Đức Lộc Gia Lai: Tạo dựng thương hiệu đồ gỗ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chỉ sau 6 năm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh đồ gỗ, Công ty TNHH một thành viên Đức Lộc Gia Lai (TP. Pleiku) do anh Đoàn Huy Lộc làm Giám đốc đã tạo dựng được vị thế vững chắc trên thị trường với doanh thu bình quân hàng năm lên đến 20 tỷ đồng.
Từ niềm đam mê nghệ thuật
Có năng khiếu vẽ ngay từ nhỏ nên khi tốt nghiệp THPT, Đoàn Huy Lộc thi vào khoa Sư phạm Mỹ thuật, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Ra trường, anh về dạy tại một trường THCS ở Hà Nội. Nhưng chỉ gắn bó với nghề giáo được 1 năm thì anh xin nghỉ để bắt tay vào kinh doanh quán cà phê. Tuy nhiên, công việc mới cũng không khiến anh hài lòng.
Vốn là người yêu cái đẹp, có khiếu thẩm mỹ, từ nhỏ đã thường xuyên tiếp xúc với những người thợ mộc ở quê mình (huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội) và thấy họ thành công khi đưa nghề truyền thống ngày một phát triển nên anh Lộc cũng bắt đầu nghĩ đến việc khởi nghiệp bằng nghề làm đồ gỗ. “Trong thời gian kinh doanh cà phê, mình bắt đầu tìm hiểu sâu về nghề làm đồ gỗ. Thế rồi, trong một chuyến đi dài ngày vào Gia Lai thăm chị gái, được tới một số vùng trong tỉnh, mình nhận thấy nguồn nguyên liệu dồi dào nơi đây thuận lợi cho nghề sản xuất đồ gỗ. Vì vậy, mình quyết định rời Hà Nội vào đây lập nghiệp”-anh Lộc kể.
   Sản phẩm nội thất của Đức Lộc Gia Lai chủ yếu làm theo phong cách tân cổ điển và hiện đại. Ảnh: V.T
Sản phẩm nội thất của Đức Lộc Gia Lai chủ yếu làm theo phong cách tân cổ điển và hiện đại. Ảnh: V.T
Những ngày đầu đặt chân đến Gia Lai, do thiếu vốn để dựng nhà xưởng, anh chỉ thuê một khu đất dựng lán bạt, rồi mua thiết bị, thuê thêm 2 người thợ từ quê vào làm cùng. Kể về quá trình tự thân lập nghiệp, anh cho biết: “Lúc đầu, mình chủ yếu làm tượng gỗ nhỏ để trưng bày hay làm giường, tủ quần áo. Khi làm xong, mình đi chào hàng ở các cửa hàng trên địa bàn, rồi rao bán trên các trang mạng. Sau đó, mình nhận thấy nếu phụ thuộc vào các cửa hàng thì lượng hàng tiêu thụ sẽ không được nhiều, muốn phát triển thì phải mở rộng thị trường. Vậy là mình xách xe máy đi rảo khắp nơi. Thấy chỗ nào có công trình đang thi công, mình đều vào hỏi thăm, tư vấn và chào hàng. Khi nhận được hợp đồng trang trí nội-ngoại thất công trình, mình cố gắng làm cho tốt nhất. Khách hàng hài lòng về chất lượng thì người này bắt đầu giới thiệu cho người kia”. Cùng với việc bán sản phẩm qua showroom, thi công công trình, Công ty Đức Lộc Gia Lai còn xây dựng thêm mạng lưới cộng tác bán hàng online để tăng lượng khách hàng tiếp cận. Cứ thế, khách hàng ngày một nhiều lên, quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm của Công ty ngày càng mở rộng.
Lập nghiệp trên đất Gia Lai mới được 6 năm nhưng anh Lộc đã đưa Công ty Đức Lộc Gia Lai ngày một phát triển với doanh thu bình quân hàng năm đạt khoảng 20 tỷ đồng, mở rộng thị trường đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước, từ Lạng Sơn, Hải Dương, Nam Định, Hải Phòng, Đà Nẵng đến TP. Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Tiền Giang… Hiện Công ty đã phát triển được 6 chi nhánh tại Gia Lai, TP. Hồ Chí Minh và Kon Tum với các ngành nghề trang trí nội-ngoại thất gỗ tự nhiên cho nhà ở tư nhân, sản xuất các mặt hàng đồ gỗ nội thất gia đình.         
Tạo dựng phong cách riêng cho sản phẩm
Tuy góp mặt trên thị trường chưa lâu nhưng sản phẩm đồ gỗ tự nhiên của Công ty Đức Lộc Gia Lai đã được nhiều người biết đến bởi tính sáng tạo cao, đi theo phong cách tân cổ điển và hiện đại. Đây là 2 phong cách rất được khách hàng hiện nay ưa chuộng.
Đồ gỗ Đức Lộc được sản xuất theo phong cách tân cổ điển và hiện đại. Ảnh: V.T
Đồ gỗ Đức Lộc được sản xuất theo phong cách tân cổ điển và hiện đại. Ảnh: V.T
Anh Lộc cho rằng, thị hiếu khách hàng thì không ai giống ai. Do đó, người sản xuất cần tư vấn cho khách hàng sử dụng sản phẩm sao cho phù hợp với công trình. Mình phải định hướng tiêu dùng, định hướng thẩm mỹ cho khách hàng, rồi dựa trên ý tưởng của khách hàng để sản xuất ra sản phẩm chứ không nên chạy theo những gì thị trường đang có. “Hôm nay, khách hàng thích cái này, đợi mình làm ra thì người ta đã thích cái khác rồi. Do đó, mình phải có ý tưởng, phải mạo hiểm một chút để cho ra những sản phẩm độc đáo, mới lạ nhắm đến từng đối tượng khách hàng tiềm năng. Để làm được việc đó, Công ty phải luôn luôn có sự sáng tạo trong từng thiết kế sản phẩm, luôn cập nhật xu hướng mới thịnh hành. Hay nói cách khác, muốn đứng được trên thị trường với vô vàn sự cạnh tranh của những thương hiệu lớn thì sản phẩm của mình phải có nét rất riêng”-anh Lộc chia sẻ kinh nghiệm.
Dẫn chúng tôi tham quan xưởng sản xuất, anh Lộc khá tâm đắc với những sản phẩm mình làm ra. Anh cho biết, để làm ra một sản phẩm gỗ tinh tế, đẹp mắt, hài lòng khách hàng phải mất rất nhiều thời gian, mỗi thợ một công đoạn. Vì vậy, lúc cao điểm, Công ty có đến 70-80 thợ làm liên tục. Sản phẩm đồ gỗ tự nhiên thường có giá trị rất lớn, từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Có những sản phẩm được Công ty Đức Lộc Gia Lai tạo ra giá trị lên đến 7 tỷ đồng, mất khoảng 3 năm và ngốn gần 5 khối gỗ trắc mới hoàn thành.
Theo anh Lộc, một sản phẩm có được sự chấp nhận của thị trường hay không thì 90% phải dựa vào chất lượng, mà trong đó yếu tố sáng tạo khác biệt sẽ góp phần rất lớn. Bởi lẽ, sản phẩm không chỉ để dùng mà tiêu chí thẩm mỹ cũng được đặc biệt quan tâm. Làm hàng nội thất nếu không đáp ứng được điều này chắc chắn không thể trụ vững trên thị trường. Do đó, ngoài việc sản xuất hàng có chất lượng, xây dựng giá cả cạnh tranh, Công ty còn tập trung vào khâu chăm sóc khách hàng thật chu đáo để giữ chân họ với phương châm mà anh Lộc luôn quán triệt cho nhân viên đó là: “Để cho một người đến vạn lần, còn hơn vạn người chỉ đến một lần”.         
 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm