Bảo tồn và phát triển rừng Nam Ka

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Ka được giao quản lý hơn 20.399ha, trong đó có 17.395ha đất rừng và được xem như là nguồn dự trữ thiên nhiên lớn nhất ở các huyện Lắk, Krông Ana của tỉnh Đắk Lắk.

 
 Lực lượng tuần tra bảo vệ rừng Nam Ka
Lực lượng tuần tra bảo vệ rừng Nam Ka



Nam Ka nằm trong vùng khí hậu của Tây Nguyên với hai mùa mưa nắng, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Mùa khô nắng nóng kéo dài, ở khu vực rừng tập trung nhiều thực bì hay còn gọi là vật liệu cháy, dễ tạo ra nguy cơ cháy rừng cao.

Bên cạnh đó, địa hình phức tạp, dốc đứng, địa bàn lại bị chia cắt, giao thông đi lại khó khăn. Hiện có khoảng 25 ngàn người dân sống trong vùng đệm, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn do thiếu đất canh tác. Nhiều hộ vẫn lén lút vào rừng đốt nương làm rẫy. Hiện tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp, buôn bán sang nhượng đất đai trái pháp luật diễn ra phức tạp, nhất là ở buôn Lách Ló. Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Ka nhiều lần đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp cùng đơn vị thực hiện cam kết để di dời các hộ lấn chiếm đất lâm nghiệp và dựng lều trái pháp luật ra khỏi rừng.

Hiện, tại buôn Lách Ló, xã Nam Ka, tỉnh Đắk Lắk đã cấp hơn 100ha đất lâm nghiệp cho 46 hộ dân đồng bào dân tộc tại chỗ được canh tác giữa khu rừng đặc dụng, nên việc quản lý và bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Dù chưa dẫn đến xung đột gay gắt như các trường hợp tranh chấp đất rừng khác, nhưng hiện tượng chồng lấn lại mang nhiều tiềm ẩn nhiều rủi ro, thậm chí rất khó để giải quyết trong điều kiện hiện tại.

Sự việc cấp đất cho dân trước khi thành lập Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Ka làm ảnh hưởng trực tiếp tới mối quan hệ, lòng tin giữa Ban quản lý và người dân địa phương. Do vậy, việc quản lý, bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học rất phức tạp.

Ông Nguyễn Văn Nhật, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Ka cho biết: "Đơn vị chúng tôi luôn quan tâm, coi trọng công tác bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là phòng cháy chữa cháy rừng, đốt nương để lấy đất sản xuất. Ngay từ đầu năm đã tăng cường lực lượng xuống cơ sở, địa bàn để nắm bắt tình hình, hướng dẫn người dân cách đốt nương làm rẫy, tránh việc cháy lan vào rừng.

Bên cạnh đó, lực lượng quản lý và bảo vệ rừng khi đi kiểm tra còn mang theo bản cam kết đến tại nơi người dân đang canh tác để họ ký bản cam kết không được khai thác, vận chuyển, tiêu thụ lâm sản trái phép…


 

Tuyên truyền công tác quản lý bảo vệ rừng đến tận thôn, buôn
Tuyên truyền công tác quản lý bảo vệ rừng đến tận thôn, buôn



 6 tháng đầu năm 2018, đơn vị đã tuyên truyền về công tác quản lý và bảo vệ rừng được 142 lần, cho 324 lượt người tham gia và lực lượng của đơn vị trực tiếp đến tận nơi bà con đang canh tác ký 212 bản cam kết bảo vệ rừng. Qua công tác tuyên truyền đến tại thôn, buôn người dân đã có ý thức tốt về bảo vệ rừng".

Ông Nhật cho biết thêm, diện tích rừng của Ban Quản lý ở 6 xã thuộc 2 huyện nên công tác bảo vệ rừng còn trở ngại. Đơn vị đã mạnh dạn giao khoán được 12.317ha rừng, cho 716 hộ là đồng bào dân tộc tại chỗ để họ có thêm nguồn thu nhập. Năm 2017, người dân được hưởng từ dịch vụ môi trường rừng được trên 2,2 tỷ đồng, năm 2018 được 3,3 tỷ đồng.

Kết quả thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho các hộ đồng bào dân tộc cho thấy độ che phủ rừng tăng lên rõ rệt. Chính sách đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chủ động bảo vệ và phát triển rừng, có công ăn việc làm và thu nhập ổn định, góp phần xóa đói, giảm nghèo.


Ngọc Thăng (nongnghiep)

Có thể bạn quan tâm