BVĐK vùng Tây Nguyên: Thiếu đồng bộ, chậm trễ bàn giao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dự án Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (BVĐK Tây Nguyên) do Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư được khởi công từ năm 2010, có vốn đầu tư gần 1.100 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

 

Một số khu vực trong Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã xuất hiện hư hỏng, bong tróc dù chưa đi vào vận hành. Ảnh: PV
Một số khu vực trong Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã xuất hiện hư hỏng, bong tróc dù chưa đi vào vận hành. Ảnh: PV



Được đầu tư với nguồn ngân sách lớn với mục tiêu trở thành bệnh viện trung tâm ở khu vực Tây Nguyên nhưng công trình này hiện chưa thể bàn giao cho tỉnh Đắk Lắk bởi thiếu đồng bộ trong xây dựng.

Chủ đầu tư trây ỳ, tỉnh “xuống nước”

Dự án BVĐK Tây Nguyên có quy mô 800 giường bệnh, tổng vốn đầu tư gần 1.100 tỉ đồng trên diện tích 12ha từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Dự kiến trong năm 2013, BVĐK Tây Nguyên đi vào hoạt động với mục tiêu góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, giúp cho người dân có cơ hội được chữa khỏi bệnh bằng các dịch vụ kỹ thuật y tế tiến bộ ngay tại khu vực. Mục tiêu là thế nhưng 8 năm đã qua, công trình vẫn chưa thể đi vào hoạt động.

Trước sự hối thúc của Trung ương và dư luận trong việc sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước, từ năm 2016-2018, tỉnh Đắk Lắk nhiều lần có công văn điều chỉnh thời gian thực hiện dự án bởi chủ đầu tư không thực hiện theo cam kết ban đầu. Thậm chí, tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh, nếu dự án không hoàn thành đúng tiến độ, chủ đầu tư và cả lãnh đạo Sở Y tế sẽ chịu mọi trách nhiệm trước UBND tỉnh. Dù vậy nhưng mọi chuyện vẫn... giậm chân tại chỗ.

Theo tìm hiểu, gần 1.100 tỉ đồng tiền ngân sách được tỉnh Đắk Lắk sử dụng để xây dựng một công trình trọng điểm của vùng Tây Nguyên, thế nhưng ngay từ đầu, chủ đầu tư lại quên… đấu nối các tuyến đường chính đến BVĐK Tây Nguyên. Việc chậm kết nối hệ thống giao thông xung quanh dự án theo đánh giá sẽ gây nguy cơ ách tắc, mất an toàn giao thông khi BVĐK Tây Nguyên đi vào hoạt động. Đó là chưa nói đến hệ thống cấp nước cho dự án, các trang thiết bị y tế tại khu hành chính, khu nhà kỹ thuật sau nhiều năm xây dựng, đầu tư nhưng vẫn chưa được đầu tư hoàn thiện.

Vẫn chưa rõ ngày khai thác sử dụng

Giữa tháng 7 vừa qua, cùng với đoàn công tác của Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đi khảo sát, thẩm định công trình BVĐK Tây Nguyên trước khi bàn giao, PV Báo Lao Động ghi nhận 5 tòa nhà chính của bệnh viện đã xây dựng hoàn thiện. Thế nhưng khi vào bên trong các hạng mụcc chính, một số tòa nhà bắt đầu xuất hiện những mảng tường bong tróc, nứt nẻ. Chưa một ngày đi vào vận hành nhưng một số khu vực trong các tòa nhà chính, hệ thống điện nước bắt đầu xuống cấp, hư hỏng.

Trước thông tin dư luận cho rằng, công trình BVĐK Tây Nguyên chưa đi vào hoạt động đã xuống cấp, vị lãnh đạo Sở Y tế cho rằng đó là các hạng mục đơn giản với các dấu hiệu bong tróc, nứt nẻ nhỏ. Về mặt tổng thể, công trình dù đã được xây dựng gần 8 năm nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. “Nguyên nhân chậm tiến độ của bệnh viện là do kinh phí để hoàn thiện theo phương án ban đầu thiếu” - lãnh đạo Sở Y tế nói.

Để tháo gỡ khó khăn, trong cuộc họp chuẩn bị cho việc di dời BVĐK tỉnh về BVĐK Tây Nguyên tháng 5 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị đã đồng ý chủ trương sẽ ứng và vay vốn từ Quỹ phát triển đất tỉnh, Quỹ đầu tư phát triển tỉnh để tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện các tuyến đường giao thông để kết nối, phục vụ hoạt động của bệnh viện.

BVĐK Tây Nguyên có tổng cộng 21 gói thầu, hiện đã nghiệm thu, bàn giao 15 gói thầu, 6 gói thầu còn lại sẽ được các đơn vị chức năng kiểm tra, trước khi nghiệm thu, bàn giao. Quy mô BVĐK vùng Tây Nguyên có 800 giường bệnh, trong khi giường bệnh thực kê là 1.200, giai đoạn cao điểm tiếp nhận khoảng 1.400 bệnh nhân nội trú. Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét đầu tư Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Sản nhi nhằm giảm tình trạng quá tải cho BVĐK vùng Tây Nguyên khi đưa vào sử dụng.


Hữu Long (LĐO)

Có thể bạn quan tâm