Sức Xuân ở Làng Klũh Klãh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong không khí ấm áp của những ngày đầu Xuân mới, chúng tôi có dịp trở lại làng Klũh Klãh (xã Ia Bòong,huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) một trong những làng đồng bào dân tộc thiểu số đầu tiên của huyện Chư Prông đã hoàn thành 19/19 tiêu chí về xây dựng làng nông thôn mới theo Chỉ thị số 12- CT/TU mới thấy sức xuân đang lan tỏa khắp mọi nhà khi người dân cùng chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. 
Những năm trước đây, Klũh, Klãh là hai làng đồng bào dân tộc Jrai nằm kề nhau trên vùng đất Ia Bòong. Năm 2018, hai làng được sáp nhập thành một với tên gội chung là làng Klũh Klãh. Làng hiện có hơn 200 hộ dân với 90% là đồng bào dân tộc Jrai, đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, hồ tiêu và lúa nước. Trước đây, hầu hết người dân trong làng còn gặp rất nhiều khó khăn do tập quán canh tác lạc hậu, chưa có điều kiện tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đói nghèo đeo bám quanh năm. Mọi thứ từng bước thay đổi khi Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông bắt đầu khai hoang đưa cây cao su vào vùng đất Ia Bòong, mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, tiếp nhận người dân vào làm công nhân cao su… Đây chính là tiền đề quan trọng giúp người dân thay đổi nhận thức, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Hệ thống đường giao thông vào làng đã được cứng hóa. Ảnh: Nguyễn Diệp
Hệ thống đường giao thông vào làng đã được cứng hóa. Ảnh: Nguyễn Diệp
Vài năm trở lại đây, khi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được thực hiện, người dân làng Klũh Klãh không ngừng phát huy nội lực cùng chung sức xây dựng bộ mặt nông thôn của làng ngày càng khởi sắc. Đặc biệt,  ngoài sáp nhập, làng Klũh Klãh vinh dự được huyện Chư Prông chọn làm điểm xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Chỉ thị số 12-CT/TU. Người dân trong làng chung sức, đồng lòng tham gia các phong trào mà chưa cần đến sự hỗ trợ của Nhà nước như chỉnh trang nhà cửa; vệ sinh đường làng ngõ xóm; làm điện đường chiếu sáng; tập trung phát triển kinh tế hộ gia đình; phát huy sự tương trợ của cộng đồng, họ hàng dòng tộc. Nhiều hộ trong làng không ngần ngại hiến đất mở đường nội làng như gia đình ông Rơ Lan Tuynh hiến 150m2; Siu Bêr 150m2; Kpă Nhoãi 560m2; Siu Krết 200m2… góp tiền mua trang thiết bị nâng cấp sửa chữa hội trường thôn, làm đường ra khu sản xuất… đến nay làng đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và đang chờ cơ quan chuyên môn thẩm định công nhận là một trong những làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đầu tiên của huyện Chư Prông.   
Dẫn chúng tôi dạo quanh các tuyến đường giao thông nội thôn của làng, ông Rơ Mah Ban vui vẻ cho biết: “Những năm trước đây, đời sống của bà con trong làng còn nhiều khó khăn. Từ các nguồn lực đầu tư của Nhà nước và sự hỗ trợ của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông, đời sống của bà con đã thay đổi rất nhiều. Hiện tại cơ sở hạ tầng điện- đường đã phủ khắp mọi nhà, nhiều người tham gia vào làm công nhân nên có nguồn thu nhập và họ mạnh dạn đầu tư sản xuất các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu… Nhờ đó, vài năm trở lại đây, đời sống bà con đã khấm khá hơn trước rất nhiều”. 
Nhà sinh hoạt cộng đồng tổ chức đón giao thừa của cả làng. Ảnh: Nguyễn Diệp
Nhà sinh hoạt cộng đồng tổ chức đón giao thừa của cả làng. Ảnh: Nguyễn Diệp
Cũng theo ông Ban, trong những ngày Tết cổ truyền vừa qua, bà con trong làng đều vui Xuân đón Tết vui vẻ. Từ các nguồn hỗ trợ của tỉnh và huyện làng đã tổ chức đêm chung vui cho tất cả bà con trong làng cùng tham gia tại nhà sinh hoạt cộng đồng nhiều hộ cũng gói bánh chưng, bánh tét. Đời sống bà con bây giờ đỡ hơn trước đây rất nhiều. 
Là một trong những hộ sống lâu năm trong làng, ông KPuih Thiệu- Bí thư Chi bộ của làng cho hay: “Nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đến nay cơ sở hạ tầng hệ của làng đã hoàn thiện nên người dân rất phấn khởi, hầu hết tập trung phát triển kinh tế hộ nâng cao đời sống thu nhập. Đặc biệt, thời gian qua, mọi người dân đều tích cực tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới và hoàn thành 19/19 tiêu chí để trở thành một trong những làng đầu tiên của huyện hoàn thành chương trình này. Đây là niềm tự hào rất lớn, hiện tại bà con không còn lo đói nữa mà chủ yếu thoát nghèo bền vững”.
Không khí xuân vẫn còn đang tràn ngập khắp mọi nẻo đường làng và người dân làng Klũh Klãh đang tiếp đà phát triển kinh tế trong năm mới, tạo sức xuân lan tỏa sang những ngôi làng lân cận của xã Ia Bòong để cùng nhau hướng đến cuộc sống ấm no trong năm mới 2019.
           Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm

Nghề rèn của người Mạ

Nghề rèn của người Mạ

Đời sống của người Mạ luôn gắn với núi rừng, nương rẫy. Để đáp ứng nhu cầu đời sống, sản xuất, các nghề thủ công truyền thống ra đời, trong đó có nghề rèn.