Viện 211: Những ngày ở chiến trường Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày nay, trước sự bề thế và tiếng tăm của Viện 211, nhiều người muốn tìm hiểu ít nhiều về lịch sử đầy khó khăn và thách thức của đơn vị thuở ban đầu. Xin xâu chuỗi một số chi tiết trong tập hồi ký “Tây Nguyên ngày ấy” của cố GS-BS. Lê Cao Đài-nguyên Viện trưởng Viện 211-để tìm về buổi ban đầu của Viện.
Vượt Trường Sơn
Đêm 16-12-1965, tại Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Tổng cục kiêm Cục trưởng Cục quân y Vũ Văn Cẩn phổ biến quyết định của Bộ Quốc phòng về việc thành lập một bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối cho chiến trường miền Nam, mang mã số “Đoàn 84”. Bộ khung nhân sự được chọn từ 2 bệnh viện 103 và 108, gồm: Vũ Văn Kính-Viện trưởng; Khuất Duy Kính-Chính ủy; Lê Cao Đài-Viện phó phụ trách khoa Ngoại; Trần Nam Hưng-Viện phó phụ trách khoa Nội; Lê Công Viện-phụ trách hậu cần. Ngày 18-4-1966, “Đoàn 84” được đổi thành “Viện 211” vì ở chiến trường Tây Nguyên đã có một trạm giao liên mang phiên hiệu 84. Phiên hiệu Viện 211 là cộng từ 2 số hiệu Viện 103 và 108 mà thành.
Sau khi thành lập, ngày 19-1-1966, các nhóm lần lượt rời Hà Nội, vượt Trường Sơn. Nơi đến của Viện được ấn định là địa điểm “S9-B3”. Mọi người chỉ biết “B3” là tên gọi khác của Mặt trận Tây Nguyên, còn “S9” không ai biết là đâu, chỉ mang máng đó là vùng rừng núi ngã ba Đông Dương. Sau hơn 3 tháng hành quân gian khổ, ngày 25-4-1966, đoàn tới khu vực có mật danh S9-B3 gần ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia.
  Một buổi diễn tập sơ cấp cứu của Bệnh viện Quân y 211.    Ảnh: Đ.T
Một buổi diễn tập sơ cấp cứu của Bệnh viện Quân y 211. Ảnh: Đ.T
Tìm trên tấm bản đồ được vẽ sơ sài từ trên 30 năm trước, địa điểm S9 được đánh dấu bằng một chữ thập, cách bản Phi Hà khoảng 10 km, mà bản Phi Hà thì... không biết ở đâu. Cả đoàn cắm trại giữa rừng sâu, cắt người tìm kiếm. Trên một tháng trời, mãi đến ngày 15-5-1966 mới tìm ra đúng nơi quy định và ngày 22-5-1966 mới vào điểm tập kết.
Tại đây và từ đây, Viện 211 bắt đầu bằng một con số không tròn trĩnh! Đầu tiên là bắt tay tạo dựng lán trại với những quy định chặt chẽ: chọn chỗ rậm rạp um tùm nhất để dựng lán trại đề phòng máy bay địch phát hiện; cách xa các sông suối lớn có khả năng đã được địch vẽ trên bản đồ quân sự; các lán trại cách nhau ít nhất 30 m, mỗi lán trại không được ở quá 6 người, phòng khi trúng bom không bị thương vong nhiều; lán trại thấp hơn mặt đất có kèo chữ A chống oanh tạc, đắp ụ xung quanh tránh miểng bom và tầm đạn… Vật liệu làm lán trại (cây gỗ, nứa lá…) lấy nơi rất xa chỗ ở, chỉ chặt tỉa, không chặt trụi… Thế là từ nhà cửa, bàn ghế, giường tủ, vật dụng khác và cơ sở điều trị cho các khoa đều đơn sơ bằng cây rừng và bương nứa. Riêng khoa Ngoại còn phải liên thông một lúc đủ các hầm mổ, hầm hồi sức, hầm thay băng… “Công trình” tạm coi như hoàn thành sau một tháng. Một bệnh viện quan trọng cấp khu vực chỉ là như thế!
Tiếp sau đó, Viện lại tổ chức lập 6 cung trạm (kiểu trạm giao liên) để vận chuyển lương thực, thực phẩm, vật tư trang-thiết bị, và thương-bệnh binh các nơi đưa về. Bất kể bác sĩ, y sĩ, y tá, hộ lý… ai khỏe thì đi nhận, đi gùi hàng; yếu hơn thì ở nhà làm việc nhà và chăm sóc thương-bệnh binh. Cứ thế, dưới mưa bom bão đạn với muôn vàn thiếu thốn gian nan, vừa tham gia chiến đấu, vừa sản xuất tự túc lương thực suốt 10 năm dài, Viện 211 đã vượt qua bao “phong ba bão táp” giữa rừng già biên giới Tây Nam.
Từ “cánh Bắc” đến “cánh Nam”
Ở Phi Hà (cánh Bắc Mặt trận Tây Nguyên) mới trên nửa năm thì ngày 5-1-1967, Viện 211 được lệnh chuyển từ “cánh Bắc” (khoảng ngang tỉnh Kon Tum) vào “cánh Trung” (khoảng ngang Bắc Gia Lai). Đây là khu vực trung gian của chiến trường, tiện cho việc tiếp nhận thương-bệnh binh từ các nơi gửi về, và quan trọng hơn là gần đường tiếp tế lương thực, thực phẩm từ phía Campuchia sang.
Ở “cánh Trung” hơn 2 năm thì Viện 211 lại có lệnh chuyển ra “cánh Bắc” trở lại để thay thế một bệnh viện khác nhỏ hơn (Viện Một) đã di chuyển vào “cánh Nam” (khoảng giáp Gia Lai-Đak Lak) hôm 30-5-1969. Thế là ngày 5-6-1969, bộ phận tiền trạm rời “cánh Trung” lên đường ra “cánh Bắc” ở một thung lũng hẹp gần bờ sông Đak Mế.
Vì yêu cầu của cục diện chiến trường, Viện 211 lại một lần nữa từ “cánh Bắc” chuyển vào “cánh Trung” ngày 5-12-1972, hơi chếch về phía Đông so với địa điểm những năm 1967-1968 ở dãy núi mà bộ đội gọi là Núi Hổ, trên đường biên giới Việt Nam-Campuchia. Con đường giao thông chiến lược bằng ô tô từ Bắc tới chiến trường Tây Nguyên, sau những chiến thắng đã được kéo dài ngang qua “cánh Trung” này để vào “cánh Nam”, men theo bờ sông Sa Thầy, chỉ cách Viện hơn chục cây số (cung đường ấy nay là quốc lộ 14B).
Hiện nay, các địa danh như “Phi Hà”, “cánh Bắc”, “cánh Trung”, “cánh Nam”… không rõ cụ thể nơi nào. Căn cứ theo sách với các chi tiết như vượt đường 14, vượt đường 19 ở cánh Nam, men theo sông Sa Thầy, qua sông Đak Mế… trong lộ trình đi lại công tác của tác giả và quá trình dịch chuyển của Viện, bạn đọc cũng chỉ có thể đoán định là quanh khu vực phía Tây 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai, cụ thể là các huyện Ngọc Hồi, Sa Thầy (tức cánh Bắc), đến Ia H'Drai, Ia Grai (tức cánh Trung), sang Đức Cơ, Chư Prông (tức cánh Nam).
Ngày nay, tiếp cận với một Viện 211 quy mô hoành tráng giữa Phố núi Pleiku, nhiều người có ý tưởng nếu tìm lại được ít nhiều dấu tích lán trại xưa và phục dựng để nhớ về một thuở “hàn vi” thì hay biết mấy!
Tạ Văn Sỹ

Có thể bạn quan tâm