Cần mẫn sưu tập báo suốt 30 năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Suốt 30 năm qua, ông Hà Đức Thưởng (89 tuổi, làng Greo Pết, xã Dun, huyện Chư Sê) vẫn cần mẫn đọc sách báo, đồng thời sưu tập những bài báo hay, có nhiều thông tin hữu ích về photocopy, đóng thành tập để lưu giữ và tặng bạn bè.
Ông Hà Đức Thưởng. Ảnh: An Sinh
Ông Hà Đức Thưởng. Ảnh: An Sinh
Gặp ông Hà Đức Thưởng tại Thư viện huyện Chư Sê, tôi thực sự ấn tượng trước sự nhanh nhẹn, dẻo dai của một người ở tuổi 89, mái tóc bạc trắng, đi chiếc xe đạp cũ màu thời gian, trên rổ xe ở trước và sau xếp đầy báo mới photocopy về. Ông đang lật những tờ báo sắp xếp lại cho ngay ngắn, thấy tôi bắt chuyện, ông nở nụ cười thật tươi, chuyện trò cởi mở và mời tôi về nhà. Ông tiếp tôi trong ngôi nhà cấp 4, có khoảng sân rộng thoáng mát. Căn phòng ông ở, những chồng báo đã đóng thành tập lên đến vài trăm cuốn, trên bàn còn chất đầy những bài báo mà ông sưu tập được.
Ông vui vẻ kể chuyện: Ông quê gốc ở xã An Ninh, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam; vào Gia Lai năm 1979 làm giáo viên cấp II ở xã Pờ Tó, huyện Ayun Pa cũ (nay là xã Pờ Tó, huyện Ia Pa); đến năm 1990 nghỉ hưu. Năm 2004, ông và gia đình chuyển về huyện Chư Sê sinh sống.
Ngày ở quê, ông là cộng tác viên cho tờ báo tỉnh Nam Hà. Thích viết lách, ham đọc sách báo, rồi đam mê luôn việc sưu tập những bài viết trên các báo từ lúc nào không hay. Ông đọc hầu hết các số báo của địa phương mình và một vài tờ báo trung ương như: Nông nghiệp Việt Nam, Giáo dục-Thời đại, Người cao tuổi, Nhân dân… Khi chuyển vào Gia Lai sinh sống, ông bắt đầu sưu tập dày hơn. Bài nào ông cảm thấy thích, có lợi ích cho xã hội, có tầm nhìn về chiến lược kinh tế ở mỗi địa phương hoặc những bài mang nội dung về các bài thuốc và sức khỏe..., ông đều đọc kỹ và photocopy lưu lại. Ông còn chia ra từng chủ đề riêng như: kinh tế, văn hóa, lịch sử... để tiện cho việc tra cứu sau này, rồi đóng thành tập, cẩn thận ghi trang bìa từng thể loại.
Hiện nay, ông đã lưu trữ được gần 300 tập báo photocopy khổ A4, mỗi tập dày khoảng 200 trang. Đặc biệt, với một số bài báo hữu ích, ông photocopy thành nhiều bản rồi ép plastic, có bài in tới cả trăm bản, kẹp riêng thành tập để tặng bạn bè, người thân. Bên cạnh đó, khi có bạn đến thăm chơi và “tham quan” bộ sưu tập của mình, nếu bạn thích chủ đề nào ông đều photocopy để tặng. Có tập ông đã nhân ra 40 bản, mỗi tập vài trăm trang để tặng bạn bè. Đa phần là ông dùng tiền lương hưu của mình để thực hiện niềm đam mê này. 
Ông Thưởng chia sẻ thêm, trong những năm công tác, tại hư viện, báo chí chưa phong phú, ông phải đặt mua báo ở bưu điện hàng tuần, hàng ngày để tìm thông tin. Đến nay, ngày nào ông cũng đi xe đạp từ nhà đến Thư viện huyện Chư Sê gần 3 km để đọc báo. Sau đó chọn những bài tâm đắc mang ra tiệm photocopy mang về. Có khi, một ngày 2 lần ông đến thư viện huyện để tìm những số báo mới nhất vừa về đến. Riêng báo Gia Lai, ông được nhận báo theo chế độ nên đọc rất kỹ, không bỏ qua tin, bài nào. Những bài ông tâm đắc cũng được lưu giữ cẩn thận. Có lần ông đọc thấy những sai sót của các báo, ông mạnh dạn góp ý để quý báo chỉnh sửa, phục vụ bạn đọc tốt hơn. “Kho tàng tri thức là vô bờ, tìm hiểu để nâng cao chính mình. Sàng lọc, lưu trữ để mình xem lại khi cần và để con cháu mai sau có cái cần đọc. Đọc được một bài báo hay như gặp được người thầy giỏi. Vì vậy, đọc báo không bao giờ thừa”-ông Thưởng bày tỏ.
Với 89 tuổi đời, 55 tuổi Đảng, ông Thưởng đã cống hiến nhiều cho xã hội và được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Giáo dục cùng nhiều bằng khen, giấy khen cấp tỉnh, cấp huyện. Cùng với đó là niềm đam mê sưu tập những bài báo hữu ích chưa một ngày ngừng nghỉ. Người như ông, thật đáng trân quý.
Bà Nguyễn Thị Quyên-Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Chư Sê-nhận xét: “Từ khi Thư viện huyện Chư Sê mở cửa đã thấy ông Thưởng đến để đọc sách cùng với các bạn hưu trí của ông. Riêng ông, ngày nào cũng đến đều đặn, bất kể trời mưa gió, là bạn đọc thân thiết nhất của thư viện. Không những thế, ông còn tặng cho thư viện trên 30 tập báo, mỗi cuốn dày gần 200 trang mà ông sưu tầm tổng hợp được”.
An Sinh

Có thể bạn quan tâm

Nghề rèn của người Mạ

Nghề rèn của người Mạ

Đời sống của người Mạ luôn gắn với núi rừng, nương rẫy. Để đáp ứng nhu cầu đời sống, sản xuất, các nghề thủ công truyền thống ra đời, trong đó có nghề rèn.