo thống kê tháng 1-2019 của UBND xã Cư M’lan, dân ở “thôn nhảy dù”có tổng cộng 163 hộ, với 997 nhân khẩu, dân tộc Mông chiếm đa số. Ngày 6-3-2018, ông Thào Xeo Xẻng, thôn trưởng “tự phong” cho biết, cả vùng này có 220 hộ, với trên 1.000 nhân khẩu. Quan sát tại hiện trường, tôi thấy đa số họ đã làm nhà theo kiểu truyền thống của đồng bào dân tộc và nhà nền đất, mái lợp tôn, thưng ván xung quanh, nhiều hộ còn sắm cả giàn cấp điện từ năng lượng mặt trời. Chỉ còn vài hộ vẫn còn lợp mái bằng bạt ni lông.          
Ông Xẻng tâm sự:
- Khi dân cư ở đông quá rồi, nhiều người trong thôn nhóm họp lại tự đặt tên là thôn Bình An và bầu thôn trưởng để đại diện đứng ra “nói chuyện” với chính quyền.
- Chính quyền đã công nhận anh là thôn trưởng chưa?
- Hôm đó, có 5 người được bà con đưa vào danh sách bầu thôn trưởng. Bầu xong, tôi có số hạt ngô cao nhất (để 5 cái ly, tương ứng cho 5 người, bà con dùng hạt ngô để thay cho phiếu bầu) nên làm thôn trưởng. Tôi đã 2 lần gửi đơn ra UBND xã xin thành lập thôn, xây trường học. Xã trả lời là dân chúng tôi đang ở bất hợp pháp, không đề nghị lên trên thành lập thôn được.
Ông Nguyễn Xuân Hà, Chủ tịch UBND xã Cư M’lan, xác nhận: “Đúng là ông Xẻng đã 2 lần đến UBND xã gửi đơn xin thành lập thôn Bình An và xin mở trường, mở lớp. Xã đã phân tích cho ông Xẻng nghe về việc mua bán đất rừng trái phép. Huyện và tỉnh không quy hoạch vùng dân cư ở đó, các hộ “tự phong” thôn và thôn trưởng thôi”.
- Đây là lý do để xã không cấp giấy khai sinh cho hàng chục đứa trẻ mới sinh? – Tôi đặt vấn đề.
- Căn cứ vào quy định của pháp luật, muốn cấp giấy khai sinh cho con, bố mẹ phải có giấy chứng nhận kết hôn, có sổ hộ khẩu. Thôn còn chưa có lấy cái gì mà cấp. Trước đây, có nhiều hộ đưa các cháu ra xã xin học mầm non, tiểu học, chúng tôi không cho học. Sau đó, Chủ tịch UBND huyện bảo: “Các cháu có tội gì đâu, đi học là quyền cơ bản của trẻ em”.
- Sự việc diễn ra từ năm 2012 đến nay, tại sao UBND xã Cư M’lan không xử lý cương quyết ngay khi mới có mấy hộ đến ở? Bây giờ họ làm nhà, sống thành làng rồi thì tính sao?
- Đây là vấn đề lịch sử để lại. Chúng tôi đang đề nghị trên di dời toàn bộ số dân này đi nơi khác.
Cấm chuyển đất rừng sang mục đích khác
Trước đó, các hộ dân này từ các tỉnh biên giới phía Bắc và Tây Bắc di cư vào ở các huyện khác trong tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Bắt đầu năm 2012, họ mới chuyển sang mua đất rừng tại xã Cư M’lan, số này chiếm khoảng 60%. Số còn lại họ “đi thẳng” từ phía Bắc vào đây và đang gặp vô vàn khó khăn trong việc tạo lập cuộc sống mới.
Ông Lầu A Dơ, từ huyện Mường La, Sơn La, năm 2017 bán 2 con trâu, rẫy, cùng vợ và 3 đứa con theo xe vào đây lập nghiệp. Gia đình ông vẫn ở trong căn nhà lợp bạt. Hằng ngày, hai vợ chồng đi làm thuê ở huyện khác để kiếm kế sinh nhai. “6 tháng mùa khô không trồng trỉa được cây gì, nhiều hôm phải ăn sắn thay cơm. Có cơm thì không có thức ăn, đổ nước lạnh vào chén cơm cho dễ nuốt lúc trời nóng như đổ lửa” – Ông Dơ chốt lại câu chuyện.
Hơn 200 hộ dân này đang là một áp lực rất lớn đối với Vườn quốc gia Yok Đôn. Ông Phạm Tuấn Linh, Phó Giám đốc phụ trách Vườn quốc gia Yok Đôn bức xúc: “Nói về “lý” thì toàn bộ đất dọc theo Quốc lộ 29 là đất rừng. Một bên là vùng bảo vệ nghiêm ngặt của vườn quốc gia, một bên là vùng đệm của vườn.
Người dân “thôn nhảy dù” ở xã Cư M’lan, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk đào gốc cây lấy đất sản xuất. Phía sau hàng cây là vùng lõi Vườn quốc gia Yok Đôn bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: Hải Luận
Nhà nước đã giao cho lâm trường và doanh nghiệp quản lý rừng vùng đệm, nhưng do quản lý không tốt, để người dân đến ở thành làng. Vườn quốc gia Yok Đôn đang phải đối mặt với một “đội quân” người dân tộc Mông được xếp vào bậc thầy về săn bắt thú rừng và khai thác các loại lâm sản. Khi có hơn 1.000 dân sống sát bên vùng lõi của vườn quốc gia thì không có lượng kiểm lâm nào mà “đứng giàn hàng ngang” ngăn chặn nổi họ tìm đường sống”.
Những thông tin chúng tôi có được, từ cấp xã, huyện, tỉnh và một số lãnh đạo Bộ đều thống nhất cần di dời hơn 1.000 nhân khẩu này đi chỗ khác sinh sống. Một lãnh đạo huyện Ea Súp tiết lộ: “Chúng tôi đã san ủi một diện tích lớn ở xã Ia Lơi, thuộc huyện Ea Súp để đưa bà con vào trong đó sinh sống lâu dài”.
Đại tá Phạm Quang Hùng, Tỉnh ủy viên, Chỉ huy trưởng BĐBP Đắk Lắk, đã theo dõi và nắm sự việc này ngay từ đầu, chia sẻ: “Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã vào làm việc với tỉnh Đắk Lắk, nêu quan điểm rất rõ ràng, phải sắp xếp, quy hoạch vùng dân ở, nhưng không phạm vào rừng, khu vực phòng thủ quân sự. Riêng về đất lâm nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã có lệnh cấm chuyển đổi từ đất rừng sang các mục đích khác”.
Vấn đề hơn 200 hộ dân người dân tộc di cư tự phát này đi hay ở, có lẽ một mình tỉnh Đắk Lắk khó giải quyết ổn thỏa mà phải cần đến chính sách và quyết định của Trung ương. Vùng “đất hứa” này dường như còn quá xa xăm với bà con đã rời quê hương bản quán ra đi?
Dân Việt/Theo Hải Luận (Báo Biên phòng)

Có thể bạn quan tâm