Hợp tác xã ở Gia Lai chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh Gia Lai đã tích cực vận động thành lập hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và dịch vụ hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Bước đầu, một số HTX đã đi đúng hướng bằng những sản phẩm lợi thế của địa phương để cung cấp cho thị trường.    
Tìm cơ hội quảng bá sản phẩm
Theo thông tin từ Liên minh HTX tỉnh Gia Lai, tại Hội chợ Xúc tiến thương mại TP. Hồ Chí Minh do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức mới đây, Gia Lai có 10 HTX nông nghiệp và dịch vụ của các huyện Kbang, Mang Yang, Đak Đoa, Chư Pưh, Phú Thiện, Chư Prông, Ia Grai và thị xã An Khê tham gia trưng bày các sản phẩm như: gạo Phú Thiện, chanh dây, sầu riêng, mật ong, chuối sấy, sâm đương quy, sâm đá, nấm linh chi, tinh dầu sả, bơ, tinh bột nghệ, cà phê nhân xô, quần áo thổ cẩm, hạt mắc ca, rượu ghè... Đây đều là những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng do thành viên các HTX sản xuất.
Ông Trần Văn Công-Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOS (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) cho biết: “Hợp tác xã được thành lập vào tháng 6-2018 với 25 thành viên tham gia góp vốn điều lệ. Ngoài sản xuất các loại giống cây trồng chất lượng cao, HTX còn sản xuất nhiều sản phẩm như tinh dầu sả, tinh dầu bơ, tinh bột nghệ, tinh dầu hồ tiêu, hồ tiêu ngâm dấm, trà măng tây, bột ngũ cốc và mủ trôm. Hầu hết sản phẩm của HXT đều mới lạ, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Tại Hội chợ xúc tiến thương mại TP. Hồ Chí Minh, gian hàng của HTX đã thu hút trên 1.000 lượt khách ghé thăm và trên 50 đối tác có khả năng ký kết hợp tác bao tiêu sản phẩm. Đây là tiền đề quan trọng để kết nối cung-cầu và tìm đầu ra cho sản phẩm”.
 Vườn cây giống chất lượng cao của HTX Nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOS (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh).                     Ảnh: N.D
Vườn cây giống chất lượng cao của HTX Nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOS (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh). Ảnh: N.D
Tương tự, ông Trịnh Đình Hải-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Thảo Nguyên (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) cho hay Hợp tác xã cũng đã giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp, dược liệu được khoảng 20 triệu đồng. Theo ông Hải, đây là dịp giúp HTX quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của các thành viên đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Dù lượng sản phẩm bán ra không nhiều nhưng giúp HTX rút ra được một số kinh nghiệm về cách xây dựng mẫu mã, thương hiệu các mặt hàng trong thời gian tới.
Nỗ lực kết nối thị trường
Hầu hết các HTX trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện còn gặp khó khăn trong hoạt động cũng như thu hút người dân tham gia làm thành viên. Song, thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành, một số HTX đã từng bước tìm hướng đi mới phù hợp với điều kiện thực tế.
Là thành viên của HTX Nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOS, chị Nguyễn Thị Hương (thôn Khô Roa, xã Ia Rong) phấn khởi cho hay: “Lần đầu tiên các sản phẩm của HTX như: tinh dầu sả, tinh dầu bơ, tinh bột nghệ, mủ trôm… được quảng bá, giới thiệu tại TP. Hồ Chí Minh để nhiều người biết đến. Đây là điều rất đáng mừng. Nếu giá cả nông sản và đầu ra ổn định thì HTX sẽ thu mua sản phẩm của người dân, đồng thời liên kết với các HTX khác trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ”. Cũng theo chị Hương, hiện tại, gia đình chị đã kết nối cung cấp sản phẩm tinh bột nghệ cho 1 HTX ở An Giang.
Còn ông Trần Văn Công thì cho biết thêm, thời gian qua, được sự hỗ trợ của Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và PTNT II (Bộ Nông nghiệp và PTNT), HTX đang kết nối đầu vào và đầu ra với một số đơn vị như: Siêu thị Co.op Mart, Siêu thị Aeon và các chợ đầu mối ở Thủ Đức, Bình Điền và Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh). Ông Công mong muốn trong thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm, kết nạp thêm thành viên vào HTX; hỗ trợ HTX phát triển... Đặc biệt, HTX sẽ tham gia vào đề án chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Chư Pưh.
 NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm