Phát hiện quần thể gần 600 Voọc chà vá chân xám tại tỉnh Kon Tum

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các cơ quan chức năng đã phát hiện 600 cá thể Voọc chà vá chân xám ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Sau gần 4 năm khảo sát theo dõi, Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) và Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Trung tâm GreenViet) đã phát hiện một quần thể Voọc chà vá chân xám quý hiếm với gần 600 cá thể trong những khu rừng nguyên sinh tại địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Một con Voọc chà vá chân xám quý hiếm tại huyện KonPlông tỉnh Kon Tum. Ảnh: Trung tâm GreenViet.
Quần thể Voọc chà vá chân xám với gần 600 cá thể được phát hiện trong những cánh rừng nguyên sinh thuộc lâm phần của Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp KonPlông; Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham; các khu rừng cộng đồng và rừng sản xuất do UBND các xã của huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum quản lý.
Ông Bùi Văn Tuấn, Trưởng Phòng nghiên cứu khoa học, Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh, cho biết việc phát hiện quần thể Voọc chà vá chân xám với gần 600 cá thể trong các cánh rừng tại huyện Kon Plông là một sự kiện quan trọng cho công tác nghiên cứu khoa học và bảo tồn loài linh trưởng này.
“Khu quần thể Voọc chà vá chân xám trên địa bàn huyện Kon Plông được đánh giá là quần thể lớn nhất trên địa bàn 5 tỉnh có loài này phân bố ở Việt Nam. Phần lớn cũng giống như các loài động vật hoang dã quý hiếm khác ở Việt Nam loài này cũng đang đối mặt với nguy cơ săn bắn buôn bán trái phép. Cần phải tăng cường công tác giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương và cho học sinh ở các trường học. Phải nâng cao hiểu biết về pháp luật. Đối với giải pháp dài hạn rất hy vọng sắp tới UBND tỉnh sẽ thành lập một khu sinh cảnh ưu tiên bảo vệ loài này”, ông Tuấn nói.
Voọc chà vá chân xám là loài đặc hữu được xếp hạng cực kỳ nguy cấp có vùng phân bố tự nhiên hẹp trong các khu rừng tự nhiên của 5 tỉnh, gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai và Kon Tum.
Hiện tại ước tính tổng đàn Voọc chà vá chân xám chỉ còn dưới 1.000 con và các nhà khoa học dự báo nếu không được bảo tồn kịp thời loài này có thể bị tuyệt chủng hoàn toàn ngoài tự nhiên trong vòng 30 năm tới./.
Khoa Điềm (VOV.VN)

Có thể bạn quan tâm