Hạnh phúc đời thường của cựu tù Côn Đảo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nghe hỏi chuyện về ông Y Phong, cựu tù Côn Đảo từng tìm về quê nhà sau hơn 40 năm bặt vô âm tín, ông Rơ Châm Uk-Chủ tịch UBND xã Ia Sao (huyện Ia Grai, Gia Lai) liền đưa chúng tôi đến thăm nhà.
Ông Rơ Châm Uk cho biết: “Ông Y Phong tìm về làng cũ năm 2008. Sau khi xác minh ông Y Phong đúng thật là ông Rơ Châm Phong-nguyên du kích xã Ia Sao thời kỳ chống Mỹ, bị bắt tù đày nhiều năm liền, Nhà nước đã cấp chế độ chính sách hàng tháng, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ia Grai cũng phân bổ kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa và trao tặng cho gia đình ông một cuốn sổ tiết kiệm trị giá 15 triệu đồng. Năm 2016, UBND huyện Ia Grai cùng xã Ia Sao hỗ trợ 25 triệu đồng để mua vật liệu sửa chữa ngôi nhà này và 8 con heo giống cho gia đình ông. Mới đây nhất, Kho Z9 (Cục Kỹ thuật Quân đoàn 3) cũng hỗ trợ ngày công sửa chữa lại ngôi nhà. Nhờ vậy mà gia đình ông Y Phong có cuộc sống ổn định, đầm ấm”.
  Vợ chồng ông Phong, bà Hiền. Ảnh: Hoàng Cư
Vợ chồng ông Phong, bà Hiền. Ảnh: Hoàng Cư
Ông Rơ Châm Phong sinh năm 1947 tại làng Yet, xã B5, huyện 4 (nay là xã Ia Sao, huyện Ia Grai). Nơi đây là căn cứ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1964, ông tình nguyện làm liên lạc cho đội du kích xã. Thời gian đầu, ông được giao nhiệm vụ chặt tre, vót chông, đào hầm, gùi lương thực, thực phẩm, vũ khí... và làm liên lạc cho cách mạng. Nhận thấy ông khỏe mạnh, hoạt bát, có khả năng độc lập tác chiến nên tổ chức quyết định phân công ông hoạt động bán công khai, đồng thời đổi họ từ Rơ Châm thành Y để bảo đảm bí mật và an toàn. Từ đó, ông còn có tên gọi khác là Y Phong.
Được tổ chức quan tâm, động viên, ông càng tích cực tham gia vận chuyển lúa gạo, thực phẩm, vũ khí, nắm bắt thông tin, tham gia chống càn, phá ấp chiến lược, đánh đồn bốt của Mỹ-ngụy, đánh chặn địch trên các tuyến đường, nhất là đường 14... Một đêm cuối tháng 3-1967, trong lúc dẫn đường giúp quân giải phóng băng rừng vào Pleiku, ông không may bị địch vây bắt. Biết mình bị phát hiện, ông đã kịp thời ra mật hiệu cho bộ đội đi phía sau tránh khỏi vòng vây của địch.
Bị bắt giam vào đồn Minh Đức (thuộc địa phận xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Pah) rồi chuyển sang Nhà lao Pleiku, Nhà tù Côn Đảo và bị dụ dỗ, mua chuộc, tra tấn rất dã man nhưng ông Y Phong vẫn một mực nói: “Không biết, không nghe, không thấy bộ đội, không làm việc với cộng sản”. Không khai thác được gì, địch bắt ông phải làm các công việc nặng nhọc như: khuân vác, bổ củi, đào hố vệ sinh... Những lúc lao động khổ sai trong tù, ông đã mưu trí liên lạc, kết nối với đồng chí, đồng đội bằng các mật hiệu, ký hiệu thông tin. Năm 1969, nhân một đêm tối trời mưa tầm tã, ông cùng với đồng đội vượt ngục Côn Đảo, nhưng do không thông thạo đường đi nên đã bị địch bắt trở lại. Trong khu biệt giam, ông bị bỏ đói, tra tấn đến mức chết đi sống lại. Tuy vậy, ông vẫn nói đi nói lại như trước đây rằng: “Không biết, không nghe, không thấy bộ đội, không làm việc với cộng sản”. Mỗi lần giặc tra khảo lý do vượt ngục, ông lại trả lời: “Không thích ở trong tù bị đói khổ, bị đánh đập. Thích ra ở với rừng kiếm đồ ăn nên phải vượt ngục”.
Bất lực trước ý chí kiên trung của người cộng sản, địch lại bắt ông lao động khổ sai. Đến năm 1973, ông cùng đồng đội đã tổ chức thành công chuyến vượt ngục, chấm dứt những tháng năm bị tù đày. Về với đất liền, ông đi làm thuê cuốc mướn. Đến năm 1987, ông gặp bà Vũ Thị Hiền. Hai người cùng cảnh nghèo khó nên đã thông cảm, chia sẻ, nương tựa vào nhau và nên duyên vợ chồng, sinh sống tại ấp Thống Nhất (xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang). Họ có với nhau 4 người con.
Cuối năm 2008, khi cuộc sống đã bớt khó khăn, ông quyết định tìm đường về làng Yet. Sau hơn 40 năm (1967-2008) xa cách, chẳng ai nhận ra ông, kể cả những người thân trong làng. Sau một hồi nói chuyện bằng tiếng Jrai, với những thông tin xác thực cộng với việc ông rất giống em trai là Rơ Châm Kdim (SN 1950), mọi người mới nhận ra ông. Sau đó, dân làng mở tiệc ăn mừng ông trở về, đồng thời ra khu nhà mồ làm lễ và đào lấy quần áo, đồ dùng chia cho ông theo tập tục. “Hòa bình đã nhiều năm nhưng không biết tin ông nên dân làng cứ nghĩ thằng giặc hoặc con thú rừng đã ăn thịt ông rồi. Tưởng ông đã về với A tâu (thế giới của hồn ma) nên dòng họ đã chia quần áo, con dao, cái cuốc, chiêng, ghè... cho ông, rồi đem ra khu nhà mồ chôn xuống đất theo tập tục của người Jrai. Khi thấy ông trở về, dân làng vui mừng làm lễ kính cáo với Yàng và xin đào lấy các đồ vật lên cho ông”-ông Rơ Châm Uk giải thích.
Trò chuyện với chúng tôi trong ngôi nhà tình nghĩa, vợ chồng ông Y Phong luôn tươi cười mãn nguyện. Ông bộc bạch: “Mình rất vui khi xã Ia Sao được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và đạt chuẩn nông thôn mới. Bây giờ, đường Hồ Chí Minh, đoạn tránh TP. Pleiku chạy qua ngay làng mình, sướng thật! Gia đình mình tự hào đã đóng góp chút ít công sức vào sự thành công của cách mạng”. 
Hoàng Cư

Có thể bạn quan tâm