Lang thang vườn rẫy cao nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi đang đi trong chốn thật mà như mơ về những khu vườn mình chưa chạm tới. Vườn cũng là rẫy. Có khi đó là rẫy điều, rẫy cà phê, rẫy hồ tiêu, rẫy chè. Có khi là rẫy sầu riêng, hay bơ, sapoche, măng cụt, cam... Cao nguyên mà, núi đồi nhấp nhô, khiến vườn có khi nằm trên đỉnh đồi, có khi bên sườn, lúc lại dưới chân và cả thung sâu nữa.
Tự thân địa hình đã tạo nên những hình thái đất đai, địa mạo, không gian tự nhiên lạ mắt, sinh động đến bất ngờ. Thiên nhiên như bày sẵn những hấp lực kia để con người lắp ghép cây cối, nhà cửa… vào đấy. Ai có cảm xúc và bài toán kinh tế về loại cây trồng nào thì trồng cây đấy. Thế là cây lớn lên, tạo thành những lớp sóng xanh trên đồi núi. Cây cho người nông phu nguồn thu và cho thế gian sinh cảnh. Mỗi mùa cây khoe một sắc lá khác nhau. Như mùa cây sầu riêng ra lộc biếc thì nõn nà xanh in trên trời, và mùa chúng rụng lá thì như những rặng san hô khổng lồ khẳng khiu trơ trọi trong nắng biếc. Như mùa cà phê ngậm trái trong mưa thì vườn tược ở góc nhìn nào cũng lịm trong màu xanh ngắt, còn độ sau khi thu hái trái xong giữa tiết khô cháy mà tưới nước vào thì bừng sáng trong màu trắng tinh khiết của bông. Cây trồng nào cũng tạo ra những gam màu, sắc độ, quang phổ khác biệt như thế, chứ chẳng mỗi sầu riêng hay cà phê. Núi đồi cứ thế biến chuyển theo mùa màng, thời tiết, khí hậu, nông vụ. Người nông phu không biết điều này, nhưng người ở thị thành khi lên Tây Nguyên thì xúc cảm về cái miền xanh và chốn sống đây. Họ nhìn hình thái núi đồi và những cực sắc độ của cây trồng ngẩn ngơ như sơn nhân khi xuống núi về nhìn thấy những tòa cao ốc xa hoa ở Sài Gòn.
  Sinh cảnh vườn trà của một nông phu Tây Nguyên. Ảnh: N.H.T
Sinh cảnh vườn trà của một nông phu Tây Nguyên. Ảnh: N.H.T
Mưa thì dồi dào, nắng thì tàn bạo, khiến miền thượng hiện ra cái vẻ đẹp đầy uy dũng. Đồng bằng Mê Kông và duyên hải Nam Trung bộ là phần âm của phương Nam so với phần dương là cao nguyên miền thượng đây. Địa hình, khí hậu, thời tiết, thảo mộc và đặc điểm canh nông dẫn dắt sinh hoạt lẫn lề thói văn hóa của người đời. Nên người Việt miệt duyên hải hay ở hạ lưu các con sông dưới kia lên đây thay đổi ngay cách tổ chức cuộc sống, từ vườn tược, nhà cửa, đến lề lối con người. Mọi thứ ở con người đều nằm dưới thảo mộc. Cây trồng, thảo mộc là tầng cao nhất, nó là mẹ, là cha, là hơi thở, là ngọn nguồn, là cõi xứ.
*
*      *
Ở đây là thế, nhà là chỏm kiến trúc được cấy vào vườn, vào miền xanh lượn sóng. Nông phu nào tinh tế thì địa mạo và sinh cảnh thế này là cơ hội để tạo ra không gian sống đẹp, có chất lượng sống cao, tinh thần thỏa mái. Nhà cửa ẩn mình trong mẹ thảo mộc. Kiến trúc lóe sáng và ấm áp trong vòng tay xanh. Kiến trúc khiêm nhường trong thiên nhiên là thứ kiến trúc thanh lành và xa xỉ nhất rồi. Sang như… “quê mùa”. Ta sống trong mùa màng thì dĩ nhiên “quê mùa” rồi. Thị thành lấy đâu quê mùa. Ta trao đổi chất với thảo mộc nên ta sống thuận hòa, hiểu được gió, mưa, nắng, lạnh, ấm. Nên ta hào phóng và hào sảng, thành tâm và nghĩa khí, rộng lượng và bao dung. Thị thành cần nông phẩm và cả sự bình an, trong lành thì phải vọng tới “quê mùa” thôi. Đố thị thành nào sống được một mình, tách rời khỏi những miền thôn trang. Thứ kiến trúc vụng về nhất, khi cấy xuống màu xanh thì hình như cũng bớt vụng về đi phần nào, hay nói khác là màu xanh đã làm dịu, che bớt đi khiếm khuyết đó.
Có người biến những mảnh đất thừa trên đồi thành trảng cỏ mượt hoa óng ánh khi mùa khô sang. Có người biến những con suối chảy dưới chân đồi thành chỗ để ra nghe nước chảy. Có người biến đám sình lầy bên mép vườn thành con hồ để kiếm cá ăn và cất một cái chòi để ngồi chơi khi mỏi mệt, buồn vui, nhìn mưa, hóng nắng. Nội hàng muồng để chắn gió lộng mùa khô cho rẫy vườn cà phê vào độ trổ bông vàng rực đã là một phối cảnh tự nhiên mà hiếm công viên nào ở đồng bằng có được rồi. Có những vườn rẫy lối vào chỏm kiến trúc ta gọi là “nhà” đó hai bên được trồng hai hàng trụ tiêu dài hun hút, cứ như một dạng nghệ thuật sắp đặt hay hàng tượng điêu khắc bằng thực vật. Ở thị thành người ta phải mất nhiều bạc tiền, vật vã mới có thể tạo ra được sinh cảnh, thì nơi rẫy vườn nó cứ phun trào, đơn giản, hiển nhiên, như thở ra là đạt đến. Vật phẩm nông nghiệp làm ra có lúc trở thành vật trang trí. Như cưa lấy một đoạn của cây mít già cỗi làm bàn ngồi uống trà. Đoạn lấy một mẩu gốc cây cà phê khoét rỗng để làm cái bình cắm hoa dại. Sỏi đá lởm chởm trên mặt đất rẫy dồn lại rồi rải lát trên lối đi cho đường đất thành đường sỏi. Là dăm bảy bụi cây hoang dại được giữ lại. Là những giò phong lan cho bám thẳng vào cây sapoche để theo mùa xuất hiện lơ thơ những chùm hoa ẩn trong bóng lá. Thế đó, những khu vườn luôn đầy sóc nhảy múa leo trèo vào ban chiều, và sáng ra đầy chim hót. Nhưng đặc sắc nhất của không gian sống chốn rẫy vườn là những con đường uốn lượn trong khuôn viên đó. Mọi con đường đều là những đường cong, mà đường cong thì bao giờ cũng nên thơ, mềm mại, lả lướt, có “tình”. Từ nhà tỏa ra những đường cong và đường cong ôm lấy căn nhà. Một chốn xứ mang tinh thần hùng dũng, nhưng vẫn đầy ắp cái tình tự, lãng mạn. Nếu xem những gì đưa đến rung cảm là cái đẹp thì cái đẹp chốn rẫy vườn quả thật dồi dào. Ai biết thưởng thức thì trạng thái tâm hồn của miền thượng là vô tận.
Vườn rẫy, tự thân nó đã là chốn cảnh viên. Chỉ là khi người nông phu biết ý tứ, tinh tế trong cấu trúc rẫy vườn, tổ chức không gian sống và làm việc, nghĩa là biết thụ hưởng chính những cái quanh mình. Họ làm từ từ, dần dần, sau nhiều năm, và cảnh viên đã hình thành lúc nào chính họ cũng không hay. Nó ra đời là để phục vụ cái dạ dày, và làm nơi cư ngụ mà. Giá trị tăng thêm của nó phụ thuộc vào cái cảm về độ hay lạ của người đô thị thôi. Rất nhiều nông dân đã tạo ra vườn tược như thế rồi. Tôi đã thấy, đã phục, và đã mơ ước được như họ. Những không gian sống, giá trị sống xây nên từ sự cần lao, và trên nữa là cái nền của tính trong sáng mà thiên nhiên réo gọi, vỗ về.
Tất nhiên không phải nông gia nào cũng thiết lập được không gian mưu sinh và không gian sống, không gian tinh thần tích hợp được các giá trị như thế. Những nông dân tinh hoa là người đã làm được. Còn số đông, cô bác vẫn trong bề bộn cơ bắp, lam lũ, chặt to kho mặn, mà ít để ý đến sự tinh tế, thẩm mỹ và chất lượng tinh thần.
*
*      *
Ai đó từng lớn lên trên những vườn những rẫy đó, khi đi xa làm sao không nhớ những mùi hương thảo mộc, mà giữa thế giới đô thị nhốn nháo thời nay thì có khi phải nghĩ về chốn đây như “miền Thiên đường”. Cái thế giới này gọi là rẫy vườn hay những công viên dành cho một nhà cũng chẳng sai chút nào. Tất cả là vườn của thời nền nông nghiệp thông minh, thời của nền kinh tế trang trại, nông nghiệp chuyên sâu, nông nghiệp vì dạ dày lẫn tâm hồn. Nó có chỗ đứng sừng sững của nó, giá trị lớn lao của nó, mà những kẻ ngoại vi-đứng ngoài thiên nhiên-sống ở bốn bức tường đô thị chật kín bê tông và người và tiếng động buộc phải không thôi mơ ước thì cũng đúng rồi. Đô thị và thôn trang, chốn nào có “chỗ đứng” của chốn đó, không có cao thấp, hơn thua về giá trị, đẳng cấp đâu, và cũng không thể thay thế  được.
Có khi nào, dân thị thành bỗng dưng xin “tị nạn” ở chốn “quê mùa” này không nhỉ! Có thể họ cao đạo vì mình là là người phố, nên xem thường những miền có cây lam lũ. Nhưng tôi thì xin, xin hoài, mấy chục năm qua, vì vườn đẹp với tôi nó còn hơn cả “mỹ nhân”, bởi nó sinh ra trong muốt mùa lao lực. Và vì tôi không đủ sức lẫn kiên nhẫn để tạo ra nó.
 NGUYỄN HÀNG TÌNH

Có thể bạn quan tâm