Bình dị bữa cơm quê của đại gia phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trở về sau những bon chen, cạnh tranh khốc liệt ở thương trường, ông chủ của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai- Bùi Pháp chọn cho mình cuộc sống bình dị với những bữa cơm mang đậm phong cách dân dã đồng quê. Với cá lóc kho nghệ, thịt luộc mắm nêm, bánh hỏi cháo lòng, cà pháo…đơn giản thế thôi, nhưng đằng sau đó chất chứa câu chuyện của cả một đời người.
Bữa cơm quê gắn liền với tuổi thơ
Nhiều người đến thăm và dùng bữa tại ngôi biệt thự của đại gia Bùi Pháp ở Gia Lai đều không khỏi ngạc nhiên. Không cao lương mỹ vị hay những món ăn đắt tiền, ông Bùi Pháp chọn những món ăn dân dã, bình dị của vùng quê Bình Định-nơi gắn liền với tuổi thơ của ông. Là bánh hỏi cháo lòng, là thịt luộc mắm nêm, cá lóc kho nghệ, cà pháo…chế biến đậm đà đúng chất quê. Đặc biệt, bữa cơm nhất định phải có rau sống và nước mắm nguyên chất do chính tay người dân Bình Định quê ông chế biến. 
“Bữa cơm đôi khi chỉ là tô cá lóc kho nghệ vàng ươm, đậm đà ăn cùng cơm trắng. Thịt cá dai, mặn, ngọt, cay, béo đủ vị, ăn vào như cảm nhận được cả hồn quê Bình Định trong từng thớ thịt”- ông Pháp bảo thế.
Ông nhớ lại, ngày chưa lên Gia Lai lập nghiệp, gia đình ông nghèo, vùng quê cũng nghèo mạt rệp. Bố mất sớm từ khi ông mới lên 3. Một mình mẹ tần tảo làm thuê, làm mướn nuôi 6 anh em. Bữa cơm cả gia đình đôi khi chỉ vỏn vẹn nồi cơm độn khoai, độn mì, nhiều khi mấy anh em tranh nhau một chén cơm.  Ngày ấy, cá kho, thịt luộc trở thành món xa xỉ mà đến nỗi trong mơ cũng không dám nghĩ đến.
Với một người thanh niên có ý chí, cái nghèo, cái đói  lại trở thành động lực thôi thúc ông quyết tâm rời quê đi lập nghiệp.Chỉ có thành công, gia đình ông mới thoát nghèo!. 
Trở về sau những cạnh tranh khốc liệt của thương trường, ông Bùi Pháp chọn cho mình cuộc sống bình dị. Ảnh: Mai Tiên
Trở về sau những cạnh tranh khốc liệt của thương trường, ông Bùi Pháp chọn cho mình cuộc sống bình dị. Ảnh: Mai Tiên
40 năm phiêu bạt xứ người, giấc mơ làm giàu chưa bao giờ thay đổi, lăn lộn từ người thợ đến làm chủ, ông Bùi Pháp đã nếm trải quá nhiều cay đắng, vất vả của đời người. Chính vì trưởng thành từ nghèo khó, nên ông vẫn luôn ưu tiên cuộc sống bình dị, dân dã là vậy.
“Đối với tôi, những món ăn bình dị, dân dã như một món quà tinh thần, nó gắn bó với cả cuộc đời phấn đấu và nỗ lực không ngừng nghỉ, để tôi có được ngày hôm nay. Dù đi qua rất nhiều vùng miền, thưởng thức đặc sản và món ngon ở những đất nước khác nhau. Nhưng với tôi, bữa cơm với những món ăn dung dị này vẫn thơm ngon lạ lùng, vẫn khiến tôi “chết thèm” mỗi khi đi xa”- Ông Pháp tâm sự.
Xã hội ngày càng phát triển, người Việt chẳng mấy khó khăn để có thể thưởng thức những món ăn nổi tiếng của phương Tây. Thế nhưng, chỉ có ẩm thực Việt, những món ăn dân dã đồng quê gắn bó từ bé, gắn với ký ức về gia đình, cộng đồng mới mang lại cho con người ta niềm yêu thích đặc biệt. 
Chính vì vậy, xa quê bao năm, ông vẫn có những thói quen ăn uống không thay đổi được,thỉnh thoảng vẫn cứ thèm đĩa bánh hỏi, tô thịt kho dừa…Ông nói, hương vị sao mà khiến ông nhớ da diết cái mùi rơm rạ, mùi bùn đất, mùi của  nắng, của mưa trên cánh đồng tuổi thơ dữ dội. 
Trưởng thành từ bữa cơm quê
Dù là món ăn dân dã nhưng ông Pháp luôn yêu cầu khắt khe trong việc trình bày. Ông quan niệm, mỗi đĩa thức ăn đều phải đầy vung, điều đó thể hiện sự sung túc, no đủ và đầm ấm của một gia đình.  
Đặc biệt, với ông Pháp, nguyên liệu chế biến món ăn phải đảm bảo Sạch. Đó là lý do mà trong khuôn viên biệt thự của mình, ông dành nhiều diện tích cho việc trồng rau và các loại cây ăn trái. Riêng cá và heo, gà đều lấy tận gốc Bình Định mang lên chế biến. 
Biệt thự sân vườn của Bùi Pháp tại Gia Lai. Ảnh: Mai Tiên
Biệt thự sân vườn của Bùi Pháp tại Gia Lai. Ảnh: Mai Tiên
Trưởng thành từ nghèo khó, ông Pháp ý thức sâu sắc ý nghĩa của những bữa cơm gia đình. Vì vậy, dù công việc có bận rộn thế nào, nay đây mai đó, nhưng sau những chuyến công tác xa, ông Pháp trở về và luôn dành thời gian cùng gia đình dùng bữa cơm đầm ấm. Thành công cốt để mang lại hạnh phúc cho gia đình, cho con cái mình. Những bữa cơm bình dị là nền tảng để ông giáo dục con cái về lối sống, về nhân cách. Sau này, con cái dù trưởng thành và lập nghiệp ở đâu, vẫn luôn giữ trong mình con người Việt, sống bình dị, cần kiệm, như cái cách mà ông đã làm. 
Bùi Pháp hôm nay, đã là Chủ tịch của một  Tập đoàn lớn nhất nhì Gia Lai, tung hoành ngang dọc với hàng loạt dự án BOT, Bất động sản, các dự án Năng lượng… trải khắp tỉnh thành và vươn ra ngoài thế giới. Thế nhưng, cuộc sống sau thương trường của ông vẫn luôn bình dị và thấm đẫm hồn quê như thế.
Câu chuyện  với đại gia phố núi về bữa cơm quê đã đọng lại trong tôi nhiều dư vị, những dư vị của thời gian và lòng người. Bất chợt tôi nhớ đến một câu trong bài thơ của Nhà thơ Phạm Hữu Quang: “ Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt / Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”. 

Ông Bùi Pháp, sinh năm 1962 tại xã Ân Đức, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định

Hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai -Một trong những Tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu của Việt Nam, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con với hơn 30 công ty thành viên, 4 công ty liên kết hoạt động ở nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Đặc biệt, Tập đoàn có 5 công ty thành viên trụ sở đặt tại nước ngoài: 2 công ty tại TP .Đông Quản và TP.Thẩm Quyến (Trung Quốc), Hồng Kông, Hàn Quốc và Mỹ.

Ngoài những ngành nghề truyền thống như Sản xuất và chế biến gỗ, đá Granite, Kinh doanh Bến xe và Bãi đỗ, Dịch vụ khách sạn, resort, Khai thác và chế biến khoáng sản, Dịch vụ bảo vệ-vệ sĩ, sản xuất linh kiện điện tử, nông nghiệp… trong giai đoạn 2015-2020, Đức Long Gia Lai tập trung chủ lực vào 3 lĩnh vực trọng tâm: Bất động sản, Cơ sở hạ tầng và Năng lượng.

Mai Tiên 

Có thể bạn quan tâm