Đăk Hà 'đổi đời' nhờ cà phê, dược liệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đăk Hà được xem là “thủ phủ” cà phê của Kom Tum. Cà phê ở đây được quảng bá ngon đến mức dân nghiền thử một lần có thể nhớ vị cả đời. Ngày xưa người dân nơi đây nghèo lắm nhưng nhờ có cà phê và cây dược liệu bằng vốn vay theo chính sách họ đã đổi đời...
 
Nhờ vay vốn NHCS, gia đình chị Y Chính xã Đăk Ui huyện Đăk Hà đã thoát nghèo cùng cây cà phê Ảnh: KH
Khởi nghiệp
Ngày  thứ bảy, xe  chúng tôi  từ Kom Tum ngược lại thị trấn Đăk Hà để về xã Đăk Ui gặp các hộ đã  từng vay vốn trồng cây cà phê nay đã thoát nghèo bắt đầu làm ăn căn cơ, bài bản. Nằm ngay giữa làng là căn nhà nhỏ của anh U Bình, người dân tộc Xờ Rá. Anh Bình kể: 2 vợ chồng lấy nhau từ năm 2000. Những ngày đó, khó khăn kéo dài, làm chẳng đủ ăn. Đến năm 2007, gia đình anh lần đầu được tiếp cận vốn vay NHCS vay để trồng cà phê.
 “Năm đó, nhà tôi vay bên Hội Phụ nữ vốn vay ưu đãi của NHCS, sau đó vay theo diện hộ nghèo, thoát nghèo thì vay hộ cận nghèo. Cứ thế vay, trả rồi cày cuốc mà cuộc sống thay đổi dần. Từ lần đầu với mức vay tối đa 2 triệu,  vay hộ nghèo lên tới 30 triệu, có món tiền lớn, tôi quyết định đem đầu tư 500 gốc cây cà phê trên diện tích đất 1ha. Đến năm 2017 trả xong nợ xong gia đình tôi lại được vay diện thoát nghèo với tổng số tiền vay là  62 triệu (tính cả món vay theo chương trình nước  sạch vệ sinh môi trường”. Theo anh Bình, với  hai lao động chính trong nhà, hai vợ chồng  xoay xở mỗi tháng trả đều hơn 400 ngàn cả  tiền gốc và lãi. Giờ một năm  thu hoạch cà phê hay cây dược liệu xong trừ chi phí, gia đình còn khoảng 70 triệu. Số tiền đó cả năm tính ra đủ cho cả nhà chi tiêu và đầu tư tiếp cho cà phê, tiêu, cây dược liệu..
 Trước mặt căn nhà nhỏ  xinh của chị Y Chính,  sinh năm 1982 vốn người dân tộc X Tiêng  là ngút mắt một vườn cà phê trải dài. Ngồi trò chuyện với khách trong căn phòng khách, chị Chính cho biết:   Vợ chồng  chị đã vay vốn NHCS cả chục năm nay. Mảnh đất trồng cà phê này  có phần không nhỏ vốn vay ngân hàng như 30 triệu vay để kinh doanh sản xuất,  sau đó chị lại vay thêm 50 triệu để đào ao chứa nước và mua máy bơm, ống dẫn để tưới cà phê. Tính đến nay số tiền tổng dư nợ của chị đã lên tới 70 triệu vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp 0,75%/tháng.
Cũng nhờ vốn vay NHCS đầu tư để “khởi nghiệp” với  cà phê mà sau những thu hoạch,  cách đây 5 năm anh chị đã làm được căn nhà này, mở rộng sản xuất. “Còn giờ mỗi tháng tôi vẫn tiết kiệm trả cả lãi và gốc cho ngân hàng gần 600 ngàn đồng/tháng.”, chị Chính nói.
Vẫn “khát” vốn
Nhưng băn khoăn lớn nhất không chỉ của anh U Bình mà của nhiều hộ vừa thoát nghèo ở xã Đăk Ui, đó là khoản vay đó chỉ dành cho hộ nghèo, còn họ nay  vừa thoát nghèo rồi làm sao vay được?
 Cũng như nhiều hộ mới thoát nghèo khác, anh U Bình  mong sớm có thêm nguồn vay cho các hộ khác. Anh bảo: ít nhất cần món vay phải tới cả trăm triệu mới có thể đầu  tư thêm. “Nếu Chính phủ nâng mức cho vay từ 50 triệu lên 100 triệu thì tốt quá. Với số tiền đó, tôi sẽ đủ để đầu tư phân, giống, và không phải vay nợ của chủ phân bón nữa", anh Bình nói.
Nói về nhu cầu vay vốn, chị Y Chính  bảo vẫn cần nhiều lắm đặc biệt lúc vào vụ, nếu không thu xếp được thì lại lấy phân chỗ đại lý rồi chịu tính thêm cả lãi suất. “Nói chung đã làm nông nghiệp thì rất khó vì luôn gối vụ. Giá  được vay thêm NHSC để đầu tư thì tốt hơn”. Chị Chính  đề nghị.
Trước mắt chúng tôi là một người đàn ông khắc khổ, bác A Ù, tổ trưởng tổ vay vốn thoát nghèo một thôn thuộc xã Đăk Ui. Bác A Ù năm nay hơn 60 tuổi, làm tổ trưởng tổ vay vốn đã  3 năm. Cũng như mọi người trong thôn, ông hiện  vay NHCS số tiền 50 triệu theo diện sản xuất kinh doanh. Số tiền đó ông dành để  xây dựng đầu tư chăm sóc cà phê với hơn 1000  gốc cà phê.
 Băn khoăn của bác A Ù đó là do thoát nghèo rổi nên tới đây ông không trong diện được vay 100 triệu đồng tín chấp như hạn mức  ngân hàng mới cấp. Đi cùng, chủ tịch xã kể thêm: vừa rồi ông ấy cưới vợ cho con cũng cần món tiền lớn, không có ông phải vay nóng anh em họ hàng. May cưới xong là trả được. “Vụ rồi tôi cũng phải mua phân bón ở  nhà đại lý Tiệp. Mỗi lần lấy 1,5 tấn ( 20 triệu tiền phân)  thì trả lãi tương đương 1 triệu. Nếu số tiền đó vay của NHCS tính ra tôi chỉ phải trả hơn 165.000 đồng/tháng”. Ông A Ù nói.
Nằm ở một khu vực khác, hộ chị Y Khuyền là một trường hợp đặc biệt. Sinh năm 1977, chị Y Khuyền hiện có hai con đang đi học Đại học tại Quy Nhơn và Đà Nẵng.  Chị Khuyền kể hiện đang được vay vốn theo 3 chương trình của NHCS với tổng dư nợ 72 triệu bao gồm: vay sản xuất kinh doanh 30 triệu để đầu tư cà phê, cây bờ lờ làm dược liệu; vay 12 triệu theo chương trình nước  sạch vệ sinh môi trường. Để có tiền trả gốc lãi ngân hàng ( 1,2 triệu đồng/tháng) chị đi làm thuê cạo cỏ; bẻ chồi. Nguyện vọng sắp tới của chị là được vay hết hạn mức 100 triệu cho sản xuất kinh doanh. 
Để bà con thoát nghèo bền vững 
Theo anh Nguyễn Văn Trung, Giám đốc NHCS huyện Đăk Hà, hàng tháng cứ đúng ngày 17 cán bộ ngân hàng lại đến xã giao dịch. Trong buổi đó có thu nợ, thu lãi, cho vay, giải ngân, và giao ban giữa chủ tịch xã chủ trì với 4 tổ trưởng  tổ vay vốn. “Có nguồn vốn mới hoặc nguồn vốn thu hồi trong tổ đa số các tổ vay vốn  sẽ tính toán  để hộ khác quay vòng ngay”, anh Trung cho biết.  “Chúng tôi cũng đặc biệt thiếu 3 nguồn vốn lớn để cho vay theo các chương trình: đó là cho vay vùng dân  tộc thiểu số, vay hộ sản xuấy kinh doanh giải quyết việc làm”, anh Trung nói.
Anh Ngô Hồng Hưng, chủ tịch UBND xã Đăk Ui cũnh chia sẻ: “Xã hiện giờ nhiều bà con đang có nhu cầu  vay thêm vốn NHCS lắm. Cũng bởi nguồn vốn không đủ nên có những  thời điểm vào vụ sản xuất kinh doanh, bà con đều phải tranh  thủ vay mượn thêm từ các đại lý bên ngoài”.
Phó chủ tịch huyện  Hoàng Nghĩa Trí là một cán bộ tâm huyết với người dân. Ông không ngại bỏ cả buổi sáng thứ bảy cùng chúng tôi đi đến  từng hộ vay. Trò chuyện, vị cán bộ huyện  cho hay: Cả huyện còn 17,33%  hộ nghèo trong tổng số 16.900 hộ. Đối tượng trong huyện đều là đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn. Theo ông Trí, sở dĩ người dân nơi đây khát vốn vì huyện Đăk Hà là huyện làm nông nghiệp nên nhu cầu tiếp cận vốn nông nghiệp rất cao. “ Vay vốn của các ngân hàng thương mại thì thủ tục phức tạp. Chưa kể, ở  đây, các ngân hàng  ít cho nông dân vay  vì vùng giá trị đất thấp. Cho nên tại nhiều địa bàn trên huyện đặc biệt các xã khó khăn, đa số bà con chỉ trông chờ vào vốn vay NHCS”, ông Trí cho biết.
Theo Phó Chủ  tịch  huyện,  huyện đã có kiến nghị vấn đề những hộ thoát nghèo, Nhà nước cần quan tâm đến đời sống sản xuất kinh doanh của bà con hơn như tăng mức vay 100 triệu, kéo dài thời gian vay 10 năm để họ có cơ hội thoát nghèo bền vững. (Thực tế, các hộ vừa thoát nghèo có nhu cầu rất lớn về vốn trong sản xuất kinh doanh để đảm bảo chu kỳ cây trồng). “Hiện dư nợ toàn huyện là  340 tỷ không có nợ quá hạn. Vừa rồi đi khảo sát và về làm việc với huyện, xét thấy nhu cầu vay  bà con rất chính đáng và thực sự khát vốn, Tổng giám đốc NHCS Dương Quyết Thắng đã nhất trí cân đối nguồn và tăng thêm nguồn vốn vay cho riêng ĐăkHà năm nay là 30 tỷ và riêng xã này là 3 tỷ đồng”,  Phó chủ tịch huyện phấn khởi kể. 

Kon Tum là tỉnh biên giới nằm ở Bắc Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 9.676 km2, trong đó, có 3 huyện nghèo theo Quyết định số 275/QĐ-TTg (Tu Mơ Rông, KonPlông, Ia H’Drai). Hơn 15 năm qua, đã có hơn 287 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp cho 53.043 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 38,63% xuống 16,34% (giai đoạn 2006- 2010); từ 33,36% xuống 10,26% (giai đoạn 2010-2015); từ 26,11% (năm 2016) xuống còn 17,29% (năm 2018) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020.

Khánh Huyền (TP)

Có thể bạn quan tâm