Bớt tiền hỗ trợ học sinh cho giáo viên, hiệu trưởng bị tạm đình chỉ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau khi nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ, bà Sơn chỉ trả 371 triệu đồng, số còn lại đem chia cho cán bộ giáo viên trong trường.
Sáng nay (22/1), ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk cho biết, tiếp nhận thông tin phản ánh của VOV, UBND huyện đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác bà Vũ Thị Sơn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Yang Hăn, xã Cư Drăm liên quan đến việc tự ý chia 135 triệu tiền hỗ trợ của Chính phủ cho học sinh nhèo vùng khó khăn.
Trường Tiểu học Yang Hăn, xã Cư Drăm nơi bà Sơn làm hiệu trưởng.
Theo quyết định, bà Sơn bị tạm đình chỉ 15 ngày, bắt đầu từ 24/1 để phục vụ công tác điều tra liên quan đến sai phạm có dấu hiệu tội phạm trong phát tiền, gạo cho học sinh thuộc diện được hỗ trợ theo Nghị định 116 của Chính phủ, xảy ra tại trường Tiểu học Yang Hăn xã Cư Drăm, nơi bà này làm hiệu trưởng.
Trước đó, VOV phản ánh về việc trong năm học 2016-2017, trường Tiểu học Yang Hăn, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, có 93 học sinh thuộc diện được nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ theo Nghị định 116/NĐ-CP với tổng số tiền là hơn 506 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền về để phát cho học sinh thì bà Vũ Thị Sơn, Hiệu trưởng nhà trường lại chỉ trả 371 triệu đồng, số còn lại bị đem chia cho các cán bộ giáo viên trong trường. 
Quyết định tạm đình chỉ công tác của UBND huyện Krông Bông đối với bà Sơn
Có 40 cán bộ, giáo viên được nhận tiền từ quyết định của Hiệu trưởng, tuy nhiên có 3 giáo viên và một kế toán không thực nhận số tiền này. Hai trong số 3 giáo viên đã bị bà Sơn ký quyết định luân chuyển vào điểm trường xa đi lại khó khăn, kế toán của trường thì không được xét thi đua năm học 2016-2017.
Trước khi về trường tiểu học Yang Hăn, bà Sơn công tác tại trường Tiểu học Cư Drăm, và từng lập khống hồ sơ thanh quyết toán sửa chữa khu vệ sinh của trường nhưng chỉ bị phê bình.
Tuấn Long (VOV.VN)

Có thể bạn quan tâm

Nghề rèn của người Mạ

Nghề rèn của người Mạ

Đời sống của người Mạ luôn gắn với núi rừng, nương rẫy. Để đáp ứng nhu cầu đời sống, sản xuất, các nghề thủ công truyền thống ra đời, trong đó có nghề rèn.