Tây Nguyên, nơi tôi đã sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tôi đã nhiều lần được sống trong mùa hội ở Tây Nguyên. Gọi là “mùa” vì đó là thời gian cuối mùa khô, dịp ba tháng cuối năm, ba tháng ấy công việc nương rẫy đã xong, mới thu hoạch lúa nương (thứ lương thực chính) và theo cách gọi của người Việt là nông nhàn...
Các lễ hội được mở ra xoay quanh các tục lệ làm lúa khô nương rẫy: Lễ hội ăn mừng lúa mới; lễ hội ăn mừng làm nhà mới, nhất là nhà Rông, nhà Gươn (nhà cộng đồng); lễ hội bỏ mả hay nói theo tiếng Jơ Rai là lễ hội Pơ Thi, một lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất vì đó là các nghi lễ mang nặng quan niệm đa thần giáo và sự ứng xử của người sống đối với người chết mang bản sắc văn hóa dân tộc đậm đã nhất.
Lễ hội của đồng bào Tây Nguyên
Đối với bà con dân tộc Bah Nar, những tháng cuối năm gọi là tháng Ning Noong cũng tương tự như thế. Tôi đã vài ba lần được dự lễ hội có đâm trâu ở vùng đồng bào dân tộc Bah Nar và Jơ Rai ở hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum. Sự thực thì các cuộc lễ hội “đời mới” có giảm bớt đi rất nhiều những thủ tục nghi lễ mà xưa kia người ta không được phép bỏ qua, hoặc không dám bỏ qua. Từ việc chuẩn bị cho lễ hội, nhất là chuẩn bị cây cột dùng để cột trâu, mà tiếng Bah Nar gọi là Gưng Sakapô. Gưng Sakapô giống như cây nêu, được chia làm ba phần, có trang trí rất cầu kỳ.
Phần từ mặt đất lên làm bằng bốn cái chân đặt bốn góc, được cột chặt bởi bốn thanh ngang, làm thành giàn, nơi già làng bước lên giàn cúng tế. Phần thứ hai, từ giàn đứng của già làng lên ngọn, được trang trí bằng các tua vót từ thân le, nứa nhuộm nhiều màu, thân cột được khắc, chạm, vẽ nhiều hoa văn sặc sỡ. Trên đỉnh cột Gưng là biểu tượng, hoặc con chim, hoặc con cá, phía dưới treo chùm ống nứa tơơng nơơng tạo nên những âm thanh rất đặc thù cho mùa vui.
Đã gọi là hội thì nhất định đó là cuộc vui của cộng đồng rồi. Cuộc vui lớn nhỏ tuỳ thuộc vào điều kiện, khả năng của từng địa phương. Nhưng nguồn gốc của các cuộc vui mà ta gọi là hội ấy có từ bao giờ, khởi thuỷ của nó ra sao thì ít ai nói chính xác được. Tuy nhiên, theo sự quan sát của tôi, gốc của mùa hội có đâm trâu đều bắt nguồn từ sự cúng tế thần linh rất linh thiêng, mà con vật được chọn làm vật tế thần, ấy chính là Kapô (con trâu).
Con trâu đối với người Việt lúa nước là đầu cơ nghiệp, là tài sản đáng kể, chỉ sau ruộng đất. Con trâu đối với bà con các dân tộc Tây Nguyên nói chung, vì gần như hầu hết các dân tộc ở Tây Nguyên đều có tục đâm trâu tế thần, thì lại khác. Con trâu được dùng để đổi chác, là vật đánh giá có giá trị trung tâm cho việc mua bán qua lại giữa hai đối tác, những tài sản lớn đều được tính bằng trâu. Bộ chinh chiêng này đổi được mười con trâu. Thằng ấy làm việc tầm bậy bị phạt một con trâu. Cái ghè ấy giá hai mươi trâu...
Nhưng con trâu không vì thế mà mất đi giá trị tinh thần. Người ta ăn mừng nhà Rông mới, làm lễ hội có đâm trâu. Năm nay làng được mùa, tổ chức lễ hội có đâm trâu. Làng làm lễ Pơ Thi , mở đầu bằng lễ hội có đâm trâu. Từ dân tộc Bah Nar, Jơ Rai, Êđê, Xê đăng, Yeh, Xê Đrá đến dân tộc Bờrâu, đâu đâu cũng có lễ hội này, về tính chất thì giống nhau, về nghi lễ mỗi nơi mỗi khác. Sở dĩ tôi gọi lễ hội có đâm trâu vì hiện nay có một vài tác giả tranh luận với nhau, nên gọi là lễ hội đâm trâu hay lễ hội ăn trâu. Thực tế trong mùa hội có nhiều lễ hội không có đâm trâu, phần lớn là vì con trâu ngày một quý hiếm. Phần nữa, vật tế thần không chỉ duy nhất là con trâu, có thể con bò, con heo, thậm chí con gà vẫn được. Nhưng nếu có trâu thì vẫn là số một. Vì lễ hội tập trung ở hai giai đoạn chính, ấy là “đâm” và sau đó là “ăn”.
Đâm trâu - nghi lễ tế thần của cư dân làm lúa nương và là sự biểu hiện sức mạnh của cộng đồng, là dịp biểu dương lực lượng, là cơ hội để các trai làng gái làng biểu diễn tài năng của mình. Nam thì múa khiên, múa giáo, phóng lao. Nữ thì múa hát (xoang) cổ động. Còn người già thì cúng tế và đặc biệt là đánh chinh chiêng.
Con trâu được cột dưới cột Gưng. Nó có thể chạy quanh cột Gưng thành vòng tròn. Sau lời tế lễ già làng phát lệnh hành sự, các chàng dũng sĩ đóng khố Ktel (khố hoa ngày lễ hội) múa khiên, múa lao, sau đó là phóng những mũi lao vào con vật. Theo nhịp ching chiêng, các cô gái nắm tay nhau xoang (múa) vòng quanh. Họ múa hát cho tới khi con trâu bị đâm gục và lời cúng tế các thần linh của già làng ngớt, thì mới nghỉ. Tôi xin mở ngoặc ở đây, người Bah Nar, và cả người Jơ Rai nữa, luôn coi thần linh là bạn bè gần gũi, có thể kết nghĩa anh em, cha con, lại có thể “ly dị”, nếu ăn ở giữa thần linh và con người có sự bất hoà. Thậm chí có người còn trả thù thần linh bằng cách bỏ đói, không cúng tế nữa, để chuyển sang thờ phụng một thần linh khác tốt hơn. Sự gần gũi giữa các thần linh và con người tạo nên cuộc sống hồn nhiên, và mùa vui hội hè người ta “ăn” chung với các Atâu (ma), các Jàng (thần linh).
Chính vì thế, sau lễ đâm trâu là tới lễ ăn trâu. Ăn trâu cùng với các thần linh - qua những bài hát, điệu múa và đặc biệt là qua Atâu xít (thần rượu cần - tiếng Bah Nar). Atâu xít được coi là bạn thân thiết nhất của mọi thành viên, từ già chí trẻ, từ đàn ông đến đàn bà. Ai cũng có thể ôm ghè rượu, vít cần, uống và hát. Hát bài có sẵn lời của đời trước để lại. Hát bài hát ngẫu hứng tự đặt lời cho cái miệng mình... Atâu xít - Atâu ching chiêng (thần rượu cần và thần ching chiêng) làm cho con người gần gũi nhau, trong mùa lễ hội, mọi hiềm khích, mọi thắc mắc của thời gian qua, đều được các thần linh giúp sức nói ra để rồi xoá đi hết.
Tôi đã được “xem” một cuộc giải hoà giữa hai người có thù hận vì người nọ đi săn, bắn nhầm vào chân người kia. Người bị thương cho rằng người kia cố tình bắn anh ta què, vì anh ta săn bắn giỏi hơn. Đã phải phạt một con trâu rồi, người bắn phải chân bạn kia còn bị phạt ở nhà ba con trăng. Đến ngày lễ hội có đâm trâu, anh ta hết hạn phạt, đã uống rượu say, để giải oan cho mình, anh ôm ghè vít cần rượu, bắt người bị thương “phải uống say bằng nhau cái tui, để tui cúng Jàng xin cho được thông cảm là tui lỡ tay thôi”.
Và hai người đã uống say tới mức, cứ ôm lấy nhau mà thanh minh trước con mắt vui khôn tả của cả làng. Họ trở thành bạn thân như cũ, không ai còn hiểu lầm ai. Nhưng tôi phải nhấn mạnh rằng chuyện này chỉ xảy ra cách nay ba bốn chục năm trước, ngày ấy bà con còn sống trong rừng. Hay nói chính xác hơn, rừng chưa bị phá và rừng vẫn còn nhiều như rừng tự nhiên nên các nhu cầu sống của bà con chưa bị mất đi không gian văn hóa lâu đời mà tự cuộc sống cộng đồng tạo nên.
Bây giờ, sau nhiều năm xây dựng, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, chuyển đổi cơ cấu quản lý xã hội đã khác. Nhiều cái khác. Không gian văn hóa thời đổi mới đã khác và các lễ hội xưa cũ có những lễ tục không còn phù hợp với không gian văn hóa mới.
Lớp trẻ dùng điện thoại di động, máy tính bảng hòa mạng toàn cầu còn cha mẹ thì… chỉ biết ngồi bên nhau ôn lại chuyện cũ, ôn lại thời rừng già rừng non, thời những lễ hội dâng hiến cho thần rừng thần núi. Bây giờ thần rừng thần núi cũng phải biết đi xe máy, đi hát karaoke, đi máy bay, ô tô và dùng máy tính bảng. Thần rừng thần núi không còn vì rừng và núi bị cạo trọc rồi, các thần linh mới phải nương tựa vào trang trại café, vào rừng cao su do con người trồng… Cái thác nước thiêng ngàn đời mà người ta chặn đi mất rồi. Con sông thì nó bắt đổi dòng quẹo lên quẹo xuống làm nên biến đổi khí hậu khiến các thần phải bó tay trước hiện trạng. Nhà mồ xây mới, người chết làm lễ tang mới. Tiếng khóc, tiếng cười cũng khác. Bọn con trẻ hát nhạc rock không hát các bản dân ca chậm chạp ê a. Và trong các lễ hội mà có đâm trâu cùng với ăn trâu ngay lập tức trở nên lạc hậu. Các sinh hoạt văn hóa mà điển hình là cồng chiêng người ta phải đưa vào kho bảo tàng. Người ta đưa cồng chiêng lên sân khấu diễn xướng mà không còn “không gian văn hóa” tức là rừng thì còn ý nghĩa gì nữa, Giàng ơi!
Trung Trung Đỉnh (Nông Nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm