Câu chuyện li kì về một người Pháp từng làm vua ở Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Câu chuyện li kì và hấp dẫn về một người Pháp từng làm vua ở Tây Nguyên vừa được nhà nghiên cứu Lê Nguyễn chia sẻ trong buổi giao lưu ra mắt sách Cuộc phiêu lưu của Marie Đệ nhất - Quốc vương xứ Sedang (NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành) tại Đường sách TPHCM sáng ngày 18-5 đã thu hút đông đảo bạn đọc với nhiều thành phần và lứa tuổi khác nhau.
"Cuộc phiêu lưu của Marie Đệ nhất - Quốc vương xứ Sedang" viết về câu chuyện của Marie David de Mayréna, tức Marie Đệ Nhất - một người Pháp từng làm vua ở Tây Nguyên; từng khuấy động xã hội Việt Nam và xã hội châu Âu vào những năm cuối thập niên 1880. Câu chuyện về cuộc đời “ba chìm bảy nổi” của Marie David de Mayréna và những vấn đề lịch sử xung quanh ông rất ít được nhắc tới trong sử sách. Ở Việt Nam, "Cuộc phiêu lưu của Marie Đệ nhất - Quốc vương xứ Sedang" được xem như cuốn sách đầu tiên về ông được xuất bản.
 
Nhà nghiên cứu Lê Nguyễn là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu lịch sử có giá trị. 
Theo chia sẻ của nhà nghiên cứu Lê Nguyễn, cách đây khoảng 2 năm, ông và lãnh đạo của NXB Tổng hợp TPHCM có một sự đồng cảm chung trong việc hình thành một tác phẩm về cuộc đời của Marie David de Mayréna, giúp các bạn trẻ có thể hiểu biết chút nào về văn hóa và lịch sử Tây Nguyên mà tới giờ phút này cũng có nhiều người chưa nắm vững.
“Bản thân câu chuyện một người Pháp làm vua ở Tây Nguyên đã hàm chứa trong đó rất nhiều điều thú vị và hấp dẫn. Sau năm 1975, một số ít độc giả cũng từng được đọc qua một số bài báo về Marie David de Mayréna nhưng chưa có thể hiểu thấu đáo về cuộc đời của nhân vật đặc biệt này”, nhà nghiên cứu Lê Nguyễn tiết lộ.
 
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đánh giá cao cuốn sách "Cuộc phiêu lưu của Marie Đệ nhất - Quốc vương xứ Sedang". 
Để có thể viết nên cuốn sách đặc biệt này, nhà nghiên cứu Lê Nguyễn chủ yếu dựa vào nguồn tư liệu từ Tập san Đô thành Hiếu cổ, ra đời vào những năm 1914-1944, mỗi năm ra 4 số. Đây là tạp chí có sức sống mạnh mẽ, mỗi số đăng rất nhiều những bài viết về lịch sử nhà Nguyễn. Đặc biệt, năm 1927, Tập san Đô thành Hiếu cổ dành hẳn 2 số để viết về câu chuyện người Pháp làm vua ở Tây Nguyên, mang đến nhiều chi tiết phong phú về mặt tư liệu.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Lê Nguyễn, để tìm một tư liệu nhất quán về cuộc đời của Marie David de Mayréna thì rất khó. Năm 1927, tác giả người Pháp là Maurice Soulié viết cuốn sách "Marie I ͤ ͬ Roi des Sedang" nhưng không được phát hành tại Việt Nam. Đây cũng chính là nguồn tư liệu thứ hai mà nhà nghiên cứu Lê Nguyễn sử dụng sau Tập san Đô thành Hiếu cổ.
“Một sự tình cờ, tôi phát hiện được cuốn sách này mà có thể nói là cuốn sách duy nhất hiện có ở Việt Nam từ thư viện của một giáo hội. Đối với người đọc Việt Nam phải mãi đến thập niên 1950, lúc đó mới biết câu chuyện về Marie David de Mayréna, bởi vì lúc bấy giờ không nhiều người có khả năng đọc bằng tiếng Pháp”, nhà nghiên cứu Lê Nguyễn cho biết.
 
Một độc giả trẻ đặt câu hỏi giao lưu
Tại cuộc giao lưu, nhà nghiên cứu Lê Nguyễn đã chia sẻ rất chi tiết về cuộc đời của một ông vua vốn là một kẻ sống đời lang bạt, ưa phiêu lưu, mạo hiểm; những hành vi giảo hoạt hay cái chết cô đơn của y…
Lý giải về việc người Pháp không sử dụng sức mạnh quân sự để chiếm Tây Nguyên như họ đã từng làm với Nam Kỳ mà phải đi một con đường vòng, thông qua việc Toàn quyền Đông Dương lệnh cho de Mayréna thành lập ở Tây Nguyên một vương quốc để qua đó mở đường cho người Pháp chiếm cứ vùng đất này; theo nhà nghiên cứu Lê Nguyễn, sẽ có nhiều ý kiến giải khác nhau đến từ những nhà nghiên cứu.
 
Đông đảo độc giả đã đến dự và lắng nghe những chia sẻ thú vị từ nhà nghiên cứu Lê Nguyễn
Ở khía cạnh cá nhân, nhà nghiên Lê Nguyễn cho biết: “Từ 1862 khi Pháp hợp thức hóa việc chiếm đóng Nam Kỳ bằng hòa ước ngày 5-6-1862; sau đó hòa ước Giáp Tuất 1874, Pháp đã bỏ ra nhiều công sức và thậm chí, ngay việc chiếm 3 tỉnh miền Tây của Nam Kỳ cũng là việc ngoài ý muốn của Chính quốc, đặc biệt là ngoài ý muốn của Bộ trưởng Bộ hải quân thuộc địa. Thời điểm đó, nước Pháp kiệt quệ về mặt tài chính, không muốn có một cuộc phiêu lưu mới gây cho mình một sự tốn kém thêm, không những về nhân lực mà cả về vật lực”.
Nhà nghiên cứu Lê Nguyễn nói thêm: “Thời điểm có có nhiều cuộc kháng chiến đã nổi lên theo lời kêu gọi của vua Hàm Nghi. Đối với vùng Tây Nguyên, không có gì để đe dọa đến an ninh nên người Pháp không muốn dùng vũ lực để chiếm đóng. Đối với người Pháp việc chinh phục Tây nguyên bằng biện pháp hòa hoãn, bằng phương thức hòa bình là điều hết sức quan trọng đối với họ. Cho nên theo tôi nghĩ, đó chính là mục tiêu chính của người Pháp, là chiếm vùng Tây Nguyên bằng giải pháp hòa bình, không có sự tốn kém về mặt nhân sự và vật lực”.
 
Nhà nghiên cứu Lê Nguyễn ký tặng sách cho độc giả
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư (98 tuổi), một người am hiểu và nghiên cứu lịch sử đánh giá cao cuốn sách "Cuộc phiêu lưu của Marie Đệ nhất - Quốc vương xứ Sedang" ở hai mặt: Mặt nổi, giúp độc giả nhất là độc giả trẻ sau này biết thêm về đời sống phiêu lưu của một chàng thanh niên Pháp thời đầu Pháp thuộc.
“Về mặt chìm, cuốn sách rất có ích cho vấn đề nghiên cứu lịch sử vì qua những câu chuyện hay những việc mà Marie đã làm, chúng ta biết được tình hình ở vùng Tây Nguyên vào giai đoạn đầu Pháp thuộc mà đối với chúng ta rất hiếm tài liệu nhắc đến vì chưa có công trình tài liệu nghiên cứu nào về vấn đề này”, ông cho biết.

Nhà nghiên cứu Lê Nguyễn tên thật là Lê Văn Cẩn. Ông còn có nhiều bút danh khác như Lê Cẩn, Minh Chiếm, LHCT, Hoàng Chi, Nhật Nam…

Ông là tác giả của những tác phẩm đã xuất bản như: Thành cổ Sài Gòn và các vấn đề về triều Nguyễn (1998, 2005); Xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc (2004, 2016, 2017); Đất Sài Gòn và sinh hoạt của người Sài Gòn xưa (2017); Vận hành toàn câu hóa (2008); Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn (2019)…

Hồ Sơn (SGGP)

Có thể bạn quan tâm