Gần UBND xã và Hạt Kiểm lâm: Rừng thông vẫn bị phá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hai bên đường quốc lộ 14, đoạn qua địa bàn xã Cư Né, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk là khu rừng thông đã hàng chục năm tuổi, nhưng liên tục bị kẻ xấu lén lút sử dụng dao, rựa ken (cắt sạch một đoạn vỏ cây xung quanh gốc) cho cây chết để chiếm đất.
Mặc dù khu rừng thông này chỉ cách UBND xã Cư Né và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Búk chưa tới 1km, thế nhưng kẻ gian vẫn ngang nhiên phá hoại.
Thông bị ken gốc chờ chết.
Nhìn hàng trăm cây thông có đường kính từ 25 đến 50 cm dọc quốc lộ 14, quanh gốc bị đẽo vỏ chết khô khiến cho người đi đường ai cũng phải xót xa. Tại buôn Rô 2, theo quan sát của chúng tôi, trong khoảng diện tích 3 sào đã có hơn 100 cây thông gần 40 năm tuổi bị kẻ xấu ken gốc. Trong số đó có hơn 70 cây thông đã chết, còn hàng chục cây khác vết ken còn rất mới.  
Ông Y Lem Mlô-Buôn, Trưởng buôn Rô 2, xã Cư Né, huyện Krông Búk cho biết: Rất nhiều cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, cử tri ở đây đã nêu ra vấn đề, yêu cầu có giải pháp để bảo vệ rừng thông. Nhưng việc hủy hoại rừng thông vẫn không giảm. Người dân mong muốn các cấp chính quyền bảo vệ rừng thông như trước đây. 
Theo ông Y Thân Mlô - Phó Chủ tịch UBND xã Cư Né, phần lớn việc hủy hoại rừng thông mục đích chủ yếu là để xâm lấn đất rừng. Không chỉ rừng thông ở buôn Rô 2 mà ở các địa điểm khác như buôn Mùi, trước Trường THCS Phan Chu Trinh gần UBND xã cũng bị kẻ xấu phá hoại. Nguyên nhân rừng thông bị xâm lấn là do nhiều hộ dân sau khi nhận khoán bảo vệ rừng thì họ buông lỏng, do giá trị rừng thông mang lại cho bà con thấp. Phần giá đất thay đổi nên nhiều người muốn phá bỏ để chiếm làm rẫy, bán đất trục lợi. Để thực hiện quản lý tốt đất rừng này thì phải  thực hiện nghiêm túc công tác quản lý và xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng.
Từ khu rừng thông có diện tích trên 3 nghìn ha, kéo dài gần 50 km hai bên quốc lộ 14, nay là đường Hồ Chí Minh từ thị xã Buôn Hồ, qua huyện Krông Buk đến huyện Ea H’leo hàng chục năm qua; đến nay, sau khi thành lập huyện Krông Búk và nâng cấp đường Hồ Chí Minh diện tích rừng thông đến nay đã suy giảm chỉ còn chưa đến 500 ha.
Điều đáng nói là số thông còn lại đang đứng trước nguy cơ bị xoá sổ. Nguyên nhân là do việc quy hoạch khu dân cư đã đẩy giá đất lên cao cộng với sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng, khiến cho nhiều diện tích rừng thông bị tàn phá. Theo người dân, hiện một mét đất dọc đường Hồ Chí Minh có giá chuyển nhượng từ 120 đến 150 triệu đồng. Đối với đất chưa có giấy tờ thì giá chuyển nhượng từ 70 đến 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Thuấn- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Búk cho biết, để ngăn chặn tình trạng phá hoại rừng thông, lấn chiếm đất rừng, đơn vị đã tiến hành cưỡng chế buộc phá bỏ nhiều diện tích cây công nghiệp các loại, các công trình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp. Đơn vị đã tiến hành đào hơn 3km đường mương và dựng hàng chục cột mốc để phân định giữa đất rừng tiếp giáp với đất rẫy của người dân. Tuy nhiên, theo ông Thuấn, đến nay tình hình ken, cưa cây thông trên dọc tuyến quốc lộ 14 vẫn còn xảy ra.
Nguyên nhân chủ yếu thứ nhất do chưa thực hiện được công tác giao đất giao rừng, thứ hai các đối tượng có đất nông nghiệp liền kề với đất rừng thông luôn lén lút ken, cưa cây thông để cây thông chết với mục đích chính là lấn chiếm đất lâm nghiệp.
“Về phía Hạt Kiểm lâm chúng tôi  thường xuyên tăng cường kiểm tra để xử lý. Trong năm 2018 chúng tôi cũng đã phối hợp Công an huyện, Viện Kiểm sát nhân dân huyện để xử lý các tin báo tố giác về tội phạm đối với tội ken, cưa cây thông. Trong năm 2018, lực lượng Kiểm lâm huyện Krông Búk đã phát hiện xử lý 15 vụ vi phạm lâm luật, thu giữ hơn 24m3 gỗ các loại, xử phạt thu nộp ngân sách trên 100 triệu đồng” - ông Thuấn cho biết. 
Chặt, ken từng cây thông để lấn đất, lập vườn cây công nghiệp, làm nhà là điều ai cũng biết. Và đương nhiên việc lấn đất này là do người dân ở gần đó thực hiện. Thế nhưng, những việc làm được coi là để bảo vệ rừng thông như tuyên truyền, vận động hoặc đào đường hào, dựng cột mốc… chỉ là những giải pháp trên ngọn. Muốn bảo vệ rừng thông -  rừng phòng hộ quốc lộ 14, vấn đề cần làm rõ là có sự tiếp tay, thông đồng giữa người có chức trách với kẻ phá hoại hay không? Đặc biệt, cần phải giải tỏa một cách dứt khoát những vườn cà phê, hồ tiêu, thậm chí cả những că nhà tạm bợ, nhà kiên cố do lấn rừng thông xây dựng bất hợp pháp. Có như vậy mới bảo vệ rừng thông tận gốc.
Nguyễn Tuấn Anh (Đại Đoàn Kết)

Có thể bạn quan tâm