Thiếu tá Lê Ngọc Hưng: Tận tụy với buôn làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, Thiếu tá Lê Ngọc Hưng-Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Chư Prông luôn sát cánh cùng đồng đội sâu sát cơ sở, triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an ninh chính trị, an ninh nông thôn, qua đó góp phần giữ bình yên cho các buôn làng.
Chư Prông từng là địa bàn trọng điểm của tỉnh về vượt biên. Một số người dân tộc thiểu số ở huyện bị kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo vượt biên sang Campuchia để từ đó tìm cách đi sang nước thứ ba. Trước thực trạng đó, Thiếu tá Lê Ngọc Hưng đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo Công an huyện triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động bà con không tin, không nghe theo lời kẻ xấu; đồng thời, chủ động phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh đấu tranh với những đối tượng cầm đầu đường dây lừa phỉnh đưa người vượt biên. Bên cạnh đó, Thiếu tá Hưng và cán bộ, chiến sĩ Đội An ninh Công an huyện cũng quan tâm cảm hóa, giáo dục những người vượt biên quay về, giúp họ hòa nhập với cộng đồng, ổn định cuộc sống.
  Thiếu tá Lê Ngọc Hưng tranh thủ sự giúp đỡ của già làng Rơ Mah Klua (làng Lâm So, xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông) để vận động người dân chấp hành tốt các quy định pháp luật. Ảnh: N.H
Thiếu tá Lê Ngọc Hưng tranh thủ sự giúp đỡ của già làng Rơ Mah Klua (làng Lâm So, xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông) để vận động người dân chấp hành tốt các quy định pháp luật. Ảnh: N.H

Với những thành tích đạt được trong công tác, từ năm 2015 đến năm 2018, Thiếu tá Lê Ngọc Hưng liên tục được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Anh còn được Bộ Công an, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổng cục An ninh (Bộ Công an), Giám đốc Công an tỉnh tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

Cuối tháng 2-2015, Siu Đon (21 tuổi, trú tại làng Phung, xã Ia Piơr, huyện Chư Prông) bị các đối tượng lừa phỉnh vượt biên sang Campuchia để được đi Mỹ hưởng cuộc sống sung sướng. Khi sang đến Campuchia, Đon mới biết mình bị lừa và phải trải qua những ngày tháng sống khổ cực trên đất khách. Trong lúc gia đình Đon đang lo lắng thì Thiếu tá Hưng cùng đồng đội thường xuyên phối hợp với già làng, trưởng thôn đến nhà động viên. Vừa trấn an tinh thần gia đình, anh vừa tìm cách liên lạc, phối hợp giúp Đon trở về. Gần 1 năm sau, Đon được tổ chức UNHCR và các ngành chức năng của tỉnh giúp trở về đoàn tụ với gia đình. Đon tâm sự: “Khi về đến nhà gặp người thân, bà con trong làng, tôi vui lắm… Thiếu tá Hưng và cơ quan Công an đã giúp đỡ gia đình tôi rất nhiều. Tôi đã nhận ra sai lầm.Giờ tôi tu chí làm ăn để phát triển kinh tế gia đình, không bao giờ nghe lời kẻ xấu lừa phỉnh nữa”.
Thời gian qua, già làng Rơ Mah Kra (làng Phung, xã Ia Piơr) nhiều lần cùng Thiếu tá Hưng và cán bộ, chiến sĩ Đội An ninh Công an huyện đến từng gia đình có người vượt biên để động viên và tuyên truyền cho bà con không nghe lời kẻ xấu. Hơn ai hết, ông Kra hiểu những tình cảm, sự nhiệt thành, tận tụy của Thiếu tá Hưng với bà con làng mình. Ông chia sẻ: “Khi những người trong làng vượt biên được giúp đỡ quay về, tôi mừng lắm. Vượt qua những khó khăn như vậy mới biết ai là người thương dân làng mình. Thiếu tá Hưng là người chân thành, trong làng ai cũng quý. Tôi cũng xem Hưng như người con trong gia đình”.   
Một lần theo chân Thiếu tá Hưng cùng đồng đội xuống địa bàn, nhìn cách anh chào hỏi bà con, nụ cười thân thiện luôn thường trực trên môi, chúng tôi cảm nhận được sự gần gũi, chân thành của anh. Nói về công tác vận động quần chúng, Thiếu tá Hưng cho biết: “Hiện nay, Công an huyện Chư Prông đang tranh thủ sự giúp đỡ của gần 50 người uy tín, già làng, chức sắc tôn giáo tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng tôi thường xuyên trao đổi, hướng dẫn để họ trở thành “sợi dây” kết nối giữa lực lượng Công an với bà con, qua đó giúp Công an huyện làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không nghe lời kẻ xấu”.
Với sự nỗ lực của các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an huyện Chư Prông và chính quyền địa phương, đến nay, Chư Prông đã không còn là “điểm nóng” về tình trạng vượt biên. Đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã yên tâm chăm lo phát triển kinh tế, không nghe theo lời lôi kéo, dụ dỗ của kẻ xấu. Những người vượt biên được giúp đỡ quay về cũng đã ổn định cuộc sống. Trong thành tích chung ấy có sự đóng góp không nhỏ của Thiếu tá Lê Ngọc Hưng, người cán bộ an ninh tận tụy, hết mình vì bình yên buôn làng.
 NGUYỄN HỮU

Có thể bạn quan tâm

Nghề rèn của người Mạ

Nghề rèn của người Mạ

Đời sống của người Mạ luôn gắn với núi rừng, nương rẫy. Để đáp ứng nhu cầu đời sống, sản xuất, các nghề thủ công truyền thống ra đời, trong đó có nghề rèn.